Đất vương chuyện tình

KIẾU ANH| 17/08/2013 08:43

Đồi chè ở ven dãy Trường Sơn không chỉ đón nắng mà hứng vô kể trận mưa tuôn. Mưa ào ạt làm người ta không tránh khỏi ướt sũng.

Đất vương chuyện tình

Đồi chè ở ven dãy Trường Sơn không chỉ đón nắng mà hứng vô kể trận mưa tuôn. Mưa ào ạt làm người ta không tránh khỏi ướt sũng.

Đọc E-paper

Chiếc nón lá che nghiêng mái đầu cũng nhàu nhĩ vì người đội cứ mải hái chè. Để mặc mưa quét qua lớp mồ hôi rịn ra dưới da thịt của bao phụ nữ quanh năm chăm chút nương chè.

Mỗi ngôi nhà có một đồi nương dài tít tắp. Hàng xóm không chung vách, nhưng tiếp giáp nhau bởi cây chè. Đàn ông thường khuân vác hàng chục tấn chè được bàn tay phụ nữ hái xuống. Cả một chuỗi lao động được thiết lập như thế để tạo ra quy mô của một nông trường chè vừa có sắc xanh, vừa có hương thơm của trà.

Có một người đàn ông tàn tật, lưng khom xuống, đi đứng như con cua đồng. Anh không thể hái chè, không thể khuân vác, không thể dắt trâu đi cày. Anh xoay xở trong mấy mét vuông đất ở, kiếm tiền bằng cách trồng hoa đào để bán cho lái buôn ngày Tết. Đất trồng chè dành cho sức vóc của vợ.

Mưa nắng làm sức đàn bà khó nhọc. Mỗi đận chè xôm đọt, vợ của "cua đồng" toàn phải í ới gọi chàng trai hàng xóm gần nhất đến giúp sức. Một mùa, rồi mùa thứ hai, thứ ba gì đó, họ ríu rít như đôi tình nhân.

"Cua đồng" hiểu được sự thật của những đêm trăng thanh gió mát vợ mình chăm chỉ lên nương đi hát chè. Chè hái thì được ít mà vẻ mặt của người đi ăn nem thì nhiều. "Cua đồng" không hé răng trách vợ nửa lời, chỉ ngậm ngùi nuôi con nhỏ khi vợ bỏ lại căn nhà để biệt xứ cùng chàng trai hàng xóm.

Chè vẫn ngun ngút tốt. Chỉ có người đi không trở về.

Những nương chè gần suối dường như mát và thơm hơn. Chủ nhân làm lụng và vun vén cho tổ ấm như cổ tích. Có một người vợ đã vui vẻ cưới thêm một vợ nữa cho chồng khi biết mình không sinh được con. Cảm kích trước tấm lòng của vợ, người chồng một mực không ký vào đơn ly dị.

Còn cô vợ bé hiểu được ân nghĩa ở đời, cũng không đòi hỏi chính thức một đám cưới. Em lặng lẽ theo chị về làm thiếp của chồng chị, sinh ra hai đứa con ngoan khỏe mạnh.

Những đứa trẻ đó gọi hai người là "mẹ”. Nết ăn ở của chị khéo léo và cao thượng đến nỗi em coi việc chồng chung là bổn phận. Không ghen, không hờn, không xa cách tình nghĩa giữa hai người đàn bà chung chồng và chung một nương chè.

Đã có người bội bạc chè, bán hết gia sản lấy tiền tỷ để mưu cầu cơ ngơi nơi miền đất mới. Đến khi quay về cố hương, nhìn thấy chè đang sinh sôi trong tay người khác mới biết mình khôn ba mươi năm, dại một giờ.

Bắt chuyến xe từ Sài Gòn về nương cũ, tìm lại dấu chân bám đất của mình, lòng cứ ngỡ như đang thú tội. Luống chè này là do bàn tay vợ dặm cành bón gio. Hàng xanh kia là do sức mình vỡ đất. Bóng dáng vợ chồng ngồi nghỉ trưa dưới cây chè tỏa cành cao lớn vờn ngay trong đôi mắt tiếc nuối của người về.

Nhiều đôi lứa xứng đôi đã khai hoang để kiến tạo đôi chè đẹp như giấc mơ hạnh phúc. Họ đang gieo luống chè đầu tiên để biết đời không khổ nếu mình yêu lấy đất. Đổ mồ hôi với chè thì cũng đủ no ấm quanh ta.

Có nhiều thiếu nữ thành phố tìm đến với miền quê xanh mướt chè để sống cảm giác mới. Cách trải nghiệm ấy không cần phải tiêu tiền, không cần phải điểm trang son phấn và không gợn chút bon chen. Sáng sớm tinh mơ quẩy sọt ra vườn chè, thấy xóm thôn yên bình đến lạ.

Con cào cào nhảy tót lên ngọn cỏ để chơi với sương mai. Con ếch ở phía ruộng thấp kêu vội mấy tiếng như thể báo sáng cho đàn cá trong ao. Rồi gà gáy vang, không tư lự.

Khởi động một ngày làm lụng trên đồi nương trong chừng ấy thanh âm đã là vui lắm rồi. Thanh âm ấy không cần phải cắm xuyên với cái ổ điện nào. Thanh âm ấy làm đôi tai người không ngột ngạt. Trong trẻo và vui tai.

Đất không ngừng hơi thở vì cây, vì người. Từ những nhát cuốc vỡ hoang, đất có vương thêm chuyện ái tình để sự sống luôn là cảm xúc. Có nỗi buồn thăm thẳm của anh "cua đồng". Và có đường kim mũi chỉ để khâu vá hạnh phúc như tổ ấm của người đàn bà chung chồng trong im lặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đất vương chuyện tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO