Để không còn "người Việt phản cảm"

HỒNG BÍCH| 26/02/2017 06:44

Để chuyện người Việt Nam đầu năm đi cướp lộc phản cảm, hay mấy nghìn ca đánh nhau nhập viện cấp cứu... không tái diễn, chúng ta hãy hành động.

Để không còn

Mùa xuân, như thường lệ, sau những phút giây ngắn ngủi ngồi thưởng trà để đón cái vị tinh khiết của mùa xuân, ăn miếng mứt ngọt ngào mong mọi chuyện suôn sẻ, hanh thông vào năm mới, thì chúng ta vẫn phải đối diện với không ít tin tức đáng buồn về những việc người Việt đang làm tại các đền, chùa, trên trục lộ giao thông, trong các điểm vui chơi công cộng.

Đọc E-paper

Cũng như thường lệ, chúng ta bàn bạc, đánh giá các hiện tượng này với ý nghĩ "ai cũng xấu, trừ bản thân mình, gia đình mình, bạn bè mình, công ty mình". Và cứ thế, những thói xấu của cộng đồng dường như chưa bao giờ giảm từ mùa lễ tết này đến mùa lễ tết khác.

Chúng ta cứ than vãn mà không có hành động quyết liệt nào. Và mỗi năm lại có thêm các clip ghi lại cảnh 2 xe va quẹt, người trẻ đánh người già, đám đông thanh niên đánh lái xe taxi, phụ nữ đánh vào mặt nhau để giành giật lộc trước mặt thánh thần...

Chúng ta hẳn còn nhớ đã từng tỏ ra khâm phục người Hàn Quốc khi những cuộc thăm dò hành vi tại nơi công cộng được thực hiện tại nước này. Một trăm túi quà bắt mắt được đặt tại ga tàu điện ngầm. Sau một ngày, cảnh sát nhận được 88 túi do người đi đường chuyển đến, 12 túi còn lại vẫn nằm nguyên chỗ cũ.

Người Việt chúng ta choáng váng và mơ ước. Tại sao Hàn Quốc những năm 1960 còn nghèo đói nhất châu Á mà nay lại sản sinh ra những lớp người Hàn có nền tảng đạo đức đáng tự hào đến châu Âu cũng phải thèm muốn như vậy? Những siêu thị mênh mông, những ngôi chợ hàng hóa bày ê hề không người trông giữ. Đáp số không phải ở sách giáo khoa, không chỉ là kết quả của nền giáo dục, mà ở sự hành động.

Tại các thành phố lớn như Seoul - nơi dân số đến 11 triệu người và phần lớn là dân nhập cư, trật tự và kỷ luật được thiết lập bằng một mạng lưới kiểm soát cứ 100 mét lại có một camera an ninh, bắt buộc người dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nơi công cộng nếu không muốn đối mặt với hình phạt nghiêm khắc, hoặc lọt vào danh sách có tiền sự sẽ gặp khó khăn khi tìm việc làm và vay tiền ngân hàng.

Mạng lưới camera dày đặc cũng là lý do để 100 gói quà được người dân tự giác mang đến đồn cảnh sát, hoặc để nguyên chỗ cũ. Đáp số không có gì bí hiểm hoặc khó khăn để tìm ra. Chống ăn cắp, chống các vi phạm trật tự an toàn nơi công cộng, dần tạo lập nên nền tảng cho đạo đức là thực hiện tốt các quy định chứ không phải đi từ lý thuyết "ăn cắp là hành vi xấu, chúng ta không nên làm".

>>Ấn Độ kêu gọi dân không nhổ nước bọt nơi công cộng

Để chuyện người Việt Nam đầu năm đi cướp lộc phản cảm, hay mấy nghìn ca đánh nhau nhập viện cấp cứu, rồi người trẻ đánh thương binh đang gây phẫn nộ trong dư luận không tái diễn, chúng ta hãy hành động.

Sao không học hỏi cách người Hàn làm với công dân của họ? Nếu từng địa phương, từng ban tổ chức lễ hội, từng trục giao thông, từng trường học ở các trung tâm thành phố, siêu thị đều được tổ chức quản lý kiểu người Hàn Quốc và công khai việc quản lý, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm ở nơi công cộng, thì những thói xấu chắc chắn cũng phải giảm bớt.

Người Hàn Quốc nói: "Không phải tự nhiên chúng tôi sống có kỷ luật, thật thà từ bản chất, mà chúng tôi phải tập luyện, phải nhận lãnh hình phạt nghiêm khắc".

Có một câu chuyện tựa như bài học kinh nghiệm mà người thủ đô Seoul lưu truyền: Một người đàn ông chở bồ nhí trên xe và có hành vi vi phạm an toàn giao thông. Camera an ninh ghi nhận và hình ảnh trích từ camera được cảnh sát gửi kèm giấy báo phạt "nguội" về nơi ở của đương sự. Người vợ nhận được hồ sơ phạt này đã đòi ly hôn. Câu chuyện nhấn mạnh sự lợi hại của việc kiểm soát chặt chẽ tinh thần tuân thủ pháp luật nơi công cộng, đặc biệt là ở nơi có nhiều dân nhập cư cùng các thói quen sống khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để không còn "người Việt phản cảm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO