"Cơn say" mạng ảo

PHAN HÒA BÌNH| 13/11/2016 06:44

Đôi khi ghé qua những sạp báo, cảm thấy cơn lốc mạng xã hội đã tràn đến và nhấn chìm thói quen mua báo của bao người.

Đôi khi ghé qua những sạp báo, cảm thấy cơn lốc mạng xã hội đã tràn đến và nhấn chìm thói quen mua báo của bao người.  

Đọc E-paper

Bà chủ sạp báo là giáo viên không thể thảnh thơi trò chuyện với khách quen mua báo ngày xưa. Báo bày trên sạp ít đi thấy rõ, còn thì đầy ắp những hàng lưu niệm. Vài ông giáo về hưu vẫn thích mua báo buổi sáng, như thói quen tìm chỗ tới lui giao tiếp tuổi già hơn là thật sự cần đọc một tờ báo. Vì thế, các cụ hôm nay mua tờ này, mai mua tờ khác, cứ như phân bổ đều tình cảm cho tất cả các báo. Bà chủ sạp báo ngồi đan len, giống như thập niên 1980, khi gió mùa Đông Bắc bắt đầu thổi.

Ở một góc phố khác, một cụ già bán báo vừa mất. Các con cụ lặng lẽ dọn dẹp quầy cũ, để lại một vệt trống mỗi khi những người quen đi qua, theo thói quen liếc mắt vào chỗ đã mua báo đến hơn chục năm trời.

Cuộc sống vốn vậy, luôn tiến lên, người ta quên dần những sạp báo để chỉ ngồi một chỗ, và chìm đắm trong mạng xã hội.

Hôm qua mạng xã hội sôi sục bực bội vì một vị tiến sĩ chỉ trích giới trẻ "ngáo Facebook", hoặc nhận định người vô công rỗi nghề mới mất thời gian ở trên mạng xã hội. Vị tiến sĩ không biết rằng những cây bút "ngàn like" (ngàn người thích) đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, đang khuynh đảo dư luận với những bài bình luận, rồi nhận năm đến mười ngàn lượt "like", vài ngàn lượt chia sẻ về trang cá nhân, và không thể tính nổi lượng thông tin loang ra theo cấp số nhân của Facebook đến mức độ nào, có thể lên đến triệu lượt người đọc.

Ngày ngày, những cây bút "ngàn like" đó tiếp tục cặm cụi tung bài mới lên, say trong cơn say mới, với lượng người đọc cao khủng khiếp mà đến những tờ báo có số lượng phát hành lớn trước đây bây giờ cũng mơ ước có được lượng người đọc và tương tác bình luận nhiều như vậy. Hiện tượng này làm cho nhiều cây bút văn hay chữ tốt gặp thời trên Facebook ảo tưởng đã đem hết trí tuệ để ngày ngày chứng minh với mạng xã hội quyền lực của mình.

Cơn say mạng ảo từ "đánh" MC Phan Anh làm thiện nguyện ở Quảng Bình đến "cuộc chiến" nước mắm an toàn, rồi sau đó là truyền thông "bẩn" hay "không bẩn" tiếp nối. Cơn say mạng ảo mạnh mẽ và dữ dội mỗi ngày đều cần tìm một con mồi mới trên mạng đang chờ đợi như món ăn tinh thần duy nhất.

Mạng xã hội không nhộn nhịp vào đầu giờ buổi sáng như các sạp báo xưa, mà sôi nổi về đêm. Lời lẽ ngày càng xa rời những chuẩn mực của tiếng Việt, nặng về văn nói bình dân, tin tức nhiều khi vu vơ, không ai kiểm chứng vì mỗi bài viết chỉ mang tính cá nhân của chủ trang, mà đề tài thì trăm cái xấu xa chưa thấy le lói cái tốt.

Xã hội chìm trong sự hoang mang của mạng xã hội, nặng nề tiêu cực, cay độc, cứ như những giá trị tốt đẹp bỗng biến mất tăm, sự độc hại từ thực phẩm, biển xanh, không khí để thở đều trở thành những cái bẫy nguy hiểm bủa vây đời sống con người.

Đôi khi chúng ta nghe tin một cây bút vì sự quá đà trong phát tán thông tin để rồi vướng vòng lao lý. Cá nhân họ đã phải trải qua khổ ải, nhưng những độc địa trong lời nói, trong hàng trăm thông tin họ tải lên mạng mỗi ngày không được kiểm chứng cũng đã đầu độc cuộc sống tinh thần hàng vạn người.

Điều làm cho người ta lo nhất là liệu sau một, hai chục năm "ngụp lặn" trên mạng ảo với thứ văn nói bình dân, một vài thế hệ kế tiếp có đứt kết nối với ngôn ngữ của văn viết không, khi chỉ lưu hành một thứ văn... văng mạng rất ảo?

Sau bao cái lợi của mạng xã hội thì có lẽ văn chương, báo chí là lĩnh vực thiệt thòi nhất. Bởi những tờ báo in, những cuốn sách ít dần người đọc, và những sạp báo cũ kỹ ở góc phố rồi cũng biến mất theo thời gian.

>Giấc mơ từ Facebook

>Đối mặt với văn hóa mạng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Cơn say" mạng ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO