3 dấu hiệu của một cuộc hôn nhân sa lầy

ANH ĐỨC tổng hợp/DNSGCT| 27/08/2017 09:04

Ly dị là một trong những cú sốc tâm lý tồi tệ nhất mà các cặp vợ chồng đều muốn tránh, bởi điều này không chỉ gây ra tác động tiêu cực tới hai người lớn mà còn gây ra cú sốc tâm lý cho những đứa con của họ.

3 dấu hiệu của một cuộc hôn nhân sa lầy

Ly dị là một trong những cú sốc tâm lý tồi tệ nhất mà các cặp vợ chồng đều muốn tránh, bởi điều này không chỉ gây ra tác động tiêu cực tới hai người lớn mà còn gây ra cú sốc tâm lý cho những đứa con của họ.

Đọc E-paper

Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, tỷ lệ ly dị của các cặp đôi càng trở nên nhiều hơn. Cụ thể ở Mỹ, trong 20 năm qua, tỷ lệ ly hôn/kết hôn là trên 50% (theo báo cáo National Survey of Family Growth của Trung tâm thống kê Hoa Kỳ). Còn ở Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 31,4%, tức cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn (theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM).

John Gottman là giáo sư danh dự chuyên ngành tâm lý học của Trường Đại học Washington, hiện cùng với vợ quản lý Học viện Gottman Institue – nơi cả hai giúp các cặp vợ chồng xây dựng các mối quan hệ bền chặt. Bốn thập niên qua, ông đã nghiên cứu và tư vấn cho hàng ngàn cặp vợ chồng. Theo ông, có 3 dấu hiệu vô cùng khác biệt giữa một cặp đôi hạnh phúc với một cặp đôi sa lầy trong hôn nhân.

“Trong một lần khi nghiên cứu 130 cặp mới cưới, tôi và đồng nghiệp của mình, giáo sư Robert Levenson, đã vô tình nhận ra các điểm khác biệt này. Từ đó, chúng tôi chia 130 cặp đôi thành hai nhóm, một nhóm bậc thầy và một nhóm tạm gọi là những kẻ sa lầy. Chỉ sau sáu năm, trong khi nhóm bậc thầy tiếp tục sống hạnh phúc, thì nhóm sa lầy đa số đã chia tay, hoặc đang trên bờ vực hôn nhân đổ vỡ” – John Gottman chia sẻ trên trang TheAtlantic.com.

Dấu hiệu thứ nhất: Không thoải mái với mối quan hệ

Trong cuộc nghiên cứu của Gottman và Levenson, cả hai đã nối những người tình nguyện vào các cực điện và đề nghị họ nói về mối quan hệ của mình, như là họ đã gặp nhau thế nào, một xung đột lớn mà họ đối mặt, một kỷ niệm đẹp… Trong khi họ nói, các cực điện đo lưu lượng máu, nhịp tim và lượng mồ hôi tiết ra.

Khi những nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu thu thập được, họ thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa nhóm bậc thầy và nhóm sa lầy. Nhóm sa lầy bề ngoài trông có vẻ bình tĩnh và tự nhiên, nhưng các thông số sinh lý của họ lại kể câu chuyện khác hẳn. Nhịp tim của họ đập nhanh, các tuyến mồ hôi cùng lưu lượng máu đều hoạt động mạnh hơn bình thường nhiều lần.

“Thông số sinh lý của những cặp vợ chồng trong phòng thí nghiệm càng cao bao nhiêu thì mối quan hệ của họ càng xấu đi nhanh bấy nhiêu” – John Gottman tiết lộ – “Nhóm sa lầy bộc lộ những dấu hiệu bị kích thích ngay với bạn đời của họ, những dấu hiệu thường chỉ xuất hiện khi chúng ta ở trong trạng thái chiến đấu hay chạy trốn. Với cơ thể của họ, ngồi nói chuyện cạnh bạn đời giống như là đối mặt với một… con cọp”.

Ở nhóm bậc thầy, họ bộc lộ sự kích thích thấp hơn rất nhiều. Họ cảm thấy bình tĩnh, thoải mái kết nối với nhau và điều đó thường dẫn đến những hành vi ấm áp và yêu thương, ngay cả khi họ cãi lộn.

“Không phải nhóm bậc thầy có cấu trúc sinh lý tốt hơn nhóm sa lầy. Họ bị kích thích thấp bởi họ đã tạo được bầu không khí tin cậy và gần gũi khiến cả hai cảm thấy thoải mái khi ở bên nhau. Và điều đó thể hiện ra ngoài về mặt thể chất” – John Gottman kết luận.

Dấu hiệu thứ hai: Thiếu khả năng “đánh tiếng”

Trong một nghiên cứu khác, Gottman đã thiết kế phòng thí nghiệm ở Trường Đại học Washington giống như một nhà nghỉ sang trọng. Ông tiếp tục mời 130 đôi mới cưới (130 đôi khác so với 130 đôi ở thí nghiệm trước) nghỉ một ngày ở đó và quan sát họ làm những điều các cặp vợ chồng thường làm trong kỳ nghỉ như nấu ăn, dọn dẹp, nghe nhạc, nói chuyện…

Từ đây, Gottman nhận thấy rằng, trong sinh hoạt hằng ngày, nếu một trong hai người phát tín hiệu yêu cầu kết nối (Gottman gọi là “đánh tiếng”) mà đối tác thường xuyên đáp lại, thì cặp đôi sẽ có một kỳ nghỉ hoàn toàn thoải mái cùng một dấu hiệu tích cực cho mối quan hệ trong tương lai.

Đánh tiếng xuất hiện khi anh chồng nhận thấy một con chim đẹp bay qua cửa sổ, và anh ta có thể nói với vợ: “Xem con chim ngoài kia đẹp không kìa!”. Khi đánh tiếng, anh ấy không chỉ nhận xét về con chim mà đang cần một phản ứng từ vợ mình, một dấu hiệu của sự quan tâm hay hỗ trợ. Bởi người chồng nghĩ rằng con chim đủ quan trọng để đưa vào câu chuyện. Tuy nhiên, khi người vợ thường xuyên không phản ứng hay phản ứng gắt gỏng: “Phiền phức quá. Chuyện tầm phào!”, thì họ thực sự là một cặp đôi có dấu hiệu sa lầy” – Gottman kết luận.

Cũng theo Gottman, trong 130 cặp đôi ở thí nghiệm này, những cặp ly dị trong sau sáu năm thường chỉ có được xác suất đánh tiếng thành công là 33% (trong 10 lần đánh tiếng, chỉ có ba lần họ tạo được sự kết nối với nhau). Những cặp vợ chồng vẫn sống với nhau hạnh phúc sau sáu năm, tỷ lệ đánh tiếng thành công lên tới 87%.

Dấu hiệu thứ ba: Thiếu tôn trọng đối phương

“Có một đặc điểm mà nhóm bậc thầy sở hữu giúp họ dù gặp trục trặc vẫn có thể hàn gắn – trong khi ở nhóm sa lầy thì một khi đã trục trặc, dù họ có tới gặp chuyên gia tâm lý bao nhiêu lần, có sử dụng những phương pháp như tài khoản cảm xúc, thì cũng vô ích – đó là sự tôn trọng” – Gottman chia sẻ.

Khi những cặp đôi bậc thầy thường quan sát, tìm kiếm trong môi trường xã hội những thứ mà họ có thể biểu lộ sự cảm kích và nói lời cảm ơn, thì ở nhóm sa lầy, họ lại quan sát, tìm kiếm trong môi trường xã hội những dấu hiệu, biểu hiện chỉ để làm nổi bật sai lầm và sự yếu kém của bạn đời.

Trong nghiên cứu thực nghiệm của Gottman, những người thiếu tôn trọng bạn đời thường tập trung chỉ trích vợ/chồng của họ, sẽ không nhận thấy đến 50% những điều tích cực mà vợ/chồng mình đang làm, thậm chí họ còn nhìn thấy sự tiêu cực ngay trong hành vi tích cực của bạn đời.

“Sự thiếu tôn trọng khi đã leo thang thành sự khinh miệt, thì cuộc hôn nhân đó sẽ không thể nào cứu vãn được nữa. Tất nhiên, tôn trọng không có nghĩa là chúng ta không thể hiện sự tức giận, nhưng sự tôn trọng hướng dẫn chúng ta thể hiện sự tức giận ấy có chừng mực và bớt ác cảm đi” – Gottman cho biết. Với nhóm sa lầy, thường là những kiểu câu như: “Anh lại muộn rồi. Những kẻ đi muộn như anh là lý do xã hội không thể phát triển. Anh giống hệt như mẹ anh”… Còn ở nhóm bậc thầy, sẽ là: “Em không muốn phải nói nhiều về việc anh lại muộn”, hay “Em biết đó không phải lỗi của anh, nhưng nó thực sự làm em rất bực mình…”.

>Vợ chồng hay tranh luận thường sống lâu bên nhau

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 dấu hiệu của một cuộc hôn nhân sa lầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO