Loay hoay tìm giải pháp

Ý NHI| 27/05/2009 01:07

Là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng nguồn nhân lực - yếu tố cơ bản cho sự phát triển bền vững - lại là điểm yếu nhất của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng chỉ mới đạt 20,8% (bình quân cả nước 25%). Dù đặt ra đã lâu nhưng đến nay, bài toán nhân lực tại đây vẫn chưa có đáp số.

Loay hoay tìm giải pháp

Là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng nguồn nhân lực - yếu tố cơ bản cho sự phát triển bền vững - lại là điểm yếu nhất của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng chỉ mới đạt 20,8% (bình quân cả nước 25%). Dù đặt ra đã lâu nhưng đến nay, bài toán nhân lực tại đây vẫn chưa có đáp số.

Cảnh báo, tiếp tục cảnh báo

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh, ĐBSCL hiện có khoảng 85.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, thu hút gần 300.000 lao động. Tuy vậy, tỷ lệ thất nghiệp còn rất cao. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do lực lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động.

Tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL thời kỳ hội nhập” do Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL vừa tổ chức mới đây tại TP.HCM, vấn đề này lại tiếp tục được đưa ra phân tích. Đây là chuyện không mới, nhưng nếu không tiếp tục cảnh báo để nhanh chóng cải thiện, thì nó sẽ trở thành lực cản trở lớn nhất đối với sự phát triển của ĐBSCL.

Nguyên nhân lớn nhất, theo TS Bùi Thị Thanh,Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, giáo dục - đào tạo của vùng thiếu chiến lược phát triển chung. Mặt khác, còn tạo ra tình trạng địa phương cát cứ hoặc chồng chéo với các bộ, ngành trong quy hoạch. Hệ quả là tỉnh, huyện, xã, phường nào cũng xây trường học, cơ sở đào tạo, dẫn đến vốn đầu tư ít lại bị phân tán, trường xây thiếu kiên cố, quy mô nhỏ lẻ, trang thiết bị lạc hậu; các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề mở nhiều nhưng ngành nghề đào tạo thì gần như một phiên bản nên khó thu hút học sinh.

Sinh viên Đại học Cần Thơ tham gia chương trình Ngày hội việc làm - Ảnh: Hoàng Hải


Riêng đội ngũ giảng viên thì yếu về số lượng và chuyên môn, non nớt kinh nghiệm, sử dụng giảng viên thỉnh giảng ở TP.HCM thì học sinh và nhà trường bị động trong kế hoạch học tập, thời gian lên lớp và khó kiểm soát chất lượng của cả giảng viên, sinh viên... Giám đốc một doanh nghiệp cũng cho rằng, do đại học mở ra nhiều nhưng thiếu giảng viên nên giảng viên phải “chạy sô” nhiều nơi, không có thời gian đầu tư cho nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới.

Lấy “ngắn” có nuôi được “dài”?

Ông PhạmVăn Thuyết - chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Muốn có đội ngũ giảng viên giỏi giảng dạy được kinh doanh và tài chính thì không thể sử dụng mãi nguồn giảng viên trong nước. Nếu không đủ tài chính mời giảng viên nước ngoài thì nên mời Việt kiều, những người có trình độ tương ứng giáo viên ngoại quốc về giảng dạy.

Riêng thời gian đào tạo, ông Thuyết góp ý: Tuy đào tạo ngắn hạn nhưng không nên dạy ngắn trong 2, 3 tuần mà phải dạy ít nhất 6 tháng liên tục trong vòng 2 năm mới đảm bảo chất lượng đào tạo.

TS Nguyễn Trần Dương, Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng TP.HCM, cũng cho rằng: Giải pháp đào tạo ngắn hạn không những đáp ứng ngay nhu cầu lao động cho xã hội mà còn mang lại hiệu quả kinh tế. Theo ông, không nên kéo dài thời gian đào tạo mà cần nhanh chóng tổ chức liên kết đào tạo nghề ngắn hạn (1 tháng, 3 tháng, 6 tháng).

Trong những khóa đào tạo ngắn hạn này, cùng với việc thực hành các kỹ năng, người lao động được đào tạo các tri thức về cách thu thập thông tin thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, kỷ luật công nghiệp, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đào tạo sau đại học cũng là giải pháp giúp sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp có việc làm và thu nhập cao.

TS Bùi Thị Thanh đưa ra ý kiến, mỗi trường dạy nghề và đại học chỉ thiết kế và ưu tiên đào tạo một số chuyên ngành nhất định nhằm khai thác thế mạnh hoặc nhu cầu phát triển của các địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động để vừa xóa đói giảm nghèo vừa tạo ra được lực lượng nhân lực có tay nghề hiện đại.

Theo GS Phạm Phụ và TS Hoàng Ngọc Vinh, mô hình đào tạo phù hợp với hoàn cảnh ĐBSCL là mô hình trường cao đẳng cộng đồng và cần được đầu tư bài bản để phát triển mạnh tại đây.

Để có nguồn nhân lực tay nghề cao cho xã hội, ông Lê Văn Lý - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM kiến nghị: “Tuyển sinh có thể rộng rãi nhưng đầu ra phải chuẩn. Chẳng hạn cần 10.000 nhân lực thì chỉ chắt lọc cho tốt nghiệp 1.000 thôi, chứ cần 1.000 mà cho ra 5.000, trong đó cả sinh viên giỏi, dở lẫn lộn thì chắc chắn chất lượng tay nghề, trình độ của sinh viên sẽ không đồng đều”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Loay hoay tìm giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO