Xuất khẩu rau quả: Mở cửa vào CLB "tỷ đô"

28/12/2012 01:17

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) tự tin đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm 2013, tăng 30% so với năm 2012.

Xuất khẩu rau quả: Mở cửa vào CLB

Rau quả là một trong những ngành hàng xuất khẩu (XK) tiềm năng của Việt Nam, những năm gần đây, kim ngạch XK năm sau luôn cao hơn năm trước: năm 2011 đạt kỷ lục 630 triệu USD, tăng 35,5% so với năm 2010, lọt vào nhóm 5 quốc gia XK rau quả lớn nhất thế giới. Năm 2012, XK rau quả tăng trưởng chậm lại do vướng các quy định về chất lượng của các nước nhập khẩu (NK), ước đạt 770 triệu USD, tăng 30% so với năm 2011.

Với đà tăng trưởng trên, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) tự tin đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch XK 1 tỷ USD trong năm 2013, tăng 30% so với năm 2012.

"Ngon", nhưng vẫn còn "sâu"

Năm 2012, mướp đắng từng bị ngừng xuất khẩu khi EU phát hiện có 3 lô hàng rau xanh từ Việt Nam có sâu đục lá
Theo Vinafruit, mục tiêu 1 tỷ USD sẽ không khó thực hiện nếu biết duy trì và phát huy những thành quả đã đạt trong 2012. Hiện Việt Nam đã lọt vào top 5 quốc gia XK rau quả lớn nhất thế giới nhờ tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường, đứng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc…

Từ năm 2005 đến nay, kim ngạch XK ngành hàng rau quả của Việt Nam đều tăng trưởng khá, trung bình khoảng 300 triệu USD/năm. Năm 2011, XK rau quả đạt kim ngạch kỷ lục 630 triệu USD, tăng 35,5% so với 2010. Tuy nhiên, trong năm 2012, đà tăng trưởng này không còn được duy trì, giảm xuống chỉ còn 30%, thấp hơn 5% so với năm 2011, và có nguy cơ mất thị trường EU do có nhiều lô hàng XK vào thị trường này vi phạm hàng rào chất lượng.

Trong năm 2012, EU đã cảnh báo khi phát hiện có 3 lô hàng rau xanh NK từ Việt Nam có sâu đục lá, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã ra thông báo ngừng cho phép XK vào EU 5 mặt hàng gồm: húng quế, ớt, cần tây, khổ qua (mướp đắng), ngò gai (sẽ tạm ngừng làm thủ tục XK đến ngày 1/2/2013).

Ngoài EU, một số thị trường khác cũng gửi cảnh báo về một số lô hàng chưa qua kiểm dịch, có dị vật lạ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao.

Theo Vinafruit, Trung Quốc vẫn là thị trường XK lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) XK Việt Nam đối với ngành hàng này. Trong 10 tháng đầu năm, XK rau quả vào Trung Quốc đạt 174,71 triệu USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 37,58% tổng kim ngạch ngành hàng này. Các mặt hàng XK sang Trung Quốc tương đối đa dạng do kiểm soát và yêu cầu về chất lượng không quá cao như các nước EU, Mỹ, Nhật Bản. Các mặt hàng chủ yếu gồm: dưa hấu, nhãn, vải, rau xanh các loại…

Áp dụng quy chuẩn quốc tế

Để XK rau quả đạt kim ngạch cao, việc tăng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và làm theo quy trình quốc tế là điều then chốt
Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai, đạt kim ngạch XK 44,98 triệu USD, tăng 16,04% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm 9,68% tổng kim ngạch. Thị trường lớn thứ ba là Mỹ, đạt kim ngạch 31,45 tiệu USD, chiếm 6,76% và tăng 39,65% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là các thị trường Nga (chiếm 5,15%), Indonesia (4,97%), Đài Loan (4,6%), Singapore (3,59%), Thái Lan (3,56%).

Theo đánh giá, Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất của rau quả Việt Nam, do sự thuận lợi về địa lý, và do kiểm soát chất lượng không quá chặt chẽ như EU, Nhật Bản hay Mỹ. Nhưng để phát triển lâu dài, việc nâng cao chất lượng là bắt buộc, càng làm nhiều với thị trường khó tính, chất lượng sản phẩm và tính chuyên nghiệp của các nhà sản xuất và XK rau quả Việt Nam mới càng được nâng cao. Tuy nhiên, để đạt được kim ngạch XK lớn hơn, rau quả Việt Nam cần đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường EU.

Theo Vinafruit, mặc dù nổi tiếng là "vương quốc" của rau quả, nhưng trong năm 2012, Thái Lan đã trở thành 1 trong 10 thị trường XK rau quả chính của các DN Việt Nam. Do chất lượng rau quả của Việt Nam đã nâng lên, cùng lúc Thái Lan đang tập trung vào trồng hoa XK, đặc biệt là hoa phong lan có giá trị rất cao, nên có những mặt hàng rau quả Thái Lan không quan tâm, cùng với đà sản xuất rau, quả đạt chất lượng cao mà Việt Nam đã làm được và đang làm rất tốt, nên rau quả Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào thị trường Thái Lan.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng thư ký Vinafruit, cho biết xu hướng tiêu dùng nông sản của thế giới tăng cao là một lợi thế lớn đối với các DN XK rau quả Việt Nam. Để giúp cho DN có hướng đi bài bản chuyên nghiệp, trong thời gian qua, Hiệp hội đã khuyến cáo DN và các hộ trồng rau quả phải thực hiện thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn GAP để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các nhà NK. Để XK rau quả đạt kim ngạch cao, việc tăng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và làm theo quy trình quốc tế là điều then chốt lúc này. Bên cạnh đó, cần nhất là phải ổn định vùng nguyên liệu.

Ông Huỳnh Quang Đấu - Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco), cho biết 17 năm qua, Antesco đã đã xây dựng vùng nguyên liệu lớn, bằng cách thiết lập mối hợp tác bền vững với nông dân thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Công ty cung cấp giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, sau đó thu mua lại sản phẩm của nông dân theo tinh thần Nghị quyết 80.

Với phương thức này, Antesco đã hợp đồng bao tiêu 2.000 ha bắp non và đậu nành rau, tạo công ăn việc làm cho 20.000 nông dân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, bình quân mỗi năm, Công ty XK trên 9.000 tấn rau quả với kim ngạch từ 8,5 - 10 triệu USD vào các thị trường khó tính, như: EU, Nhật Bản, Mỹ… Tuy nhiên, thời gian qua, khi thị trường có nhu cầu, có một số thương lái tới vùng nguyên liệu của Antesco chào giá cao hơn từ 500 - 1.000 đồng/kg, nên nông dân liền "bẻ kèo" hủy hợp đồng, bán cho thương lái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu rau quả: Mở cửa vào CLB "tỷ đô"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO