Cô đơn trên đỉnh Sơn Trà

KHẢI LY| 11/06/2017 06:54

Câu chuyện giữ lại một khu bảo tồn thiên nhiên tại Đà Nẵng khiến chúng ta có dịp nhìn ra một vấn đề về nhận thức của con người.

Cô đơn trên đỉnh Sơn Trà

Những ngày gần đây, chuyện bảo tồn bán đảo Sơn Trà như một khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, hay "phải phát triển hạ tầng du lịch" như quan điểm của UBND Thành phố Đà Nẵng vẫn đang là đề tài "nóng". 

Đọc E-paper

Nhưng câu chuyện giữ lại một khu bảo tồn thiên nhiên tại Đà Nẵng đã khiến chúng ta có dịp nhìn ra một vấn đề về nhận thức của con người.

Sau khi Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng đứng ra trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh để bảo vệ sự tồn tại của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thì đã có 11 ngàn người Đà Nẵng và các địa phương khác ký vào bản thông điệp kêu gọi bảo vệ Sơn Trà. Đó là một bước tiến về nhận thức, khi Đà Nẵng từ một thành phố đáng sống đã bắt đầu bước vào lằn ranh mới của sự mong manh không bền vững.

Nhưng trong các cuộc hội thảo chính thức về số phận của Sơn Trà gần đây nhất, không cơ quan chức năng nào quan tâm đến con số 11 ngàn người đã ký vào bản thông điệp kêu gọi dừng khai thác, xây dựng hạ tầng trên Sơn Trà để bảo vệ thiên nhiên bền vững, đến luận điểm của chính Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng là những người trực tiếp làm trong ngành du lịch, những người hiểu rõ du khách cần điều gì khi họ quyết định đến Đà Nẵng để tham quan.

Những lời kêu gọi bảo vệ thiên nhiên và nhận được sự ủng hộ bằng những chữ ký là cách ứng xử văn minh của thời đại mới mà các cơ quan chức năng nên chấp nhận và lưu tâm đến các mức độ phản ứng của xã hội thông qua những hình thức có văn hóa như vậy.

Dù một mai số phận của Sơn Trà đi theo con đường tăng trưởng "nóng", phát triển du lịch "buồng phòng" khách sạn, thì người thành phố này cũng chỉ nuối tiếc một báu vật thiên nhiên giữa lòng thành phố đã bị tổn thương trên đường phát triển "nóng", chứ không phải hổ thẹn ngày hôm nay không đủ nhận thức để lên tiếng bảo vệ môi trường bền vững.

Đã có những tiếng nói, dù rất cô đơn, như sự cô đơn của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng trong các buổi làm việc, hội thảo về số phận của Sơn Trà. Đó là sự cô đơn bị vây bọc bởi sự im lặng của tất cả cơ quan quản lý về tài nguyên môi trường trước áp lực phải phát triển kinh tế.

Trong những ngày này, mỗi ngày có hàng trăm lượt người Đà Nẵng lên Sơn Trà ngắm những đàn voọc sinh sống, trong đó nhiều gia đình đã đưa con em đến ngắm cảnh thiên nhiên, cho trẻ học bài học vỡ lòng về một nơi các em cũng có trách nhiệm phải gìn giữ. Hôm nay người dân bình thường chỉ cần chiếc xe máy với vài chai nước là có thể sống một ngày hòa vào thiên nhiên, nói với những đứa trẻ về vẻ đẹp bền bỉ mà họ đang tranh đấu để giữ gìn cho thành phố. Nhưng ý thức giáo dục đó chưa phổ biến, chỉ tùy vào mỗi gia đình.

Chúng ta cứ nghĩ bài học về môi trường là điều gì đó to tát, nhưng chỉ cần đưa nó vào chương trình giáo dục, không phải là trong trang sách giáo khoa, mà hướng các em tập lối sống hòa mình vào thiên nhiên, nuôi dưỡng và phát triển kiến thức để tạo ra một thế hệ mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa cuộc sống khiêm tốn trong cái nôi thiên nhiên, chứ không phải làm chủ theo cách sử dụng thiên nhiên để đổi lấy lợi nhuận, để rồi những thế hệ sau mỗi ngày đối mặt với những từ ngữ như "biến đổi khí hậu".

Hy vọng những người như ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng sẽ không cô đơn trong cuộc đấu tranh bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà.

>>Bảo vệ môi trường bằng "công nghệ mềm"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cô đơn trên đỉnh Sơn Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO