Đi hết cánh đồng làng

TRẦN NHÃ THỤY| 01/02/2014 07:10

Mặc dù không phải là con nhà nông, nhưng từ nhỏ, mình đã quen với công việc đồng áng, vườn tược...

Đi hết cánh đồng làng

Mặc dù không phải là con nhà nông, nhưng từ nhỏ, mình đã quen với công việc đồng áng, vườn tược.

Đọc E-paper

Mình cũng có mấy năm đi "chận bò" tức đi chăn bò. Những đứa trẻ xuất thân từ kẻ chăn bò đương nhiên là không danh giá gì. Sau này lớn lên, sớm sống đời tự lập, mình lại thêm nhiều lần "hóa thân" vào cái gọi là "xuất thân" chẳng mấy danh giá nữa.

Nhưng mình cảm ơn về sự xuất thân đó đã cho mình hiểu hơn về cuộc sống và con người. Sống có thể đôi lúc hoang mang, nhưng chưa bao giờ là sợ hãi.

Mình là anh cả trong gia đình đông con, bảy anh em, nói như ngôn ngữ của ông già mình là "thằng to đầu", nên bất cừ việc lớn nhỏ nên hư gì cũng lôi "thằng to đầu" ra mà xử. Tuổi thơ mình hầu như không biết thế nào là niềm vui.

Nhưng thôi, đó là một chuyện khác, đáng để quên đi hoặc sẽ kể vào một dịp khác. Chỉ nhớ khi còn là một đứa trẻ chăn bò, những ngày giáp Tết, mình theo mấy anh lớn cưỡi xe đạp vào tận chân núi Vàng cắt cỏ, bỏ vào bao tải chở về cho bò ăn.

Núi Vàng là tên một ngọn núi có thật ở quê mình. Từ nhà mình vào đến chân núi chừng 7 cây số, cũng chẳng phải là xa xôi gì, nhưng với tuổi nhỏ thì đó là những chuyến phiêu lưu mùa Xuân đầy lý thú.

Mình nhớ có một lần đi cắt cỏ dưới chân núi, khát nước mình đi vào nhà dân xin nước uống. Và, tình cờ mình vào trúng nhà một ông già có hai vợ, nhưng độc đáo là cả hai bà cùng sống chung trong một nhà.

Độc đáo hơn nữa là nhà làm bún, nên hai bà vợ cùng ngồi chung cái cối xay bột, nhìn như hai chị em thuận hòa. Ký ức đó, sau này được tái hiện lại trong truyện ngắn Dưới chân núi Vàng (viết thời sinh viên, đăng ở báo Sinh viên)

Như đã nói, mặc dù không phải con nhà nông nòi, nhưng việc nhà nông nào mình làm cũng được, nếu không nói là làm rất giỏi. Cắt cỏ thì không ai bằng. Còn gặt lúa thì mấy bà mấy chị... tròn mắt nhìn.

Mình nhớ hồi đó, người gặt lúa thường xòe bàn tay trái ra để túm lấy gốc lúa, mình cũng xòe tay trái nhưng theo hướng ngược lại (tức là bàn tay không quơ vào mà xòe ra, hướng lòng bàn tay ra trước), chính kiểu xòe tay như vậy đòi hỏi phải cắt thật nhanh, nếu không gốc lúa sẽ đổ.

Mấy bà thợ gặt kêu là mình cắt lúa kiểu miền Bắc. Mình cũng chẳng biết đúng không, nhưng đó là theo bản năng, chứ mình có ra Bắc lần nào đâu mà học kiểu cắt lúa như thế.

Cắt lúa, đập lúa, vác lúa, thồ lúa... việc gì làm cũng rành. Đáng lẽ mình nên là nông dân hơn là phu chữ. Đây là chỗ mình vẫn thường tự vấn mình. Nếu như được làm lại, được chọn lựa lại, có lẽ mình xin kiếu nghề văn, bởi nó quá hiểm nguy, quá nhiều ngộ nhận. Nhà văn phải có tài năng. Mình biết mình thuộc loại bất tài.

Nếu như bạn nào từng sống ở nông thôn, từng làm ruộng, chắc sẽ biết về những cái lỗ mội hay còn gọi là lỗ mậu. Đó là những cái lỗ ngoài bờ ruộng, thường là do con cua, con rắn hay con gì đó làm ổ, rồi vô tình nó đục thủng bờ ruộng, khiến nước từ ruộng này chảy qua ruộng khác, nước từ ruộng cao chảy xuống ruộng thấp.

Cũng có khi lỗ mội do chính con người tạo nên, với mục đích tháo nước phân từ ruộng người khác sang ruộng mình. Cho nên phải đi canh chừng mấy cái lỗ đó.

Mấy ngày Tết, thỉnh thoảng ông già lại kêu “thằng to đầu”, tức là mình đi ra ruộng thăm chừng mấy cái lỗ mội. Thông thường mấy cái lỗ mội này rất khó nhìn thấy, nếu như không quan sát kỹ, nếu như không chịu khó lắng nghe, nếu như không có một chút kinh nghiệm về bụi bờ...

Khi phát hiện một cái lỗ mội rồi thì khoắng tay vào đó kiểm tra, nếu gặp cua rắn thì bắt nó ra rồi lấy đất bịt lỗ lại. Nếu gặp lỗ to thì dện chân từ trên bờ ruộng xuống. Gặp lỗ khó lấp thì vác cuốc ra băm nát một đoạn bờ, đắp mới trở lại.

Nước ruộng nhà ai nấy giữ. Kiểu hồn ai nấy giữ. Nhưng những cái lỗ mội, nhiều khi sau một đêm lại hình thành, có khi do con cua con rắn, cũng có khi do... con đầu đen, tức con người.

Tuổi nhỏ ham chơi, bị người lớn bắt đi làm công chuyện thế nào cũng nhăn nhó, sùng máu. Nhưng khi ra ngoài ruộng, dẫm đôi bàn chân trần lên đất lên cỏ, ngó con ếch nhảy, thấy con chuồn chuồn bay, giật mình vì một con chim... thì thấy một niềm vui êm ả xâm lấn.

Có khi đi quanh hết ruộng rồi thì mới giật mình nhớ ra nhiệm vụ của mình là đi tìm những cái lỗ mội. Thế là phải đi thêm một vòng nữa. Lại ngó nghiêng, lại lắng nghe, lại giật mình...

Mùa Xuân và những cái lỗ mội. Bây giờ mình ngồi đây hồi nhớ. Nếu như có kiếp khác. Nếu như có đầu thai. Mình sẽ làm một con cua suốt đời đi qua những cái lỗ mội ấy. Từ mảnh ruộng này sang mảnh ruộng khác. Đi cho hết cánh đồng làng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đi hết cánh đồng làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO