Dạy con: Dễ hay khó?

PHƯƠNG THANH| 01/01/2010 07:19

Tại buổi tọa đàm chủ đề “Dạy con làm người - Dễ hay khó?” do Trường Quản trị cuộc đời (TP.HCM) vừa tổ chức, các diễn giả và người tham dự đưa ra nhiều ý kiến rất đáng để những người đang và sẽ làm cha mẹ quan tâm.

Dạy con: Dễ hay khó?

Sẽ không có một khuôn mẫu chung để tất cả cùng áp dụng, nhưng việc dạy con chắc chắn cần tuân theo những nguyên lý nhất định. Đó là những nguyên lý được xây dựng dựa trên cơ sở của sự nghiên cứu khoa học về tâm - sinh lý, và phù hợp với bối cảnh xã hội đương thời. Các bậc cha mẹ cần nắm được những nguyên lý ấy trước khi “bắt tay” vào sự nghiệp “trồng người”.

Tại buổi tọa đàm chủ đề “Dạy con làm người - Dễ hay khó?” do Trường Quản trị cuộc đời (TP.HCM) vừa tổ chức, các diễn giả và người tham dự đưa ra nhiều ý kiến rất đáng để những người đang và sẽ làm cha mẹ quan tâm.

Học trước khi dạy

Theo nhà văn Nguyên Ngọc, người làm cha làm mẹ muốn dạy con, trước hết phải dạy mình, bởi nếu bố mẹ sống không đàng hoàng thì không hy vọng gì trẻ con nên người.

Ảnh: Công Toại

Nhắc lại sử tích mấy ngàn năm trước, bà Mạnh Mẫu đã phải vất vả ba lần dọn nhà chỉ với một mục đích tìm môi trường sống tốt cho con trai - Mạnh Tử, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn muốn nói, việc dạy con không phải bây giờ mới được loài người quan tâm. Thời đại nào có vấn đề của thời đại ấy. Xã hội loài người đầu thế kỷ XXI là một “xã hội nguy cơ” khi toàn bộ cấu trúc xã hội, cấu trúc văn hóa biến chuyển quá nhanh.

Giới trẻ hôm nay tiếp thu và ứng dụng khoa học, công nghệ mới rất nhanh. Quan hệ giữa hai thế hệ đã có nhiều thay đổi. Vì vậy, ở một góc độ khác, ông cho rằng, muốn dạy được con, trước tiên cha mẹ phải ý thức rõ về thử thách mà mình phải đương đầu, chứ không thể chỉ than vãn về sự thay đổi của xã hội tác động đến con trẻ. Chính các bậc cha mẹ cũng cần được tư vấn, đào tạo, hướng dẫn một cách khoa học về cách giáo dục con cái.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn cho biết: “Trong giáo dục con cái, có ba điểm cha mẹ cần lưu ý: Thứ nhất, xây dựng nền giáo dục gia đình không có bạo lực, chỉ sử dụng lý lẽ thuyết phục. Thứ hai, dạy trẻ yêu chuộng cái hoàn hảo, làm chuyện gì cũng vậy, từ nhỏ đến lớn, phải làm đến nơi đến chốn. Thứ ba, dạy trẻ lòng yêu thiên nhiên, yêu môi trường sống của mình”.

Hiểu để dạy

Đạo diễn Việt Linh không ngần ngại chia sẻ những tổn thương, mất mát thời tuổi thơ của mình. Đó là khi mẹ bà rời bỏ đứa con gái nhỏ, là bà, để đi theo tiếng gọi của trái tim. Bà tâm sự: “Tôi đã từ bỏ mẹ tôi bằng cách quay về với ông ngoại. Nhưng từ bỏ mẹ, tôi phải sống suốt những buổi chiều vô cùng đau khổ vì nhớ mẹ”.

Từ tâm tư của chính mình, bà rút ra một điều: “Đứa con dù có bỏ nhà đi thì nó vẫn yêu cha mẹ mình”. Bà kể, chỉ khi mẹ bà “dũng cảm” kể cho bà nghe về tâm tư, hoàn cảnh phải tái giá, hai mẹ con mới được “giải tỏa”. Với những tâm tư, tổn thương, mơ ước từ thời làm con của mình, khi làm mẹ, bà đề ra “nguyên tắc”: “Con tôi với tôi phải gần nhau, phải hiểu nhau”.

Tập cho con những thói quen tốt từ nhỏ; vợ chồng không cãi nhau, không phủ nhận quyết định của nhau trước mặt con; không cho con tất cả những gì nó muốn (dù mình đủ khả năng) để nó biết cách chấp nhận cuộc sống không phải muốn là được; yêu cầu con đừng bao giờ làm điều mà mình không muốn người khác làm cho mình; đã hứa điều gì, dù nhỏ, là phải thực hiện, nếu không thực hiện được thì phải có lý do rõ ràng... là những kinh nghiệm dạy con mà bà chia sẻ với mọi người.

Bà cũng cho biết thêm, định hướng dạy con của bà là tập cho con ba cái “tự”, đó là “tự trọng”, “tự lập” và “tự do trong suy nghĩ”. “Khi nó đã có ba cái tự đó, dù tôi có chết sớm đi nữa tôi cũng yên tâm là con tôi nó ra đời một cách đàng hoàng”, đạo diễn Việt Linh nói.

TS. Quách Thu Nguyệt, Giám đốc Trường LIMA, cho biết, từng có một nghiên cứu đưa ra kết quả là có ba loại cha mẹ tương ứng với ba phương pháp giáo dục: độc tài, dân chủ và nuông chiều. Bà tự xếp mình vào loại “độc tài” trong đối xử với con trai, nhưng với con gái, bà lại thấy mình thuộc loại “dân chủ”. Theo bà, áp dụng phương pháp giáo dục nào nên tùy thuộc vào tính cách của đứa trẻ.

Dưới góc độ của người làm giáo dục, ông Giản Tư Trung cho rằng, dạy con làm người cũng có thể được xem là một “phần mềm”. Mỗi phần mềm có những quy tắc chung của nó. Theo ông, dạy con phải bắt đầu từ đích đến, nghĩa là cha mẹ cần xác định mình muốn một đứa con như thế nào, từ đó mới biết cách làm thế nào để có được con người mà mình mong muốn đó.

Trong một con người có bốn “con người”: thể xác, tâm hồn, trí tuệ và tinh thần. Việc dạy con chỉ được xem là thành công khi chăm lo cho cả bốn phần ấy trong một con người. Dinh dưỡng và rèn luyện thể lực để phát triển thể xác. Một tâm hồn lành mạnh là một con người biết yêu thương và được yêu thương, biết rung cảm trước cái đẹp, trước cảnh đời. “Thức ăn” của tâm hồn chính là bảy môn nghệ thuật. Con người trí tuệ là con người có tri thức. Muốn có tri thức thì phải biết học và được học. Con người có đời sống tinh thần là con người biết cống hiến (cho gia đình, cho tổ chức, cho cộng đồng) và được ghi nhận. Đó là quan điểm của ông Giản Tư Trung.

Vậy dạy con dễ hay khó? Theo một phụ huynh tham dự hội thảo, vừa dễ vừa khó. Dễ là khi vấn đề nằm trong tầm tay của mình, mình hiểu được nó và mình có kỹ năng xử lý nó. Nhưng cha mẹ cũng không phải là người hoàn thiện, người giỏi tất cả, nên cũng không đủ kỹ năng để xử lý tất cả mọi vấn đề phát sinh, khi ấy thấy khó. Kinh nghiệm của bà là, muốn dạy được con, cha mẹ phải quan tâm đến con, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, giai đoạn phát triển nào của đứa trẻ, để giúp con nhận ra năng lực của bản thân, dựa vào chính năng lực của nó để uốn nắn nó.

Sẽ không có một khuôn mẫu chung để tất cả cùng áp dụng, nhưng việc dạy con chắc chắn cần tuân theo những nguyên lý nhất định. Đó là những nguyên lý được xây dựng dựa trên cơ sở của sự nghiên cứu khoa học về tâm - sinh lý, và phù hợp với bối cảnh xã hội đương thời. Các bậc cha mẹ cần nắm được những nguyên lý ấy trước khi “bắt tay” vào sự nghiệp “trồng người”.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dạy con: Dễ hay khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO