Bài học "năm không" cho người già

QUẢNG YÊN/DNSGCT| 11/10/2015 06:37

Người già phải học bài khó hơn cả khi còn trẻ đi thi. Để lọt mắt xanh của con cái còn khó hơn lọt vào danh sách của nhà tuyển dụng.

Bài học

Bây giờ người già cũng vẫn có thể học tập. Đúng là học tập thì không bao giờ có điểm dừng. Thí dụ như người già phải biết nghệ thuật sống (sống vui, khỏe, có ích – giao việc ác quá, thử hỏi người trẻ chắc đã làm nổi không mà bắt người già làm). Lại còn phải học nghệ thuật để… chết nữa. Khổ thân chưa.

Đọc E-paper

Bài để học thì cứ ngày một dài. Suốt ngày nghe tổng kết kiểu ba điều nên có, bốn điều nên tránh, chín điều làm cho hạnh phúc, sáu loại nọ kia,… chẳng tài nào nhớ hết.

Thí dụ bài mới của người già là ba “có” và năm “không”. Nào hãy thử xem bài ra khó hay dễ để còn xem mình có kịp giải bài toán… trước khi chết không.

Ba “có” thì dễ nhất trí nhưng không biết có thực thi được hay không. Có sức khỏe, đúng rồi, rất hay. Khỏe kiểu gì, làm gì cho khỏe (thỉnh thoảng nghe vận động viên này đột quỵ, vận động viên kia vỡ tim, bà xã tôi nói, đó, thể dục thể thao cả đời nhé, có khỏe đâu, chết yểu là khác. Thử xem những người trăm tuổi thọ nhất thế giới, có ai là vận động viên thể thao đâu. Toàn là những cụ sống nơi vùng sâu vùng xa, ăn cháo với lại ăn trái cây, ở trên núi rừng, tỉnh lẻ).

“Có” thứ hai là có tiền, càng đúng nữa. Lao động cả đời nuôi con hết, nay còn “bóng dáng” gì của tiền bạc nữa đâu. Nuôi con là “trò chơi vô tăm tích” chứng minh mình không có tiền vì… nuôi con hết rồi thì khó ai nghe. Ai chẳng nuôi con? Già không có tiền mà để con cưu mang là chết với dâu rể. Là loại vô tích sự, là tồn tại phi lý.

“Có” thứ ba là có bạn bè, cũng đúng luôn. Nhưng bạn bè cũng là vui chốc lát, chứ mà cả ngày nghe bạn già nói lại thời sự của báo đài (làm gì có tin mới ở đâu ngoài xem báo rồi nói lại?) thì có lúc phát điên.

Nhưng năm “không” mới là hay đây. Không bán nhà đi ở với con. Không trông cháu, chỉ chơi với cháu. Không ở chung mà ở gần. Không từ chối khi con cho tiền dù chỉ là một đồng (trời, làm như đứa con nào cũng chăm chăm biếu tiền cho cha mẹ không bằng). Không tham gia vào cuộc sống riêng của con.

Tính ra, đã có tới ba cái “không” khó lòng thực hiện. Đó là không trông cháu, phải có đến 99,99% các bà già Việt Nam không thực hiện được. Không ở chung mà chỉ ở gần, nghe thì dễ mà không dễ. Phải có nhà cửa hoặc thuê mướn ở gần. Bây giờ có khi một đàn năm đứa con thì ở tới mấy nước, mấy thành phố, mỗi người một ngả, đẻ cho lắm cuối cùng cũng ở một mình.

Ngay những đứa ở chung cũng còn nhiều chuyện lắm. Có phải ai già rồi vẫn còn khỏe, còn tự lực được, còn có tiền để mà độc lập đâu. Ở chung thì đụng với con dâu. Muốn con dâu không tìm cách gây chiến tranh với chồng đòi ra ở riêng thì bà mẹ chồng ít ra phải không được đau ốm để không phải hầu. Phải không được tỏ ra uy quyền với chồng con của con dâu (tức là con trai và cháu nội của mình), phải không được để con trai lo lắng cho mình hoặc tốn tiền của chăm sóc.

Lúc đó thì có tới cả trăm cái “không” mới hòng yên thân. Sống lâu quá chắc gì đã được hoan nghênh.

Cái “không” thứ năm (không can thiệp chuyện riêng gia đình con) rất văn minh, đúng đắn. Nhưng mà khỏi lo đi. Thời nay có muốn can thiệp cũng chẳng được, chúng có nghe đâu. Nhiều bà chỉ vì yêu cháu quá mà gặp họa. Các cha mẹ trẻ giờ có triệu lý lẽ để chê cha mẹ già.

Xem ra, người già phải học bài khó hơn cả khi còn trẻ đi thi. Để lọt mắt xanh của con cái còn khó hơn lọt vào danh sách của nhà tuyển dụng.

>Hạnh phúc mong manh của tuổi già

>Sống hiệu quả, không sợ tuổi già

>Cha mẹ có “học giỏi” thời hiện đại?

>Con cái có thể dạy cha mẹ một bài học?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học "năm không" cho người già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO