Mục tiêu CEO: Kế hoạch hay chiến lược?

BÍCH LOAN| 13/08/2010 00:14

Khát vọng và tố chất là hai điều kiện không thể thiếu nếu bạn muốn trở thành một CEO (chief executive officer).

Mục tiêu CEO: Kế hoạch hay chiến lược?

Khát vọng và tố chất là hai điều kiện không thể thiếu nếu bạn muốn trở thành một CEO (chief executive officer). Điều gì sẽ xảy ra nếu một người có khát vọng mà không có tố chất? Đối với trường hợp này, đó là ảo ảnh mang tính thảm họa. Cũng thật tiếc nếu một người có tố chất mà không hề có khát vọng. Sẽ không có một quy luật bù trừ nào cho những trường hợp này.

Nhắc đến CEO, giới văn phòng ai cũng biết, nhưng để hiểu một cách tường tận thế nào là CEO thì đa phần mỗi người đều có một cách hiểu chung chung, na ná nhau. Đại khái, CEO là giám đốc điều hành, nhưng ít ai có thể nói thật cụ thể về CEO.

Hội thảo giới thiệu Chương trình đào tạo CEO theo tiêu chuẩn Mỹ (do Hiệp hội Quản trị Toàn cầu Hoa Kỳ phối hợp với Trung tâm Đào tạo Quản trị doanh nghiệp (DN) BrainBox Vietnam tổ chức) đặt những vấn đề mà một CEO phải hiểu và biết vận dụng: kỹ năng quản trị chiến lược và sự thay đổi; biết xây dựng mục tiêu và lên kế hoạch; có khả năng quản trị tài chính, quản lý đội ngũ marketing, sale, PR; phải biết tạo động lực cho nhân viên; am hiểu về những dịch vụ khách hàng; có kỹ năng giao tiếp, đàm phán hiệu quả; huấn luyện và cố vấn...

Ở các nước trên thế giới, để điều hành DN, các chủ đầu tư thông thường là thành viên của HĐQT đều phải thuê người quản lý, điều hành DN, đó chính là các CEO. Các CEO sẽ là người “đứng mũi chịu sào” khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra, kể cả đối mặt với pháp luật.

Nhưng ở Việt Nam phần lớn là các DN nhỏ và vừa, nên đa phần chủ DN phải kiêm luôn vai trò của CEO. Do đó, họ sẽ bị phân thân và không còn thời gian để nghĩ đến những chiến lược lâu dài, mà chỉ gói gọn trong những kế hoạch ngắn hạn, thông thường là một năm, hoặc dài hơi hơn là chia thành nhiều giai đoạn.

Trong khi đó, những người mới thử sức với vai trò CEO lần đầu hiếm khi có đủ kinh nghiệm để đánh giá được tầm quan trọng của tương lai dài hạn. Thông thường, họ chỉ quan tâm đến kết quả trong vài tháng. Sự nghiệp của họ không phụ thuộc vào những cuộc chơi kéo dài đến tận một thập kỷ sau hoặc lâu hơn nữa. CEO có thể là chủ DN, là đồng sở hữu DN và cũng có thể là người làm thuê.

Nếu là chủ sở hữu, phải tự đề ra và kiểm soát chính sách phát triển của DN. Nếu là đồng sở hữu, phải cùng tham gia điều hành, còn nếu CEO làm thuê thì phải có những kế hoạch phát triển từng giai đoạn cụ thể và có những đóng góp tích cực nhất cho DN, cho chủ thuê mình. Có như vậy mới có thể hoàn thành sứ mạng của một CEO.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mục tiêu CEO: Kế hoạch hay chiến lược?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO