Ba rào cản mua hàng công nghiệp quốc tế với châu Á

Diệu Minh| 19/07/2019 06:00

Khi được hỏi về những rào cản đối với việc mua hàng công nghiệp từ quốc tế, ba yếu tố hàng đầu được người trả lời ở châu Á liệt kê là thời gian vận chuyển dài hơn (60%), chậm trễ thông quan (55%) và các vấn đề về trả lại hàng (45%).

Ba rào cản mua hàng công nghiệp quốc tế với châu Á

Thông tin trên được đưa ra từ Nghiên cứu về Động lực mua hàng công nghiệp năm 2019 của UPS tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đại diện UPS, nghiên cứu này khảo sát 600 người mua hàng công nghiệp tại khắp các doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, cung cấp những kiến thức thông tin giá trị về khu vực, cũng như những đặc điểm thị trường cụ thể nhằm giúp các doanh nghiệp B2B kết nối tốt hơn với người mua ở châu Á.

Ông Russell Reed, Giám đốc điều hành của UPS Việt Nam và Thái Lan nhận định: “Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan thuộc top 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, do đó kết quả của nghiên cứu này đặc biệt phù hợp với các nhà sản xuất và phân phối của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp khai phá tiềm năng bán hàng. Báo cáo chỉ ra một số phát hiện mang tính nhất quán dành cho mọi khu vực như yếu tố hậu mãi, điều mà UPS luôn không ngừng cải tiến để mang lại những giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng. Quan trọng nhất, nghiên cứu này còn nhấn mạnh thực tế rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm ra chiến lược thị trường cụ thể khi giao dịch với người mua công nghiệp, tập trung lưu ý về nhu cầu riêng của ba thị trường lớn này.”

3 rào cản khi châu Á tìm nguồn cung ứng quốc tế

Khu vực châu Á tương đồng với các vùng lãnh thổ khác trên thế giới về số lượng người mua từ các nhà cung cấp nội địa: 67% giao dịch mua hàng B2B ở châu Á đến từ các nhà cung cấp trong nước, so với 73% ở Mỹ và 64% ở Châu Âu.

Tuy nhiên, Nhật Bản là một ngoại lệ tại khu vực này, nơi người mua thực hiện 90% tất cả các giao dịch mua sắm hàng hóa trong nước. Điều này có thể thay đổi trong tương lai gần, đặc biệt với các quốc gia gần đây đã ký kết các thỏa thuận thương mại tự do, trong đó đáng chú ý nhất là với Liên minh châu Âu.

Khi được hỏi về những rào cản đối với việc mua hàng quốc tế, ba yếu tố hàng đầu được người trả lời ở châu Á liệt kê là thời gian vận chuyển dài hơn (60%), chậm trễ thông quan (55%) và các vấn đề về trả lại hàng (45%).

Mua hàng trực tuyến ngày càng gia tăng

Giới thiệu Nghiên cứu về Động lực Mua hàng Công nghiệp năm 2019 của UPS được thực hiện bởi Burke, Inc. trên danh nghĩa của UPS. Nghiên cứu khảo sát hơn 3.400 đáp viên trên toàn cầu, bao gồm 600 ở châu Á, mua phụ tùng công nghiệp, sản phẩm hoặc vật tư để sử dụng trong 15 ngành công nghiệp. 

Báo cáo cho thấy việc mua hàng trực tuyến vẫn tiếp tục tăng lên và người mua hàng công nghiệp tại châu Á sẽ sử dụng kênh mua hàng này nhiều hơn trong vòng 5 năm tới. Trong số những người thích mua hàng trực tuyến, Nhật Bản mua sắm với tỷ lệ cao hơn so với Trung Quốc và Thái Lan (31% ở Nhật Bản và 14% ở Trung Quốc và Thái Lan).

Trong khi đó tại Thái Lan, các công ty có ngân sách cao hơn báo cáo rằng trong 3-5 năm tới, các doanh nghiệp này có nhiều khả năng chuyển sang mua hàng trực tuyến; ở Trung Quốc, việc mua hàng trực tuyến trên điện thoại đang gia tăng mạnh hơn so với các quốc gia châu Á khác.

Mặc dù dự đoán có sự gia tăng về xu hướng mua hàng trực tuyến giữa những người mua châu Á, báo cáo cũng chỉ ra rằng việc trao đổi qua điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp diễn ra ở châu Á thường xuyên hơn ở Mỹ hoặc châu Âu.

Người mua hàng ở châu Á đặc biệt coi trọng việc thiết lập mối quan hệ trực tiếp trước khi mua hàng trực tuyến - điều này được thấy rõ nhất ở Trung Quốc, nơi mà tạo niềm tin là một bước quan trọng trước khi thực hiện quá trình giao dịch.

Trải nghiệm khách hàng gắn liền với dịch vụ hậu mãi

Nghiên cứu cho thấy người mua tại khu vực châu Á đặc biệt coi trọng tất cả các dịch vụ hậu mãi hơn so với người mua ở các khu vực khác, bao gồm các dịch vụ như trả lại hàng, dịch vụ lấy hàng cho các sản phẩm khó vận chuyển và cung cấp sẵn bao bì vận chuyển để trả lại hàng…

Tại Trung Quốc và Nhật Bản, dịch vụ hậu mãi quan trọng nhất là bảo trì và sửa chữa tại chỗ, còn ở Thái Lan, trả lại hàng là điều được quan tâm nhiều nhất.

Bà Sylvie Van Den Kerkhoff, Phó chủ tịch Marketing của UPS tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Tại châu Á, các mối quan hệ kinh doanh không thể tiến hành đơn phương. Các kênh bán hàng trực tuyến rất phổ biến, và các hình thức bán hàng trực tiếp cũng vậy, từ đó đòi hỏi sự cân bằng quan trọng cho các doanh nghiệp muốn bán hàng tại khu vực này. Dữ liệu cho thấy, các doanh nghiệp muốn kinh doanh tại thị trường châu Á cần đảm bảo rằng các hoạt động thương mại điện tử và truyền thống của họ đều được tối ưu hóa và tích hợp, đồng thời cần chắc chắn rằng các dịch vụ hậu mãi như trả hàng vẫn mang đến trải nghiệm tối ưu cho người mua”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ba rào cản mua hàng công nghiệp quốc tế với châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO