5 lời khuyên để nhân viên yêu mến sếp

KIÊN LÂM/DNSGCT| 20/03/2015 03:57

Hãy để nhân viên yêu bạn nhiều hơn bằng những việc làm hết sức đơn giản sau đây

5 lời khuyên để nhân viên yêu mến sếp

Là nhà quản lý, bạn muốn các nhân viên luôn trung thành và làm việc hết mình? Muốn được họ tin tưởng tuyệt đối và hướng theo tầm nhìn của tổ chức? Quan trọng hơn hết, bạn muốn nhân viên sẽ là nhân tố chính đưa tổ chức đi lên?

Nếu thế, hãy để nhân viên yêu bạn nhiều hơn bằng những việc làm hết sức đơn giản sau đây:

1. Đừng tò mò

Nếu nhân viên muốn xin nghỉ phép, bạn có hai cách trả lời, một là “Đồng ý! Tôi sẽ gặp lại anh (chị) vào tuần tới”, hoặc “Tôi rất tiếc nhưng chúng ta hiện tại rất đang bận rộn, nên tôi đành phải nói không. Nhưng tháng sau, công việc sẽ ít hơn nên anh (chị) có thể xin nghỉ”.

Nhưng nếu nhân viên ấy thật sự có việc cấp bách phải xin nghỉ, chẳng hạn như đám cưới của người thân trong gia đình, họ sẽ nêu ra lý do và giải thích. Câu trả lời khi ấy của bạn nên là “Đồng ý!”.

Đừng bao giờ đặt ra quá nhiều câu hỏi dài dòng cho nhân viên khi không cần thiết. Đừng yêu cầu nhân viên phải giải thích họ sẽ làm gì khi xin nghỉ phép. Nếu bạn không muốn cho nhân viên nghỉ phép, hãy nói thẳng với họ là tốt nhất.

Bên cạnh các ngày nghỉ lễ chung, số ngày nghỉ phép không được quy định cụ thể nhưng đó là một trong những quyền lợi mà bạn tạo ra dành cho nhân viên và giúp bạn trở nên thân thiện, đáng yêu hơn trong mắt cấp dưới.

Vì thế, nếu có thể, hãy để nhân viên thực hiện quyền lợi của mình một cách tự do nhất.

2. Hãy xác định những điều quan trọng và đừng xem nặng những điều kém quan trọng

Mặc dù tất cả chúng ta đều muốn mọi thứ phải hết sức hoàn hảo, nhưng hoàn hảo là một khái niệm không tưởng, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh và tổ chức tập thể. Hãy xác định đâu là điều quan trọng.

Số liệu trên báo cáo kinh doanh? Quan trọng. Font chữ? Không quan trọng. Độ dày của ô kẻ trong tập tin excel? Không quan trọng. Hạn chót hoàn thành mục tiêu? Quan trọng.

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình đang cố gắng thực hiện sự thay đổi đối với một vấn đề không quan trọng, hãy nhanh chóng dừng lại, thư giãn và tìm kiếm một việc quan trọng hơn để làm.

3. Nhận xét

Nhận xét không nhất thiết chỉ mang ý nghĩa khen thưởng. Tất cả những lời nhận xét tích cực đều rất tuyệt vời và bạn nên làm công việc ấy nhiều hơn. Nhưng mọi người đều muốn có được những lời nhận xét chân thành và công tâm nhất.

Nếu bạn không đưa ra những lời nhận xét mang tính chất phê bình, nhân viên sẽ nghĩ rằng họ đang làm mọi việc rất tốt và luôn luôn tốt, sau đó họ sẽ cảm thấy bị hụt hẫng, bức xúc khi nhận được bản nhận xét cuối năm về mức tiền thưởng, tăng lương hay thăng chức không đúng như họ kỳ vọng hoặc thấp hơn cả mức trung bình của tổ chức vì năng suất làm việc của họ thật sự bị đánh giá là kém.

Khi ấy, họ sẽ cảm thấy bị cấp trên bỏ rơi và hẳn nhiên họ sẽ đổ lỗi cho người quản lý họ. Nhân viên sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng “Mình sẽ thay đổi để đạt kết quả làm việc tốt hơn!”, ngược lại họ sẽ cho rằng sếp của mình thật đáng ghét!

Do đó, nếu nhà quản lý biết kết hợp giữa việc đưa ra lời khen ngợi và cả lời phê bình mang tính xây dựng và có ý nghĩa, cấp dưới sẽ lắng nghe và tin tưởng sếp của mình nhiều hơn.

4. Đừng kết thân quá mức với nhân viên

Nghe có vẻ không hợp lý nhưng với vị thế là sếp hoặc một thành viên của phòng nhân sự, bạn tuyệt đối phải công tâm và không bao giờ thiên vị ai cả. Bạn không thể xác lập một hình ảnh công bằng trong mắt nhân viên nếu quanh năm chỉ đi ăn trưa với nhân viên A hay đi cà phê cuối tuần với gia đình của nhân viên B.

Bất kể B là nhân viên duy nhất có con cùng trang lứa với con của bạn và cùng chia sẻ sở thích câu cá hay đánh golf khi rảnh rỗi. Bạn cần phải mở rộng vòng tay với tất cả mọi người và đối xử với mọi người như nhau. Và cũng đừng bao giờ bắt nhân viên tham gia vào các hoạt động ngoại khóa mà bạn yêu thích và cho rằng đó là hoạt động mang tính xây dựng tinh thần đồng đội.

5. Mang thức ăn đến cho nhân viên

Đây là một hành động rất đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả khi lấy lòng mọi người vì tất cả chúng ta đều yêu thích ăn vặt!

Một người sếp thi thoảng lại mang bánh ngọt vào cuối tuần, mời mỗi người trong phòng một ly cà phê vào ngày đầu tuần hay dẫn cả phòng đi ăn trưa vào ngày lãnh lương mỗi tháng luôn nhận được cảm tình của nhân viên một cách nhanh nhất.

Thật vậy, nhân viên nghĩ đó là sự trân trọng và lời cảm ơn chân thành của bạn đến với họ và hành động ấy sẽ mang đến một cảm giác rất ấm áp và thích thú cho người nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 lời khuyên để nhân viên yêu mến sếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO