Xây dựng thương hiệu cho giáo dục - Từ đâu?

VÂN-NHI| 23/06/2008 09:13

Đầu tư kinh phí, đưa ra nhiều chiến dịch quảng cáo, PR rầm rộ, không ít các đơn vị giáo dục ở Việt Nam kỳ vọng: Đây là con đường xây dựng thương hiệu ngắn nhất. Song thực tế, họ vẫn chưa tạo ra giá trị thương hiệu như mong muốn.

Xây dựng thương hiệu cho giáo dục - Từ đâu?

Đầu tư kinh phí, đưa ra nhiều chiến dịch quảng cáo, PR rầm rộ, không ít các đơn vị giáo dục ở Việt Nam kỳ vọng: Đây là con đường xây dựng thương hiệu ngắn nhất. Song thực tế, họ vẫn chưa tạo ra giá trị thương hiệu như mong muốn.

Phương pháp học thoải mái mang lại chất lượng đào tạo tốt hơn

Trên thế giới, khi nhắc đến nền giáo dục Mỹ người ta nhớ ngay đến Đại học Harvard; nhắc tới Anh người ta nghĩ đến Đại học Cambridge, Oxford; nhắc đến Úc nhớ tới ANU (Australia National University); đến Singapore có NUS (National University of Singapore)... Có thể nói các trường đại học trên là thương hiệu giáo dục của các quốc gia này. Còn khi nhắc đến Việt Nam, dường như ai cũng loay hoay không sao chọn ra được thương hiệu nào thật xứng đáng.

Chị Tuyết Vân - Giám đốc Công ty Publik Communication, từng làm Trưởng phòng Quan hệ công chúng và Truyền thông cho Trường Đại học RMIT Việt Nam cho biết: “Thương hiệu là sự cảm nhận của người sử dụng sản phẩm và dịch vụ của một đơn vị nào đó. Để người tiêu dùng cảm nhận tốt và đúng với định vị mà doanh nghiệp mong muốn thì phải đầu tư rất công phu và bài bản.

Song, không phải cứ bỏ nhiều tiền đầu tư cơ sở vật chất, mở nhiều cơ sở, quảng cáo, PR rầm rộ như một số trường đang làm là xây dựng được thương hiệu. Thương hiệu chỉ định hình và tồn tại khi được người tiêu dùng hài lòng về chất lượng”.

Trong nền kinh tế thị trường, xây dựng thương hiệu là điều tất yếu không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh mà cả lĩnh vực giáo dục cũng cần coi trọng. Nhất là khi thị trường giáo dục Việt Nam đang có rất nhiều trường từ dân lập, tư thục, các trung tâm ngoại ngữ mang “quốc tịch” Việt Nam và quốc tế... mọc lên như nấm.

Trong bối cảnh ấy, việc xây dựng thương hiệu cho các tổ chức giáo dục lại càng cần thiết vì chỉ như thế, các tổ chức giáo dục đó mới có được một hình ảnh đẹp, một niềm tin trong lòng công chúng và vượt lên hẳn so với các tổ chức khác. Vấn đề đặt ra là xây dựng thương hiệu cho giáo dục phải bắt đầu từ đâu?

Câu trả lời là từ chất lượng đào tạo, thể hiện qua nội dung chương trình, kết quả học tập, đầu ra của sinh viên, tỉ lệ tìm được việc làm, số lượng sinh viên đáp ứng được nhu cầu xã hội...

Song, do cạnh tranh và do quan niệm giáo dục là một dịch vụ vô hình, không thể sờ, thấy và dùng thử tức thì nên mặc dù chất lượng đào tạo, nội lực bên trong, cụ thể là đội ngũ giảng viên, giáo trình, tài liệu tham khảo... ở một số trường tư thục và quốc tế tuy chưa thật sự nổi bật, nhưng để thu hút phụ huynh, học sinh, nhiều trường đã “chọn” đầu tư cho quảng cáo như một cách xây dựng thương hiệu nhanh nhất.

Thực tế, tất cả điều này mới chỉ là làm tròn sứ mệnh “thông tin, nhận biết” phần ngoài, còn thương hiệu thì hầu như vẫn chưa nơi nào tạo được sự đột phá, xác lập chỗ đứng tin cậy trong lòng khách hàng. Do không có sự nổi trội và khác biệt về chất lượng nên không ít quảng cáo mất tác dụng khi người tiêu dùng bị “no” giữa một rừng thông tin quảng cáo, lúng túng không biết chọn trường nào, trung tâm nào vì ở đâu cũng một “giọng” tiếp thị giống nhau.

Thậm chí, có nhiều trường còn quảng cáo sai sự thật như một số trung tâm Anh ngữ quảng cáo có giáo viên ngoại quốc trực tiếp giảng dạy nhưng hầu hết là “Tây ba lô”, hoặc một số trường dân lập quốc tế quảng cáo “Học trong môi trường quốc tế với giáo viên ngoại quốc” nhưng có đến 85% giảng viên là người Việt.

Theo bà Marguerite J. Dennis- Hiệu phó phụ trách chương trình hợp tác quốc tế của Đại học Suffolk (Boston, Mỹ), đơn vị đang liên kết đào tạo với Đại học Hoa Sen TP.HCM: “Muốn xây dựng thương hiệu cho giáo dục thì điều đầu tiên là phải trung thực với những gì mình có và cam kết, đặc biệt là phải có thế mạnh riêng.

Ngoài ra, một yếu tố rất nhỏ (được coi là kinh nghiệm của Suffolk), đó là trân trọng sinh viên, coi họ như những khách hàng có giá trị. Với sinh viên Việt Nam đang học ở Suffolk, chúng tôi chăm sóc chu đáo khiến họ xem Suffolk như ngôi nhà của mình.

Chẳng hạn, vào ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, chúng tôi tổ chức tiệc mừng cho sinh viên để họ vơi đi cảm giác nhớ nhà. Đây cũng là một phần rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng thương hiệu cho giáo dục - Từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO