Liên kết đào tạo với nước ngoài: “Mác” ngoại không hẳn tốt

Ý NHI| 26/08/2008 06:34

Liên kết đào tạo với các đại học nước ngoài đang trở thành xu hướng phổ biến của các đại học trong nước. Tuy nhiên, không phải chương trình liên kết nào cũng có chất lượng.

Liên kết đào tạo với nước ngoài: “Mác” ngoại không hẳn tốt

Sau hàng loạt các chương trình liên kết đào tạo giữa các đại học trong nước và nước ngoài dành cho bậc thạc sĩ và cao học mang lại kết quả khả quan như chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh EMBA của Maastricht School of Management, Hà Lan và ĐH Bách khoa TP.HCM; chương trình đào tạo (CTĐT) Thạc sĩ Quản trị kinh doanh CFVG của ĐH Kinh tế TP.HCM liên kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp; CTĐT Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Học viện Thương mại Belgium, Bỉ hợp tác cùng Trung tâm Đào tạo quốc tế trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM; CTĐT Thạc sĩ Ngôn ngữ ứng dụng của ĐH La Trobe, Úc và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; chương trình bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý kinh tế của ĐH Kinh tế TP.HCM và trường Quản lý công J.F. Kennedy thuộc ĐH Harvard (Mỹ)...

Sinh viên theo học chương trình liên kết đào tạo giữa ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Victoria University of Welling ton (New Zealand)


Hàng loạt các chương trình liên kết đào tạo dành cho bậc đại học cũng nối tiếp nhau ra đời. Hầu như các ĐH từ công lập đến dân lập đều đua nhau tìm các trường nước ngoài để liên kết đào tạo. Tùy theo tầm vóc của từng ĐH mà đối tác sẽ là Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản hay Mỹ, Anh, Úc, New Zealand...

Song, bên cạnh các chương trình liên kết được đánh giá cao do Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định cấp phép, có không ít các ĐH liên kết chỉ để mượn cái “mác ngoại” nhằm thu hút học sinh chứ không quan tâm đến chất lượng đào tạo và uy tín của các trường liên kết.

Do đó, đa số các trường này là những trường “thường thường bậc trung”, không có thứ hạng ở nước sở tại, việc đào tạo, tuyển sinh diễn ra tràn lan, tùy tiện, thậm chí có chương trình còn chưa được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà vẫn ngang nhiên tuyển sinh.

Chẳng hạn như ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện 18 chương trình liên kết nhưng có tới 11 chương trình chưa được cấp quản lý duyệt hoặc một số ĐH tuy không có chức năng đào tạo sau đại học nhưng cũng tùy tiện liên kết với các ĐH ở Mỹ, Hà Lan, Úc...

Sở dĩ các chương trình đào tạo theo kiểu “nửa tây nửa ta” đang nở rộ như nấm sau mưa và khá hấp dẫn học sinh cũng như các bậc phụ huynh là do tâm lý “bằng ngoại hơn hẳn bằng nội” và học phí của các chương trình này đem lại nguồn lợi không nhỏ cho các bên liên kết. Với các dạng “liên kết” này, thiệt thòi lớn nhất cho người học là tấm bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ không có giá trị.

Một thành viên sáng lập Công ty tư vấn giáo dục EQuest tại TP.HCM cho biết: “Những sinh viên tốt nghiệp từ các ĐH nhỏ, không có tên tuổi hoặc uy tín đều bị đánh giá rất thấp do đào tạo không đạt chất lượng. Thực tế, ngay tại EQuest, chúng tôi đã tuyển rất nhiều sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo ở nước ngoài nhưng chỉ mới kiểm tra trình độ tiếng Anh của họ là đã thấy chưa ổn chứ khoan nói đến chuyện thành thạo”.

Anh Nguyễn Quốc Toàn, Tổng giám đốc Công ty TNK Capital cho biết thêm: “Ở nước ngoài cũng có trường lớn, nhỏ với uy tín và chất lượng đào tạo khác nhau. Chỉ tính riêng hệ thống giáo dục ở Mỹ đã có trên 3.000 đại học và cao đẳng, trong số đó chỉ có khoảng vài trăm trường được đánh giá cao. Đa số các đại học, cao đẳng cộng đồng đều bị đánh giá thấp nên tấm bằng do các trường này cấp sẽ không có giá trị. Thực tế, trong quá trình tuyển nhân viên, tôi đã loại rất nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường liên kết đào tạo vì không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của công việc, nhất là tiếng Anh”.

Sau khi cho con theo học chương trình liên kết đào tạo ngành Quản trị kinh doanh của Trung tâm đào tạo ST hợp tác với Cao đẳng cộng đồng Houston (Mỹ), chị Hà, chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng ở chợ Bàn Cờ kết luận: “Quá tốn kém, mất thời gian mà kết quả thì...”. Chẳng là con chị vừa bỏ dở chương trình vì... trình độ tiếng Anh quá tệ.

Chị Hà cho biết: “Theo mẫu quảng cáo của trung tâm ST thì Cao đẳng Houston (Mỹ) mở chương trình đào tạo ngành quản trị kinh doanh tại Việt Nam, sau ba năm học tại Việt Nam, sinh viên sẽ được tiếp tục sang Mỹ học và lấy bằng do Cao đẳng Houston cấp. Điều kiện tuyển đầu vào chỉ cần tốt nghiệp THPT và tiếng Anh không phải là yếu tố bắt buộc”.

Chính vì “tiếng Anh không bắt buộc” đã khiến con tôi rơi vào tình trạng học dở dang”. Không chỉ có ST, thực tế, rất nhiều trường quảng cáo chương trình liên kết đào tạo rất “dễ vào” nhưng thực chất, các trường này chỉ là nơi trung gian, tuyển đầu vào và dạy ngoại ngữ qua loa cho sinh viên cho đúng thủ tục, sau đó lý giải: “Học sinh theo học được hay không là do khả năng ngoại ngữ của từng em”.

Nói về vấn đề quản lý các chương trình đào tạo liên kết tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận: “Hiện có nhiều trường liên kết đào tạo không được phép của cấp quản lý nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động hoặc hoạt động “chui” là do việc kiểm soát ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Để tránh tình trạng sinh viên “rơi” vào những chương trình liên kết đào tạo không chất lượng, ông Hùng lưu ý: “Các bậc phụ huynh và sinh viên nên chọn những trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép, vì chương trình liên kết đào tạo của các trường này đều đã được thẩm định, được các nước sở tại cấp giấy chứng nhận.

Ngoài ra, theo yêu cầu của chương trình liên kết đào tạo, số giờ học các môn do các giáo sư nước ngoài đảm nhận phải được cam kết đảm bảo thực hiện đầy đủ. Song, thực tế cũng có không ít trường tự “rút ngắn” hoặc quảng cáo theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, quảng cáo có giáo viên nước ngoài nhưng thực sự là không có.

Một cơ sở để nhận diện các chương trình liên kết tốt, theo ông Hùng là sinh viên nên truy cập thư viện điện tử trên Internet, bởi một hệ thống giáo dục đại học có chất lượng tốt thì phải có thư viện điện tử để sinh viên tìm tòi tư liệu. Sau hết là điểm thi TOEFL đầu vào của sinh viên phải đạt yêu cầu 500 - 550 điểm mới có thể theo học các chương trình liên kết đào tạo với các ĐH nước ngoài vì sau thời gian học tại Việt Nam, các chương trình này đều cho sinh viên học chuyển tiếp ở nưóc ngoài.

Do đó, với các chương trình tuyển sinh đưa ra điều kiện quá “hấp dẫn” như đầu vào không cần trình độ Anh ngữ, học sinh và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ và thận trọng.

Ý NHI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết đào tạo với nước ngoài: “Mác” ngoại không hẳn tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO