Chúng ta sẽ nghe nhau hay nghe máy tính?

KHẢI LY| 29/12/2017 06:04

Trí tuệ nhân tạo có thể là dấu chấm hết cho nhân loại khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất".

Chúng ta sẽ nghe nhau hay nghe máy tính?

Muốn vào một chung cư cao cấp bạn phải có dấu vân tay được thẻ từ chấp nhận. Bạn mặc một chiếc áo mong manh trong mùa lạnh khiến người khác phải xuýt xoa giùm thì bạn có dịp giới thiệu đó là chiếc áo giữ nhiệt nhà sản xuất đã nghĩ ra cho thời trang mùa lạnh để bạn không cần phải mặc những chiếc áo dày sụ.

Đọc báo, nói chuyện tâm sự, mua hàng, họp hành..., nhất nhất đều sử dụng chiếc điện thoại có kết nối internet là xong, là có thể giải quyết mọi việc trực tuyến. Thậm chí muốn mua một cuốn sách được xuất bản ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bạn chỉ cần thực hiện vài lệnh mua hàng và thanh toán là cuốn sách điện tử đã nằm trong một email gửi tới trong tích tắc mà không có một rào cản nào có thể ngăn chặn như trước đây.

Tiện nghi đến từ công nghệ số tuyệt vời như vậy đó. Ba người bạn thời học trung học phổ thông đang ở ba thành phố khác nhau vẫn có thể tán gẫu, hợp tác đầu tư bên ly cà phê "thật" và "chat qua mạng" mỗi đầu giờ sáng.

Cuộc sống có công nghệ thông minh giúp sức, con người có nhiều cách để bộc lộ cảm xúc hơn. Vợ chồng giữa giờ làm việc vẫn có thể gửi cho nhau những trái tim nhảy múa. Con cái đi học, đi làm xa mà thấy không xa bởi có thể gọi video-chat thoải mái với cha mẹ bất cứ lúc nào.

Nhưng, Nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking đã từng cảnh báo: "Trí tuệ nhân tạo có thể là dấu chấm hết cho nhân loại khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất". Đúng vậy, trí tuệ nhân tạo là đỉnh cao sáng tạo của tất cả hành trình công nghệ số với các ứng dụng thông minh phục vụ đời sống con người.

Sẽ đến lúc những người yếu kém nhất phải chịu cảnh thất nghiệp vì máy móc thay họ làm hết mọi thứ. Và điều này đã được bàn đến nhiều lần trong các vấn đề phát triển của nền sản xuất ở các nước tư bản, về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội phát triển. Nó chưa bao giờ là mối đe dọa khiến chúng ta phải dừng sáng tạo và ngưng cho ra đời các phát minh.

Thế nhưng, cuộc đua về trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc và Mỹ đang rất quyết liệt để ứng dụng vào cuộc sống. Một máy tính có trí tuệ nhân tạo sẽ làm hết công việc của một phòng gồm nhiều nhân viên kế toán. Nó sẽ chăm sóc cuộc sống của người già, trẻ em, ra các quyết định về y học, sản xuất.

Lúc đó chúng ta không nghe nhau mà nghe các quyết định của máy móc vì đó là quyết định khoa học chính xác. Có khi nào quy trình máy móc đó dẫn đến sự thay đổi số phận vì máy móc tính toán ta phải yêu và kết hôn với người này để có gia đình hạnh phúc chứ không nên kết hôn với người kia. Và những con người bị máy móc điều khiển như thế sẽ ráp nối cuộc đời của họ với nhau.

Bạn cho đó là suy nghĩ và tưởng tượng viển vông ư? Không phải đâu, bởi cuộc đua sản xuất trí tuệ nhân tạo cho quân sự và kinh tế đang ngốn khá nhiều tiền đầu tư từ các nền kinh tế mạnh của thế giới. Đôi khi các phụ huynh nói đùa, chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc thay vì đầu tư cho con cái phát triển theo lối cổ điển vì công nghệ số đang thay đổi mọi thứ. Rất nhanh thôi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chúng ta sẽ nghe nhau hay nghe máy tính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO