9X nhìn tương lai

KHẢI LY| 03/10/2015 01:40

Thế hệ 8X đang quan tâm nhiều hơn và đủ nội lực để cạnh tranh nhưng có lẽ 9X mới là thế hệ phải chịu áp lực nặng nề nhất của một thị trường lao động tự do giữa ASEAN.

9X nhìn tương lai

Một, hai năm nay, lứa 9X đầu tiên "ra ràng", tức là kết thúc việc học tập để vào đời.

Đọc E-paper

Và mặc dù tỏ ra thông minh, hơn hẳn các thế hệ trước nhờ được nuôi dưỡng hoàn toàn bởi môi trường internet, thế hệ 9X vẫn phải đối mặt với thực tại khủng khiếp về nguồn nhân lực: 178.000 người có trình độ cử nhân đang thất nghiệp! Có lẽ có bằng đại học lại chịu áp lực khó kiếm việc làm còn hơn lao động phổ thông.

"Mọi thứ bạn biết sẽ trở thành lỗi thời trong 5 năm", tôi thấy thích câu châm ngôn mà các đàn anh trong nghề lập trình viên cảnh báo đàn em. Nghĩa là học và làm việc trong ngành phát triển phần mềm này, bạn phải chấp nhận cập nhật kiến thức, nghiên cứu những thứ mới xuất hiện mỗi ngày.

Chỉ một thời gian chạy theo đơn hàng, hay cụ thể là đồng tiền, khi quay lại môi trường cạnh tranh, bạn sẽ ngỡ ngàng nhận ra khoảng trống giữa mình với đòi hỏi mới của thị trường.

Tôi hình dung áp lực đó đang đè nặng lên nhiều ngành của xã hội, và giữa sự hoang mang của đàn anh 8X ấy là sự vào đời trong khủng hoảng của 9X.

Thế hệ 9X đời đầu hiện nay bắt đầu đi làm kiếm sống trong lúc tình hình kinh tế còn khủng hoảng, khó khăn đè nặng lên khu vực kinh tế tư nhân - nơi giải quyết việc làm tốt cho thế hệ 8X nhiều khát vọng làm giàu, nay bắt đầu ngoảnh mặt quay lưng với một 9X thiếu kinh nghiệm và quen được nuông chiều.

Thành tựu công nghệ số nuông chiều họ, xã hội và gia đình nuông chiều họ. Chỉ có tương lai luôn sòng phẳng, một tương lai mà mọi thứ bạn biết đều có nguy cơ trở thành lỗi thời sau 5 năm.

Sinh viên ngành báo chí đang lưỡng lự giữa lựa chọn truyền thông đa phương tiện, quảng cáo hay báo chí chuyên nghiệp - một ngành mà tính chất sẽ thay đổi rất nhanh trong một vài năm nữa. Những gì trong giáo trình hôm nay có còn đất ứng dụng ngày mai?

Một câu hỏi rất khó trả lời, khi các sinh viên ngành này nhận ra, một sự kiện nóng vừa xảy ra, người đọc không chỉ ngóng tin trên các trang báo điện tử mà còn lùng sục các blog và Facebook để đọc những bình luận bên lề.

Mới ngày nào các nhân viên kinh doanh còn đọc tin tuyển nhân viên bán hàng có xe máy để đi chào hàng, bỏ hàng cho các tiệm tạp hóa, chợ, thì nay sấp ngửa học buôn bán, thanh toán đơn hàng qua mạng trên toàn thế giới. Và người làm du lịch chẳng cần đi nước ngoài, đi hội chợ, chỉ cần cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, rồi ngồi yên một chỗ điều hành tour trên toàn thế giới.

Mọi thứ đang thay đổi, và có lẽ đó là tương lai của 9X - một tương lai phải chấp nhận mọi thứ luôn thay đổi, phải cập nhật kiến thức, phải thích ứng mỗi ngày.

Cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhiều cơ hội việc làm sẽ đến với người lao động. Trước mắt, có các ngành nghề mà lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và du lịch.

Thế hệ 8X đang quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này và đủ nội lực để cạnh tranh, nhưng có lẽ 9X mới là thế hệ phải chịu áp lực nặng nề nhất của một thị trường lao động tự do giữa ASEAN.

>Áp lực

>Đưa "thế hệ máy lạnh" ra khỏi nhà

>Ai phá tuổi trẻ lung linh?

>Đẹp kiểu Hàn thành chuẩn mực cho giới trẻ Việt?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
9X nhìn tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO