Cảm tình rơm rạ

31/07/2015 06:26

Dẫu bao cuộc nhân danh đã bức ép cánh đồng ra khỏi chỗ của cánh đồng, quăng quật đến người cuối cùng ra xa khỏi cái đống rơm trước sân nhà mình, thì vẫn hy vọng, trong lòng người vẫn còn để dành được một cọng rơm.

Cảm tình rơm rạ

Ngoài sân, vào những buổi chiều của mùa thu hoạch, cha đứng trên ghế cao, tay bưng thúng, rót lúa xuống thành dòng; dưới đất, mẹ cầm chiếc chiếu xếp đôi, mỗi khi trời đứng gió, lại dang rộng hai cánh tay cật lực quạt. Hạt lép bay đi, hạt chắc vun dần thành đống, mồ hôi lặn sâu vào đất. Mùa bội thu vẫn mãi đâu đó ở thì tương lai.

Tụi con nít của những chiều rê lúa ấy, đứa lớn giữ đứa nhỏ, thường quanh quẩn suốt ở chỗ đống rơm mới tinh, mùi nắng gió vẫn còn đậm đà trong từng cọng rơm. Đứa thì leo lên trên đỉnh rơm rồi trượt xuống, vừa trượt vừa giả làm tiếng tàu chạy xình xịch, xình xịch. Đứa mải mê mót những cọng rơm chưa giập gãy, tập bó chổi rơm; bó chổi chán thì lại moi rơm thành một cái hang rồi rúc vào đó, nhiều lúc ngủ quên đến sụp tối, làm người lớn phải đốt đuốc lá dừa gọi tìm trong cơn bấn loạn.

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nông thôn đều tự nhiên có được sợi dây liên hệ đặc biệt với rơm rạ: ngay từ lúc tập trườn, tập bò rồi đến khi lẫm chẫm tập đi, vừa trông thấy cái màu vàng biểu thị cho mùa màng ấy thì ngay lập tức chúng như bị hút chặt vào, đến mức quên bẵng cả thời gian.

Hễ khi có con nít trong nhà bị bệnh, bà già chồng lại sai con dâu chạy ra ruộng, nhổ mớ gốc rạ về nấu nước tắm cho cháu nội. Từ khi nào, gốc rạ đã nghiễm nhiên trở thành một thứ “thuốc đặc trị” cho cái gọi là nổi trái rạ (mà thực ra, thứ bệnh ấy, tây y gọi là thủy đậu do con virus có cái tên khoa học dài ngoằng gây ra).

Những trò chơi rơm rạ, kiểu trị bệnh nhà quê ấy, ai ngờ, sau này lại vận vào cuộc đời của những đứa trẻ. Cho đến một ngày, khi người tóc trắng biểu: “Ngồi xuống đây, mẹ nhổ tóc bạc cho con!”. Thì người tóc ngày nào hãy còn mượt mà đen mới sực nghiệm ra: đứa tập bó chổi rơm và ngủ quên trong hang rơm, đã quá nửa đời người gắn liền với ruộng đồng, rơm rạ, thứ cảm tình ban đầu đã biến thành máu thịt từ lâu. Đứa giả làm tàu trượt từ trên đỉnh đống rơm xuống thì gắn liền với những chuyến dịch chuyển, ngày càng triền miên xa khoảnh sân nhà với cái đống rơm thuở nào.

Theo thời gian, tóc đen sẽ thành tóc trắng và có khi cũng làm cho lòng người từ đen thành bạc, nhưng rạ rơm muôn đời vẫn cứ vàng.

Bây giờ, hiếm khi được nhìn thấy một đống rơm cao ngất trước sân nhà như thuở nào. Máy gặt đập liên hợp đã quán xuyến toàn bộ các công đoạn của mùa thu hoạch, từ cắt, suốt đến cả vào bao, vận chuyển về sân phơi. Rơm rạ được hóa kiếp ngay trên đồng chỉ bằng một mồi lửa.

Tội nghiệp người trễ hẹn với mùa thu hoạch, khi về đến cánh đồng nhà mình thì chỉ còn nhìn thấy được những vệt đen như những vết sẹo chằng chịt trên mặt đất, đây đó, chỉ sót lại lơ thơ vài nhánh rạ nham nhở, lạc loài.

Chính vì thèm thuồng thứ cảm giác đã bốc hơi ấy, mà, thỉnh thoảng lại bắt gặp những người đi chợ bỏ công lùng sục đến tận những góc khuất cuối chợ; tìm đến những người đàn bà có dáng vẻ lam lũ, thường bày biện mớ rau con cá trên tấm nylon trải ngay trên lề đường.

Người đi chợ không vội vàng ngả giá, mà kín đáo đánh cắp ánh mắt ngượng ngập thay cho lời rao hàng, những ngón tay lúng túng vân vê vạt áo còn dính nhựa của buồng chuối bày trước mặt. Đó có thể là buổi chợ đầu tiên của nàng dâu thảo vừa về nhà chồng, hoặc một người đàn bà “ở ruộng” đem mớ đồ “nhà quê” của mình, hy vọng đổi bữa cho đám con nheo nhóc.

Rồi người đi chợ lại săm soi vô cớ từng vết chai kẽ nứt, từng vết mủ ám trên bàn tay, vết đứt cổ gà ở ngón chân của người bán, và trôi về cánh đồng - nơi mình đã trôi đi. Nơi đó, mùa sa mưa, tiếng ếch nhái vang rân trên khắp cánh đồng; tiếng đánh “xạch” rớt hầm của bầy cá lóc, cá trê trườn từ miệng đìa ra ruộng; tiếng vươn mình khẽ khàng của đọt rau chai rau muống vừa bén hơi mưa. Nơi đó, vào mùa mưa, mọi thứ bước vào mùa sinh sôi và đều có thanh âm đặc biệt, hòa vào dàn đồng ca của mùa mưa mà vẫn không bao giờ lẫn lộn.

Khi mùa mưa bắt đầu, có người nhất quyết phải ăn được món ếch xào sả ớt, phải là “gà đồng” chính hiệu chứ không phải lũ ếch công nghiệp ngơ ngáo bán suốt năm ở các siêu thị.

Có người lại chạy xấc bấc xang bang để nấu cho được nồi canh chua bông súng đồng nấu trái giác, không có cá chốt nghệ bụng no tròn trứng thì thay bằng mớ tép rong. Ăn nồi canh chua bông súng trái giác để biết: đâu đó vẫn còn những cánh đồng với ao đìa nước ngọt; như nghe được cả tiếng nhắc nheng, nhái bầu rộ lên vào lúc trời vừa chạng vạng và hình như còn nghe được cả tiếng bước chân bì bõm ngoài ruộng, đang bước gần về phía mình. Rồi tưởng như mình vẫn còn để dành được một cái đống rơm ở đâu đó, sau những trận mưa đầu mùa, lại mang chiếc rổ tre ra thăm bầy nấm rơm nhân lúc mưa, rủ nhau đội rơm mà lên.

Tất cả những thứ nguyên sơ, mộc mạc đó, xin phép được gọi là cảm tình rơm rạ. Dẫu bao cuộc nhân danh đã bức ép cánh đồng ra khỏi chỗ của cánh đồng, quăng quật đến người cuối cùng ra xa khỏi cái đống rơm trước sân nhà mình, thì vẫn hy vọng, trong lòng người vẫn còn để dành được một cọng rơm.

>Đậu vua trong làng

>Lý Sơn mùa tỏi vừa tàn

>Khi Thủ tướng phải cứu dòng sông

>Thành phố của những người già

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cảm tình rơm rạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO