Chống lão hóa bằng suy nghĩ ngược dòng

HỒNG BÍCH| 23/08/2012 08:47

Thỏa hiệp với con đường cũ hoặc chống đối một con đường mới xuất hiện đều là căn bệnh tuổi trẻ bị “lão hóa”, là nạn nhân của lối giáo dục thụ động, khiến cho một lớp trẻ lớn lên không tự giải quyết được vấn đề của mình.

Chống lão hóa bằng suy nghĩ ngược dòng

Một lần, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nói chuyện với các thành viên của Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng, đại ý là: Thành phố đang kỳ vọng vào việc thay máu đội ngũ công chức bằng một lớp trẻ không chỉ giỏi chuyên môn đã được đào tạo, mà còn cần đến một lớp lãnh đạo mới đủ bản lĩnh, những người trẻ hãy tập khả năng làm việc sáng tạo, độc lập, không bị phụ thuộc vào thói quen, nếp cũ.

E-paper

Thậm chí, ông Bí thư Thành ủy còn khuyên các công chức trẻ hãy thử suy nghĩ “ngược dòng” những vấn đề lớp tiền bối đã đúc kết, những quy chế để xem xét đến tận cùng bản chất của các sự việc, nhằm có một hướng giải quyết vấn đề tốt nhất trong công việc.

Đó là lời khuyên rút từ đáy lòng của một lãnh đạo trải nghiệm nhiều thực tiễn, đã thành đạt nhờ lối suy nghĩ độc lập, dám đi ngược dòng để vươn tới thành công.

Thử theo dõi đời sống của những người còn trẻ, chúng ta không khỏi phiền lòng vì những trào lưu người trẻ “phát cuồng” vì đủ thứ thần tượng, và họ cũng công kích những người không cùng quan điểm. Bất đồng quan điểm, chính kiến rất dễ trở thành bị “ném đá” trên mạng.

Với tốc độ lan truyền của các mạng xã hội, chẳng thiếu gì những cuộc tranh luận “chuyện bé xé to” cốt để hạ nhục, làm mất uy tín
những người không cùng quan điểm với mình.

Ngay trong giới văn nghệ, là giới cần biết bao sự sáng tạo, suy nghĩ độc lập, nhưng bài phát biểu cám ơn của nhà văn T.B.L trong buổi lễ nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nhà nước vừa qua đã làm ông trở thành đối tượng bị “ném đá” không thương tiếc trên các diễn đàn văn nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Cả nhà văn nạn nhân lẫn những người công kích ông đều nổi tiếng như nhau trong mắt độc giả văn học. Thái độ đối xử với những bất đồng quan điểm lại chẳng có chút văn hóa, thật đáng tiếc!

Cung cách đối xử với người không cùng quan điểm theo kiểu đó dần trở thành sự kìm nén những suy nghĩ độc lập, sự sáng tạo tìm con đường mới luôn cần thiết cho sự phát triển của xã hội và mọi lĩnh vực khác. Thật đáng lo nếu như cách đối xử với những khác biệt như vậy trở thành thói quen văn hóa của người Việt.

Thỏa hiệp với con đường cũ hoặc chống đối một con đường mới xuất hiện đều là căn bệnh tuổi trẻ bị “lão hóa”, là nạn nhân của lối giáo dục thụ động, khiến cho một lớp trẻ lớn lên không tự giải quyết được vấn đề của mình.

Thấy cái gì khác mình, khác với con đường của mình đang đi là chê bai, dè bỉu vốn là một đặc tính không tốt của các xã hội ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo và là hệ quả của lối giáo dục ít thực tiễn.

Trong một khảo sát của Viện Giáo dục Nghiên cứu mới công bố hồi tháng 5/2012, với đối tượng học sinh tiểu học ở Hà Nội và TP.HCM, 80% học sinh yếu và thiếu nhạy bén trong phân tích và giải quyết vấn đề.

Chương trình Tiểu học dạy các kiến thức và kỹ năng sống tập trung vào chuyện chăm ngoan, biết nghe lời người lớn, không để trẻ có cơ hội thảo luận, tập suy nghĩ, nói lên suy nghĩ của chính đứa trẻ, khi trưởng thành phần lớn sẽ xảy ra cách sống và suy nghĩ theo “đám đông, bầy đàn”, không có thói quen chấp nhận sự khác biệt.

Một người mẹ kể, khi con gái của chị bước chân vào trường đại học đã tỏ thái độ dị ứng với một bạn nam sinh viên có biểu hiện thích trang điểm, ăn mặc và giao tiếp nhiều nữ tính.

Người mẹ đã kịp thời uốn nắn suy nghĩ của con gái, nên biết chấp nhận, tôn trọng những khác biệt nếu điều đó không ảnh hưởng đến cuộc sống người khác, không vi phạm pháp luật. Cô sinh viên đem theo bài học đó, chọn lọc những điều tốt cho mình và trở nên dễ thích nghi hơn với môi trường mới mẻ.

Trở lại câu chuyện khuyến khích những cán bộ trẻ lội ngược dòng, chống lão hóa trong tư duy, một thành viên của Câu lạc bộ sau đấy nói:

“Tôi thật sự giật mình trước những điều vừa nghe, bởi vì tôi không ngờ chỉ mấy năm làm công chức mà mình đã tiêm nhiễm khá sâu những căn bệnh hành chính, đã khá thờ ơ trước những điều đang diễn ra trong đơn vị mình, những vấn đề hằng ngày làm cản trở sự phát triển, sáng tạo riêng của mỗi người, chỉ thật sự nhanh nhẹn khi tự bảo vệ quyền lợi. Và như vậy tôi đã trở thành một người bị “lão hóa”
trước tuổi”.

Chỉ mong sự khuyến khích của một người lãnh đạo có uy tín sẽ thật sự tác động đến giới trẻ dám tư duy và sáng tạo độc lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chống lão hóa bằng suy nghĩ ngược dòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO