Câu chuyện cuối năm

KIM DUY| 25/12/2016 08:34

Ý thức con người không phải ngày một ngày hai mà phải qua giáo dục hay trải nghiệm.

Câu chuyện cuối năm

Ý thức con người không phải ngày một ngày hai mà phải qua giáo dục hay trải nghiệm.

Đọc E-paper

Trong một gian phòng chờ ở sân bay có đặt mấy cái ghế massage. Máy hoạt động khi bỏ vào khe tờ giấy hai mươi ngàn đồng. Một nhóm thanh niên tuổi hai mươi kéo đến. Hai bạn ngồi vào ghế, các bạn còn lại đứng bên ngoài xem. Một bạn bỏ vào khe tờ giấy mười ngàn đồng, máy không hoạt động và tự động đẩy tờ tiền lên. Bạn lấy thêm một tờ mười ngàn nữa tổng cộng là hai tờ bỏ tiếp vào khe. Máy cũng đẩy tiền lên. Bạn ngồi ghế bên cạnh cũng thao tác hệt như vậy. Không hiểu mấy bạn này không có sẵn tờ hai mươi ngàn đồng hay cố ý, chỉ thấy rằng mỗi lần máy đẩy tiền lên, các bạn phá ra cười.

Sau đó, hai bạn còn làm động tác là cố tình không cho máy đẩy tiền lên bằng cách đậy cái nắp lại và ấn giữ cái nắp, còn vỗ vỗ vào nắp nữa. Khi thả tay, nắp bật lên, đẩy tiền ra. Cả nhóm lại phá lên cười tiếp một cách hào hứng.

Đã vậy, hai bạn còn bỏ hai chân lên ghế, kiểu như ngồi nước lụt!

Cứ thế, trò tiêu khiển bỏ tiền vào, đậy nắp, thả tay, chờ máy đẩy tiền ra… kéo dài một cách vui thích cho đến lúc có loa thông báo xếp hàng kiểm tra vé ra máy bay.

Một vài người nhìn thấy lắc đầu ngao ngán nhưng chẳng ai nói một câu cho những bạn trẻ ngưng trò chơi đúng kiểu phá phách này.

Phân tích cái lắc đầu sẽ thấy:

Một là không ai muốn nhắc nhở vì chuyện của người ta, chẳng ảnh hưởng đến mình, cái ghế ấy lại càng không phải ghế nhà mình. Hai là sợ bị mang vạ. Ba là, nghĩ xa hơn một chút, mấy bạn trẻ này tội nghiệp quá, chẳng có trò gì tiêu khiển trong lúc chờ đợi, thêm nữa do chúng đi thành nhóm nên dễ sinh chuyện bày trò cười vui. Chuyện nhỏ, thôi bỏ qua!

Cũng có người khó tính lại nghĩ khác. Đúng, chỉ là chuyện rất nhỏ, vặt vãnh, thế nhưng những bạn trẻ ấy đâu còn độ tuổi không biết suy nghĩ?

Người khó chịu hơn nữa thì “phải là con tôi, tôi đã cho cái bạt tai, sao lại phá phách nơi công cộng thế!”. Người khác lại nghĩ, để ý làm gì, chúng nó phá đầy! Nhìn ra xã hội mà xem, có nơi nào công cộng mà không gặp lũ… điên như vậy! Chúng còn trèo lên nơi cấm (càng cấm chúng càng phá) hay nơi nghiêm trang mà chụp hình khoe Facebook nữa.

Vậy thì, do giới trẻ thiếu sân chơi lành mạnh hay vì ý thức?

>>Đẹp kiểu Hàn thành chuẩn mực cho giới trẻ Việt?

Bình tĩnh và có cặp mắt bao dung một chút sẽ thấy, tuổi trẻ luôn thừa năng lượng để quậy phá. Rồi, sau này lớn lên, về già lại hối hận sao mình bồng bột quá!

Ý thức con người không phải ngày một ngày hai mà phải qua giáo dục hay trải nghiệm.

Nghĩ tích cực một chút, nhà trường tất nhiên có dạy những bài giáo dục công dân căn bản, nhưng còn gia đình, liệu cha mẹ đã nghĩ tốt, hành động đúng, không làm điều khuất tất… hay không.

Năm sắp hết rồi, nhìn lại một năm xem mình đã có những điều gì chưa đúng trong hành xử nơi công cộng? Chưa phải với ai? Có gì quá trớn? Đã nói lời yêu thương với ai chưa hay toàn nhìn nhau bằng ánh mắt nghi ngại?

“Tự kiểm” ở đây chỉ là tự vấn lòng. Chỉ có mình biết rõ “bí mật” của mình mà thôi!

Lan man một chút, cái hay dịp cuối năm với người theo Thiên Chúa giáo là họ có một nghi thức “xưng tội” trong mùa Vọng tức là tháng chuẩn bị đón Giáng sinh. Đừng nghĩ hình thức “xưng tội” với vị linh mục là… hết tội, mà đó như một sự tỏ bày cần chia sẻ. Ai trong đời cũng có những khúc mắc riêng tư. Nói ra được với một người tin cậy là lòng nhẹ đi một nửa để nhận lại lời khuyên giải chí tình, có hướng giải quyết tốt.

Để rồi, kết thúc một năm luôn là lời chúc bình an cho năm mới và cố gắng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Bởi thế, tất cả mọi người dù không cùng tôn giáo đều háo hức mùa lễ Giáng sinh, không chỉ vì dịp lễ vui chơi, mua sắm mà đó là mùa suy ngẫm để bước tới và mong mọi sự an lành!

>>Sửa mình nơi công cộng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Câu chuyện cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO