Tuổi vàng sáng tạo

MINH KHA| 08/09/2010 09:28

Sự đột phá trong công nghệ thường gắn với những cái tên rất trẻ, với những gương mặt mới mẻ, tài ba trên thương trường. Nhưng có một thực tế nghe có vẻ trái khoáy: gương mặt cũ kỹ lại có khuynh hướng cải tiến vượt trội so với các đồng nghiệp dưới 35 tuổi.

Tuổi vàng sáng tạo

Sự đột phá trong công nghệ thường gắn với những cái tên rất trẻ, với những gương mặt mới mẻ, tài ba trên thương trường. Nhưng có một thực tế nghe có vẻ trái khoáy: gương mặt cũ kỹ lại có khuynh hướng cải tiến vượt trội so với các đồng nghiệp dưới 35 tuổi.

Gừng cay, người già

Nhà nghiên cứu Vivek Wadhwa thuộc Trường Đại học Duke (Mỹ) đã tiến hành một cuộc điều tra trên 549 công ty đã đột phá thành công về mặt công nghệ. Kết quả: tuổi trung bình để sáng lập ra một công ty công nghệ cao không thuộc về thế hệ sinh viên mới ra trường đầy táo bạo mà là những kỹ sư, doanh nhân tuổi đã chín muồi. Rất đơn giản, những người ở độ tuổi này đã chán đi làm thuê cho người khác.

Thêm một điều quan trọng khác là các doanh nhân lớn tuổi khi khởi nghiệp một công ty thường có tỷ lệ thành công cao hơn người trẻ. Không quá khó để nhìn thấy lý do bên trong: họ đã tích lũy được rất nhiều kiến thức trong lĩnh vực công nghệ, hiểu rõ nhu cầu khách hàng, đã có nhiều năm xây dựng mạng lưới hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả hỗ trợ về mặt tài chính.

Hiện độ tuổi mà doanh nghiệp sẵn sàng cải tiến và chấp nhận rủi ro cũng đang tăng lên. Theo số liệu từ Viện Kauffman (Mỹ), tỷ lệ doanh nghiệp cao nhất trong dân chúng Mỹ nằm ở độ tuổi từ 55-64, trong đó những người trên 55 tuổi có tỷ lệ lập công ty thành công cao hơn gấp đôi so với nhóm từ 20 đến 34. Nhìn chung, tỷ lệ doanh nghiệp trong dân chúng Mỹ đã tăng lên kể từ năm 1996 đến nay ở hầu hết các độ tuổi, trừ độ tuổi dưới 35.

Theo danh sách Fast Tech 500 của tạp chí Forbes, công ty của Mỹ phát triển công nghệ nhanh nhất lúc mới khởi nghiệp là First Solar - được sáng lập hồi năm 1984 bởi một người đã... 68 tuổi. Còn 1 trong 2 người đồng sáng lập ra Riverbed Technology - công ty đứng thứ 2 trong Fast Tech 500 - cũng đã 51 tuổi. Ngay cả internet cũng không còn là vùng đất dành riêng cho những người trẻ nữa. Zynga, công ty sở hữu Varmville và hàng loạt game nổi đình nổi đám khác nằm dưới sự lèo lái của nhà sáng lập kiêm CEO 44 tuổi Mark Pincus.

Vậy vì sao những người lớn tuổi thường luôn bị xem là đồng nghĩa với làm việc kém hiệu quả và kém sáng tạo? Trong loạt nghiên cứu về sức sáng tạo trong nghệ thuật và khoa học, David Galenson, một kinh tế gia của Đại học Chicago (Mỹ) đã xác định 2 loại sáng tạo. Loại thứ nhất dựa trên các ý tưởng mới mẻ và táo bạo. Loại này dành cho những nhà phát kiến trẻ (chẳng hạn như Picasso hay Einstein). Trong khi đó, loại sáng tạo thứ 2 được xây dựng dựa trên thử nghiệm.

Tác giả của chúng thường là những người lớn tuổi hơn (chẳng hạn như Cézanne hay Darwin). Loại sáng kiến này thường được tác giả của chúng đưa ra sau khi cân nhắc đi cân nhắc lại, tiến hành nhiều thử nghiệm và cho kết quả từ từ chứ không đột phá nhanh chóng. Galenson cho rằng, cách đưa ra sáng kiến kiểu này khiến cho người ta dễ nhầm lẫn đó thực ra chẳng phải là sáng kiến gì, chỉ là sự khôn ngoan, cẩn thận thường có của người lớn tuổi.

Ghế mới cho người cũ

Cách sắp xếp công việc của nhiều công ty cũng thường không tạo cho hội cho người lớn tuổi sáng tạo. Những gương mặt mới được tuyển dụng, mới tốt nghiệp đại học thường nằm trong các dự án đòi hỏi nhiều sự sáng tạo nhất, trong khi các nhân viên cũ thường được phân công làm các công việc thường nhật đã được lập trình sẵn trong hệ thống.

Ngoài ra, cũng rất hiếm công ty dành đủ thời gian và tiền bạc để huấn luyện cho các nhân viên cũ của mình được cập nhật kiến thức. Tất nhiên, người lao động cũng phải gánh lấy một phần trách nhiệm: nhiều người tự cho mình “quyền được lỗi thời” hơn là liên tục trau dồi kiến thức mới. Chẳng hạn, ở khối Liên minh Châu Âu (EU), chỉ có 30% người lao động trên 55 tuổi tham gia vào các buổi huấn luyện liên quan đến công việc so với tỷ lệ 50% ở các đồng nghiệp trẻ tuổi của họ.

Có một điều rõ ràng: thay đổi suy nghĩ trong đầu mọi người về sức sáng tạo của doanh nghiệp và công nhân lớn tuổi là điều không tự đến. Tuy nhiên, những mô hình làm việc hiệu quả đã góp phần đáng kể vào quá trình thay đổi nhận thức.

Việc sử dụng những nhóm làm việc thuộc nhiều độ tuổi khác nhau như cách mà hãng xe hơi BMW đang sử dụng là một trong những giải pháp giúp giảm thiểu mất mát kiến thức khi những người lao động lớn tuổi nghỉ hưu. Hãng Siemens cũng đã xây dựng cơ chế “chuyển giao kiến thức”, trong đó những nhân viên lớn tuổi truyền tải kinh nghiệm cho nhân viên trẻ trong khi học hỏi các kỹ năng mới từ họ.

Kinh tế gia Verwonk nhận xét những sự chuyển giao như ở BMW hay Siemens chỉ mới là sự khởi đầu và cần phải làm rất nhiều điều nữa. Ông nhận xét sự thay đổi về nhân khẩu học cộng với áp lực kinh tế sẽ nhanh chóng khiến cho người lao động, doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải đối diện với một khái niệm mới: ở thời kỳ hậu khủng hoảng, chuyện sức sáng tạo của người lao động mai một theo tuổi tác là điều quá xa xỉ, quá tốn kém mà không ai có thể gồng nổi chi phí nên không thể để cho quá trình này xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tuổi vàng sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO