Đầu năm đến chốn non cao

HỒNG BÍCH| 16/02/2014 05:47

Sau giao thừa, những ngôi chùa đã nghi ngút khói hương từ lòng thành của người Việt muốn kết nối lòng tin với cõi tâm linh, đó đây trong phút thiêng đầu năm mới, con người luôn trong lành, tốt đẹp và mong muốn dâng lên đức Phật từ bi sự tốt đẹp ấy.

Đầu năm đến chốn non cao

Sau giao thừa, những ngôi chùa đã nghi ngút khói hương từ lòng thành của người Việt muốn kết nối lòng tin với cõi tâm linh, đó đây trong phút thiêng đầu năm mới, con người luôn trong lành, tốt đẹp và mong muốn dâng lên đức Phật từ bi sự tốt đẹp ấy.

Đọc E-paper

Có thể vì vậy mà người Việt đến chùa cầu nguyện đầu năm. Những nơi đền phủ như đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Ông Hoàng (Nghệ An) nổi tiếng linh thiêng cho người kinh doanh lui tới cầu xin, cúng kiếng.

Còn chốn chùa chiền dẫu là ngôi chùa hoành tráng giữa phố đông, hay nơi non xanh núi biếc thì vẫn là nơi mọi người Việt muốn thắp một nén nhang với lòng biết ơn vô hạn phúc lành đã và sẽ đón nhận, hoặc tiếp nhận niềm tin và năng lực cho năm mới.

Cuối năm cả nước giật mình vì 22 tỷ đồng là con số tổng kết khi người ta thu gom tiền lẻ Phật tử cúng dường ở nhiều nơi thuộc khu vực chùa Hương. Những đồng tiền lẻ rơi vãi trong khe núi, trên đường đi, trên những ngọn cây được thu gom về Ngân hàng Nhà nước.

Xuân này, nhiều tỉnh - thành sốt tiền lẻ đi lễ khi Ngân hàng Nhà nước quyết định không in tiền lẻ mới. Không biết từ bao giờ, tập quán xấu này xuất hiện và ngày càng trở nên rầm rộ. Cảnh tượng người đi lễ chùa dắt tiền lẻ vào tay Phật Tổ, chư vị La Hán, đến các vị sơn thần, thổ địa đã trở thành chuyện bình thường.

Phong cách đặt tiền lễ sỗ sàng trên bàn thờ Phật như thế đã lan đến các ngôi chùa ở miền Trung, miền Nam. Điều kỳ lạ là những người đi chùa ấy là những người hình như không có chút hiểu biết gì về cõi tâm linh, chỉ làm một cuộc "bảo hiểm" với các thế lực của đức tin hơn là dọn mình thanh cao, hít thở tinh thần sinh sôi, mạnh mẽ của mùa Xuân vào tâm hồn.

Càng ra Giêng, kéo dài đến tận Rằm, dòng người đổ đến lễ Phật ngày càng đông. Người ta cầu nguyện về những ước mơ thầm kín , thổ lộ niềm tin vào cuộc sống ngày càng nhiều tốt đẹp. Tâm lý học Phật giáo đã phân tích, nếu cầu nguyện cho cái chung của xã hội, cầu nguyện cho những điều tốt đẹp an lành thì sẽ có sự hòa hợp giữa đức tin và cuộc sống bản thân.

Cuộc sống lấy cái gốc vị tha nhà Phật, thì nhân loại sẽ an lạc, thái bình. Nhưng nếu thể hiện trạng thái tham lam, cầu xin đức Phật "một vốn bốn lời", thì bản thân mãi mãi chìm trong sân si, chuốc nỗi phiền hà không được toại nguyện. Đó là một tâm thế "đi chùa" không đúng cách.

Các thầy ở chùa Đồng Yên Tử, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, bàn về chuyện cầu nguyện: "Nếu ta cầu nguyện không đúng chánh pháp hay lạm dụng quá đáng, để thực hiện tham vọng cho lợi ích riêng tư, thì không những không linh ứng, mà còn có thể phản tác dụng, chính vì thế sẽ tạo thêm nhiều ác nghiệp".

Trong muôn vàn những lễ tục đẹp, đi chùa đầu Xuân là một nét văn hóa tâm linh. Người Việt còn có lệ xin chữ đầu Xuân, mỗi người tự chọn một chủ đề yêu thích, những thứ mà họ tâm niệm như Tâm, Nghĩa, Trí, Tín, Tài, Phúc, Lộc, Thọ...

Tùy theo tâm tính, người già trong gia đình giảng giải cho trẻ con ý nghĩa của những chữ đẹp, ngắm phong cách viết chữ tài hoa bay bướm của các cụ đồ cũng là một niềm vui.

Vãn cảnh chùa chốn non cao là một chuyến đi thú vị, mà nhiều người đã bỏ qua không biết tận hưởng khi quá chú trọng chuuyện cúng dường, khấn vái cầu lợi.

Hãy nhìn những đoàn người vừa đổ ra khỏi xe du lịch để vào với Thiền Môn, hãy ngắm nhìn những gương mặt trần thế, để xem khi ra khỏi chốn non cao ấy, có bao nhiêu người có được gương mặt thanh thản, rũ bỏ bản tính tham lam, ganh ghét và giật mình chỉnh đốn tâm hồn, tự răn đe mình phải biết hướng về sự phấn đấu đến cái tốt đẹp cho xã hội; có bao nhiêu người biết, tháng Giêng đối với các Phật tử là thời gian được dùng để tụng kinh Dược Sư để cầu an cho loài người. Đó là một tâm thế đi chùa nên có. Không làm được vậy, thì xin đừng đến chốn non cao!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu năm đến chốn non cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO