Con cua trong giỏ

KHÀI LY| 27/06/2015 06:43

Ở Việt Nam, ai cũng biết chuyện những con cua trong giỏ. Nếu con nào mon men bò ra, chúng không đi đâu xa được vì sẽ bị hàng chục con khác níu kéo, lôi rơi xuống trở lại vào giỏ.

Con cua trong giỏ

Ở Việt Nam, ai cũng biết chuyện những con cua trong giỏ. Nếu con nào mon men bò ra, chúng không đi đâu xa được vì sẽ bị hàng chục con khác níu kéo, lôi rơi xuống trở lại vào giỏ. Chuyện con cua khiến người ta liên tưởng đến chuyện con người.

Đọc E-paper

Đó là trong làng công nghệ thông tin, ông Nguyễn Tử Quảng - người gắn liền với phần mềm diệt virus đầu tiên của Việt Nam, lại được gọi với biệt danh "Quảng nổ". Đơn giản vì ông hay có các phát biểu mà thiên hạ gọi là mộng mơ vì chúng đi quá xa tầm nhìn Việt.

Mới đây, dư luận lại dậy sóng khi "Quảng nổ” giới thiệu điện thoại Bphone "đẹp nhất thế giới". Và một điều thật không thể tin được, chiếc smartphone cao cấp đầu tiên của Việt Nam này lại nhận nhiều "gạch đá" chê bai.

Phải chăng sự thờ ơ đến từ thói quen chuộng ngoại, hoặc Bphone chưa tìm thấy thị phần tại quê nhà? Điều này còn phải chờ thời gian kiểm chứng, nhưng dư luận vẫn cứ ồn ào, "ném đá" khi chiếc điện thoại còn chưa kịp ra thị trường.

Và như thường lệ, nhiều người đã quên mất ước mơ hóa rồng, hóa hổ năm nào, cứ để mặc cảm xúc chê bai, gièm pha sản phẩm Việt tuôn trào trên các diễn đàn công nghệ và tiêu dùng.

Chúng ta quên mất mới đây đã thất vọng ra sao khi biết rằng công nghiệp phụ trợ Việt không thể sản xuất được con ốc vít cho chiếc điện thoại Samsung. Nhưng hầu như việc đó không tạo ra được làn sóng tâm lý kêu gọi sự nỗ lực xóa bỏ tâm lý yếu kém, dám nhìn xa rộng để bước đi.

Dù thất vọng tràn trề về con ốc vít cho Samsung nhưng thiên hạ lại không chấp nhận việc người Việt có thể sản xuất một chiếc smartphone có khả năng cạnh tranh với các smartphone thương hiệu đẳng cấp như Samsung hay iPhone.

Điều gì đã giết chết ước mơ chung của cộng đồng? Cách đây 15 năm, tôi có quen một nhà đầu tư Việt đến khu công nghiệp Đà Nẵng thuê đất xây nhà máy với dự án sản xuất điện thoại di động Việt. Dự án gặp nhiều rủi ro và cuối cùng đã thất bại.

Nhưng trong quá trình nó hoạt động, hàng chục bài báo gửi vào đó ước mơ điện thoại di động Việt sẽ ra đời. Nhà đầu tư cũng có biết bao mơ ước lãng mạn, không chỉ chuyện kiếm tiền, mà còn là công trình đời người. Khi dự án thất bại, mỗi lần gặp nhau, nhà đầu tư không khỏi ngậm ngùi vì mất vốn và mất niềm tin vào bản thân.

Mất niềm tin và đố kỵ như đôi bạn thân thiết trong mỗi con người. Nhưng nếu cặp đôi ấy hiện diện trong một đám đông, trở thành bản chất xã hội thì thật kinh khủng và không có lợi cho một đất nước cần phát triển.

Mấy ngày nay, trên các diễn đàn thời trang và Facebook cũng đang rộ lên tin tố cáo nhà thiết kế thời trang Đỗ Mạnh Cường đạo ý tưởng thiết kế của các hãng thời trang danh tiếng thế giới và đưa bộ sưu tập này đi trình diễn giới thiệu tại Mỹ.

Tin đồn vẫn là tin đồn bởi nhà thiết kế được phỏng vấn là người ẩn danh, còn ý kiến chính danh lại là của những người không có kiến thức hệ thống về chuyên môn, hoặc phát biểu chỉ để chứng tỏ mình là người tiêu dùng sành điệu.

Thế nhưng những bài báo hay diễn đàn vẫn như những con dao đang giết dần, giết mòn một người đang sáng tạo là sự thật. Đỗ Mạnh Cường là một người làm nghề chuyên nghiệp, với hệ thống sản phẩm, có người phụ trách phát triển thương hiệu.

Báo chí các địa phương tại Mỹ, nơi Đỗ Mạnh cường đến, vẫn chưa có thông tin nào, nhưng ở quê nhà, nọc độc dư luận đã phun nhả. Những nhà thiết kế Việt không bảo vệ đồng nghiệp, trái lại còn hăng hái chỉ dẫn tường tận cách "vạch lá tìm sâu".

Câu chuyện này lại giống với chuyện cua trong giỏ, nơi mà thương hiệu thời trang Việt cũng giống như một bầy cua, không thể phát triển thành cái tên mạnh mẽ, mà mãi mãi chỉ là chuyện kiếm sống riêng của từng người.

>Đám đông nào cũng… có vấn đề

>Sự cô đơn của người ra đi

>Khi Thủ tướng phải cứu dòng sông

>Đừng bóp méo cuộc sống!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con cua trong giỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO