Câu chuyện từ Mỹ

QUẢNG YÊN| 17/06/2012 05:28

Một người bạn từ Mỹ mail về cho tôi bài viết của một phụ nữ, và bình luận thêm: “Nhà dưỡng lão - bỗng nhiên muốn khóc!”.

Câu chuyện từ Mỹ

Một người bạn từ Mỹ mail về cho tôi bài viết của một phụ nữ, và bình luận thêm: “Nhà dưỡng lão - bỗng nhiên muốn khóc!”. Mở ra xem, thì thấy người ở Mỹ (chúng ta vẫn ca ngợi họ có loại hình nhà dưỡng lão - nursing home - thật văn minh) lại đang miêu tả cảnh khổ ở đó.

Đọc E-paper

Câu chuyện kể một anh Việt Nam làm nghề lái taxi có mẹ già được gửi vào Viện dưỡng lão. Bà có nhiều con nhưng những đứa con bà thương yêu nhất thì bây giờ không cưu mang nổi mẹ.

Còn anh taxi xưa hay bị bà la lối nhất thì nay vừa chạy xe chở khách, vừa tranh thủ vào đem thức ăn, thăm nuôi mẹ. Bà mẹ thì khó tính, nhõng nhẽo, chê cái này đòi cái kia, anh cũng phải chiều theo. Anh hiểu rằng sở dĩ người già khó tính là do họ sợ bị bỏ rơi, nên phải gây chú ý cho con cái, vô tình làm khổ con…

Trong bài viết, tác giả miêu tả cảnh các cụ trong nhà dưỡng lão. Rằng dù có được trang bị các thiết bị hiện đại, được chăm sóc tốt đến mấy, thì bi kịch tuổi già không thể trốn chạy đi đâu được, không ai hứng bớt đi cho được tất cả. Chỉ có thể làm giảm được nhờ các điều kiện chăm sóc vật chất. Còn vấn đề tinh thần, tình cảm vẫn còn y nguyên.

Tôi định viết trả lời mail ấy, là hãy biết hài lòng với những gì đang có. Xã hội Âu - Mỹ đã tổ chức ra những nơi nuôi dưỡng chăm sóc thế là tốt rồi. Còn hơn biết bao bậc cha mẹ ở Việt Nam già rồi vẫn làm lụng cật lực kiếm sống, con cái hoạn nạn, nghiện ngập.

Thiếu gì những đứa con vào tù, để lũ con cho ông bà già nuôi… đó là chưa kể thời thế đổi thay, con cái bạc đãi cha mẹ già, tranh chấp đất đai đưa cả cha mẹ ra tòa…

Nếu nghĩ như vậy thì quý vị ở Mỹ sẽ thấy bằng lòng về điều kiện của mình. Vợ tôi đọc xong nói: “Mỗi nơi một điều kiện. Ai cũng muốn phải tốt hơn nữa, đó là chính đáng. Không chỉ vì hàng xóm còn khổ thì tôi ở bên cạnh không được mơ sung sướng. Cái kiểu bình quân chịu khổ ấy qua rồi”.

Tôi nói: “Nhưng em xem, người ta chỉ có thể tạo ra điều kiện vật chất chăm sóc, chữa bệnh thôi, chứ ai tạo ra tình cảm gia đình cho các cụ được. Cái đó phụ thuộc vào con cái các cụ và đời sống, thói quen hằng ngày của mỗi gia đình. Cái đó phải chuẩn bị bằng cả cuộc đời mình chứ”.

Mà cái anh lái taxi trong câu chuyện ở Mỹ có nói thế này: “Đến xứ này mới nhận ra đa số con cái đều bất hiếu lắm. Ở Việt Nam nghèo, con cái không đủ nuôi thân nên không lo được cho cha mẹ đã đành, còn ở Mỹ ai cũng có xe có nhà, chỉ mỗi thời gian và lòng hiếu thảo là không có thôi. Nếu có thời gian cũng chỉ đủ để dẫn vợ chồng con cái đi nghỉ hè, còn ông bà già thì mặc xác họ…”.

Rồi bài viết còn dẫn ra chuyện con cái ham tiền, ai cũng sợ vợ nên không thể nào đón cha mẹ ở cùng… Vợ tôi bật cười: “Thì ra ở xứ văn minh mà các thói tật cũng y chang xứ lạc hậu. Cũng sợ vợ sợ chồng hơn là thương cha mẹ.

Bây giờ lại còn lý thuyết: tuổi trẻ hiển nhiên phải được tự do riêng tư, không ở với cha mẹ. Vậy thì chuyện “tuổi già cậy nhờ con” chắc đã đến ngày chấm dứt.

Xã hội sẽ gánh vác cái khoảng trống này, sẽ tiến tới phát triển các viện dưỡng lão. Bây giờ chỉ cần có tiền là ổn. Tiền sẽ làm nhiệm vụ hiếu đễ thay con cái. Thế thì làm sao cứ trách người ta tham tiền, lao vào kiếm tiền như điên!”.

Cuộc sống tinh thần tình cảm của con người, nhất là người già, hình như không có gì cứu vãn nổi, dù cho có rất nhiều tiền. Chỉ có một thứ thức ăn tinh thần cho họ, là tình yêu thương của con cái.

Điều bất biến này là mẫu số chung cho mọi thời. Tình cảm, nhiều khi chỉ là ghé qua phòng mẹ trước khi đi ngủ xem mẹ có khỏe không.

Là trò chuyện với cha mẹ, sum họp cho cha mẹ được nhìn thấy con cháu. Những thứ này tiền không làm thay được. Nhưng đời kể cũng lạ. Con cái có thể vất vả xông ra ngoài kiếm tiền, chiến đấu với đời, khó khăn khổ ải gì cũng vượt qua.

Vậy mà những động tác li ti nhỏ nhất không mất tiền để vui lòng cha mẹ thì lại thấy… mệt quá, thấy không có gì quan trọng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Câu chuyện từ Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO