Xuất khẩu phần mềm: Dịch chuyển cùng SMAC

HỒNG NGA - HẢI ÂU| 01/03/2014 06:48

Dù lọt vào top các thị trường gia công phần mềm lớn nhất thế giới, nhưng các doanh nghiệp việt nam vẫn còn xa so với giấc mơ "phần mềm made in Vietnam".

Xuất khẩu phần mềm: Dịch chuyển cùng SMAC

Dù lọt vào top các thị trường gia công phần mềm lớn nhất thế giới, nhưng các doanh nghiệp việt nam vẫn còn xa so với giấc mơ "phần mềm made in Vietnam".

Đọc E-paper

Chững lại trước "đám mây"?

Tốc độ tăng trưởng giảm sút, nhiều công ty đóng cửa hoặc sáp nhập, phải chăng ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) của Việt Nam đã chững lại hay đang trôi theo xu hướng của công nghệ "đám mây"?

Theo công bố từ Sách trắng Công nghệ thông tin (CNTT) năm 2012, ngành CNPM Việt Nam đạt doanh thu 1,17 tỷ USD trong năm 2011, với tốc độ tăng trưởng tương ứng là 10% (trong khi nội dung số là 25% và công nghiệp phần cứng là 101%).

Đến năm 2013, mức độ tăng trưởng chỉ khiêm tốn ở mức 3,1% và đây là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm đầu tiên Việt Nam xây dựng các kế hoạch phát triển CNPM và internet (năm 2005). Xét về cơ cấu doanh thu của ngành CNPM, xuất khẩu luôn chiếm khoảng 1/3, chủ yếu từ khu vực gia công.

Song, kể từ năm 2009, nhiều công ty trong lĩnh vực gia công, xuất khẩu phần mềm bị sụt giảm doanh thu đột ngột đã phải quay về khai thác thị trường nội địa, phát triển các phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP), thậm chí một số DN nhỏ đã phải chia tay "cuộc chơi".

Trước tình hình này, một câu hỏi đã được đặt ra: Phải chăng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại? Ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc Công ty CSC Việt Nam, cho rằng "Ngành phát triển phần mềm xuất khẩu của Việt Nam đã bị chững lại do không có những đột biến để nâng lên quy mô lớn như Ấn Độ đã làm".

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam và Thái Lan, lại nhìn nhận, ngành CNPM của Việt Nam nói chung và khu vực xuất khẩu nói riêng không chững lại mà đang có sự chuyển dịch.

Sự chuyển dịch này xuất phát từ tốc độ phát triển công nghệ trên thế giới dựa trên 3 nền tảng (platform) và hiện nay là nền tảng công nghệ SMAC (social - mobility - analyst - cloud: mạng xã hội - ứng dụng di động - phân tích dữ liệu và điện toán đám mây).

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, điện thoại thông minh (smartphone)..., các công ty phần mềm đang hướng đến mục tiêu tạo ra các phần mềm ứng dụng được tích hợp trên các thiết bị cá nhân như tablet, notebook, smartphone... "Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghệ này", ông Lâm Phương, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT nhận định.

Thống kê của KPMG cho thấy, năm 2012, doanh số của dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) trên toàn cầu đạt 109 tỷ USD, dự báo đến năm 2016, con số này là 206 tỷ USD... Điều này minh chứng, chi tiêu trong ngành CNTT đối với các lĩnh vực này có mức độ tăng trưởng rất lớn.

Lâu nay, nhiều sản phẩm truyền thống của DN xuất khẩu phần mềm Việt Nam như phát triển ứng dụng, phần mềm nhúng, tích hợp hệ thống, kiểm thử phần mềm (testing)... đã và đang được khách hàng đánh giá cao.

Trong đó, một số dịch vụ được đánh giá có tiềm năng phát triển trong thời gian tới như dịch vụ phát triển các ứng dụng, trò chơi cho smartphone, tablet, phát triển web thương mại điện tử, kiểm thử...

Hiện nay, các công ty lớn như FPT Software, TMA Solutions, CSC Việt Nam, Global Cybersoft, CMC Soft... đều hướng đến việc nghiên cứu, sản xuất các phần mềm về công nghệ di động, dịch vụ ứng dụng, ĐTĐM...

Phân tích về sự chuyển dịch trong ngành CNPM, ông Mạnh Dũng, cho rằng, ngay như công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam hiện nay là FPT cũng đã và đang hướng đến việc tạo ra các phần mềm ứng dụng trên smartphone, phần mềm quản lý, thương mại điện tử...

Với tốc độ phát triển "phi mã” của công nghệ hiện nay, các phần mềm ứng dụng thường thay đổi, cập nhật liên tục nên đòi hỏi các công ty phần mềm phải có đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, xử lý công việc nhanh, tạo ra các sản phẩm tối ưu... (trước năm 2008, DN gia công xuất khẩu phần mềm chủ yếu tạo ra phần mềm hệ thống với khối lượng công việc lớn, thời gian triển khai chậm và chi phí gia công cao, có thể lên vài triệu USD; trong khi các phần mềm ứng dụng đôi khi chỉ vài trăm nghìn USD nên biên độ tăng doanh thu không đáng kể).

Chính vì những yêu cầu trong giai đoạn mới, các công ty nước ngoài thường chọn đối tác gia công là DN có quy mô lớn. Thậm chí, không ít công ty Nhật có xu hướng chuyển từ thuê sang thành lập đơn vị trực thuộc hoặc thành lập các trung tâm phát triển (Development Center) tại Việt Nam để chủ động hơn trong vấn đề tuyển chọn và quản lý nguồn lực phù hợp với chiến lược phát triển sản phẩm của họ.

Đó cũng là lý do mà hiện nay, các công ty phần mềm lớn trong nước thường có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Dù sự tăng trưởng chung về doanh thu xuất khẩu phần mềm không tăng đột biến nhưng một số DN vẫn đạt doanh thu cao.

Đuổi theo các "ông lớn"

Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, đứng thứ 2 tại thị trường Nhật Bản và lọt vào Top 10 nước xuất khẩu phần mềm trên thế giới. Việt Nam đang có cơ hội bước ra khỏi ngưỡng gia công và thực hiện giấc mơ phần mềm "Made in Vietnam".

Đáng kể nhất hiện nay là FPT. Theo báo cáo mới nhất, FPT Software (công ty con của Tập đoàn FPT) đang là DN hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ phần mềm tại Việt Nam với doanh thu năm 2013 đạt hơn 100 triệu USD, tăng trưởng 24% so với năm 2012 và quy mô nhân lực trên 5.000 người.

Với kết quả này, FPT Software hiện nằm trong danh sách 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về dịch vụ gia công phần mềm theo khảo sát của A.T.Kearney. Theo đó, doanh thu từ thị trường Mỹ tăng 62%, thị trường Nhật Bản tăng trên 30%, thị trường châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tăng trưởng 46%.

Cũng trong năm 2013, FPT Software đã có cơ hội đuổi kịp các "ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ. DN này đã đầu tư và hoàn toàn sẵn sàng cung cấp, tư vấn các công nghệ mới như Big Data, Cloud, Mobility.

Chia sẻ về hoạt động của FPT Software, ông Lâm Phương cho biết, FPT muốn trở thành công ty hàng đầu về dịch vụ thông minh mà SMAC là công nghệ nền tảng và đã đầu tư vào mảng này từ hai năm nay. Điển hình là FPT đã phát triển một ứng dụng cho một công ty truyền hình vệ tinh hàng đầu của Mỹ.

Với phần mềm này, người xem truyền hình sẽ dễ dàng chọn lựa được kênh yêu thích trong hơn 3.000 kênh truyền hình mà không tốn nhiều thời gian. Đây là công cụ để kết nối với Set-Top-Box bằng ngôn ngữ tự nhiên (giọng nói) để người sử dụng có thể ngay lập tức yêu cầu chuyển đến kênh mình mong muốn.

Bản thân hệ thống này cũng theo dõi thói quen, hành vi của người sử dụng để đưa ra các tư vấn về kênh, chương trình nên xem. Theo đại diện FPT, ứng dụng này khi được đưa lên Appstore của Apple thì chỉ trong một tuần đã có 5 triệu lượt download (tải xuống). Dù ứng dụng này gia công theo đơn đặt hàng của đối tác nhưng đây được xem là thành quả của đội ngũ kỹ sư FPT trong lĩnh vực mobility.

Năm 2013, FPT Software cũng đã hoàn tất thành công dự án rất lớn cho một công ty sản xuất TV của Nhật. FPT tạo ra phần mềm ứng dụng sao cho các nội dung, sở thích của người sử dụng được lưu lại trên đám mây và giúp người sử dụng có những trải nghiệm tốt hơn.

Hiện FPT Software đã hiện diện tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ; DN có 219 khách hàng tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 73 khách hàng mới trong năm 2013. Thương hiệu FPT Software đã được khẳng định tại một số thị trường Mỹ, Nhật, Singapore...

Cũng như FPT, Công ty TMA Solutions đã gặt hái nhiều thành công từ lĩnh vực xuất khẩu phầm mềm. Năm 2012, TMA Solutions thu về 22 triệu USD từ việc gia công cho thị trường các nước. Trong 3 năm qua (2011 - 2013), TMA đã tăng từ 1.000 kỹ sư lên 1.500 kỹ sư.

Hiện tại, TMA đã có 6 chi nhánh tại nước ngoài với khách hàng là các công ty công nghệ cao tại 25 nước trên thế giới. Năm 2013, Công ty phát triển mạnh thị trường Úc, Nhật Bản với các phầm mềm trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bán lẻ, giáo dục, công nghệ di động, phân tích dữ liệu sinh học...

- Năm 2013, Nhật Bản là thị trường XKPM lớn nhất của Việt Nam (trước đây Việt Nam xếp sau Ấn Độ), mang lại 35% doanh thu xuất khẩu và 40% lợi nhuận đều đặn hàng năm. Thị phần được phân chia vào thị trường Nhật như sau:
+ Việt Nam: 31,50%
+ Ấn Độ: 20,60%
+ Trung Quốc: 16,70%
+ Khác: 31,20%

Cũng trong năm này, đón đầu sự chuyển hướng gia công phần mềm từ Trung Quốc sang Việt Nam, TMA đã thành lập TMA Japan Center (TJC) với mục đích tập trung phát triển thị trường Nhật. TJC đang có kế hoạch phát triển từ 150 kỹ sư lên 500 kỹ sư trong vòng 3 năm tới. Bên cạnh đó, Công ty cũng đầu tư mạnh mẽ vào văn phòng chi nhánh ở Tokyo nhằm đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật.

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Solutions TMA, từng nói rằng, gia công phần mềm đang tạo nên doanh thu 10.000 USD/người/năm và thu nhập khoảng 15.000 - 20.000 USD/kỹ sư/năm, con số rất cao ở thị trường Việt Nam so với trồng lúa, cà phê hay nuôi cá basa.

Và nếu không gia công phần mềm mà tham gia vào sản xuất sản phẩm và nghiên cứu phát triển (R&D), con số đó có thể sẽ tăng lên 10 lần. Đó là lý do để ông Lệ đẩy mạnh đầu tư vào R&D.

Và 3 năm qua, việc đầu tư mạnh vào hoạt động R&D đã giúp TMA có những sản phẩm và công nghệ mới nhằm tạo ra các giá trị cao hơn cho khách hàng cũng như ứng dụng công nghệ phục vụ công đồng (y tế, giáo dục, giao thông...). Hiện nay, dù đã có 1.500 kỹ sư nhưng TMA đang ráo riết tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị cho sự phát triển.

Bởi thị trường Mỹ và khu vực Bắc Mỹ đang tăng trưởng mạnh trong những năm qua và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì thế, TMA đang cần tuyển thêm hàng trăm kỹ sự lập trình trong năm nay.

Trong khi đó, CSC Việt Nam với lợi thế là chi nhánh của tập đoàn toàn cầu (CSC có mặt tại 70 quốc gia với hơn 80.000 nhân viên) đã chứng tỏ được năng lực cạnh tranh cao.

CSC Việt Nam được xem là một trong 8 trung tâm phát triển toàn cầu (global delivery center) của CSC với thế mạnh trong các lĩnh vực bảo hiểm, y tế, sản xuất, công nghệ và tiêu dùng, điện toán đám mây, công nghệ di động, dịch vụ ứng dụng...

Hiện tại, CSC Việt Nam đang chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển ứng dụng cho mảng công nghệ di động cho cả Tập đoàn CSC. Ngoài hai thị trường truyền thống là Nhật và Mỹ, hai năm qua, CSC Việt Nam đã khai thác tốt thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức...

Ông Ngô Hùng Phương cho rằng, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế mà DN Việt Nam trưởng thành hơn và họ đã đa dạng hóa thị trường để hạn chế rủi ro. Các thị trường xuất khẩu ngày nay không chỉ tập trung vào Mỹ, Nhật mà đã mở rộng sang châu Âu, châu Á và châu Úc.

Nói về chiến lược phát triển của FPT Software trong năm 2014, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc FPT Software TP.HCM, cho biết, Công ty đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu phần mềm lên đến 130 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các phần mềm ứng dụng trên nền tảng công nghệ SMAC.

Đặc biệt, hai mảng ĐTĐM và mobility có thể tăng trưởng 100% so với 2013. Để thực hiện được mục tiêu này, FPT Software sẽ nâng số lượng nhân viên từ 5.000 người lên 6.500 người trong năm 2014, riêng tại TP.HCM sẽ tăng từ 500 lên 700 nhân viên.

Ông Quỳnh cũng bày tỏ mong muốn, trong tương lai, ngành CNPM Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình chuỗi cung ứng. Theo đó, những DN lớn như FPT Software sẽ nhận một dự án lớn từ đối tác ngoại, sau đó sẽ phân bổ lại cho các DN vừa và nhỏ trong nước theo từng công đoạn.

Còn hiện nay, FPT Software đang hợp tác với các công ty nhỏ hơn để thuê người (từ 10 - 30 nhân sự tùy vào quy mô dự án) để đảm bảo quy trình làm việc khi thực hiện dự án.

Phần mềm gặp đá cứng

Do quy mô nhỏ, không đủ khả năng nhận dự án lớn, các DN xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều "miếng bánh thơm ngon" của thị trường này.

Ngành phần mềm Việt Nam đã có tên tuổi trên thế giới và xuất khẩu phần mềm được nhận định là sẽ có nhiều thuận lợi trong năm 2014 cũng như những năm kế tiếp. Thế nhưng, yêu cầu của thị trường ngày càng cao và sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc và các thị trường mới nổi như Srilanca, Myanmar, Malaysia... đang là thách thức không nhỏ đối với các DN phần mềm.

Đơn cử như ở Nhật Bản, dù Việt Nam đang đứng vị trí thứ 1 trong thị trường có nhu cầu gia công phần mềm mỗi năm lên tới 30 tỷ USD nhưng doanh thu khai thác được cũng không lớn. Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Nhật Bản, mỗi năm, nước này chi ra khoảng 30 tỷ USD cho lao động gia công phần mềm nhưng DN Việt Nam mới chỉ khai thác được một phần nhỏ trong số đó.

Ngay như "đại gia" FPT cũng mới chỉ kiếm được khoảng vài chục triệu USD từ các hợp đồng gia công phần mềm từ nước này. Trước đây, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là giá thấp. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của NeoIT, hãng nghiên cứu về outsorce (thuê ngoài) có trụ sở tại Mỹ, năm 2011, chi phí lao động CNTT tại Việt Nam rẻ hơn 40% so với tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhưng hiện nay, với tốc độ lạm phát và tăng lương thời gian qua thì ưu thế về giá không còn rõ rệt nữa khi ngày càng có nhiều nước tham gia thị trường gia công phần mềm thế giới với giá thấp hơn. Do đó, nếu không tạo ra những giá trị mới về trình độ công nghệ, sáng tạo, giải pháp trong các ngành nghề khác nhau thì những khách hàng hiện tại cũng sẽ chuyển qua các nước khác.

Ông Trần Phúc Hồng, Phó tổng giám đốc TMA Solutions, cho rằng, thị trường phần mềm thế giới là "chiếc bánh lớn" cho DN Việt Nam nếu đủ sức tham gia. Ngành CNPM của Việt Nam phát triển tốt nhưng cho đến nay thị phần của Việt Nam còn nhỏ bé vì còn quá ít DN phần mềm có quy mô lớn (số lượng DN có quy mô hàng trăm, hàng ngàn nhân viên chỉ đếm trên đầu ngón tay), có khả năng nhận dự án lớn.

Dù có hàng trăm, hàng ngàn DN thì với quy mô nhỏ, Việt Nam đã và đang bỏ qua những "miếng bánh tốt nhất" của thị trường. Hơn nữa, dù có nhiều thuận lợi (nguồn lực dồi dào, thị trường thế giới lớn và ổn định) nhưng các năm qua vẫn chưa có nhiều nguồn vốn từ xã hội chảy vào đầu tư cho ngành gia công xuất khẩu.

Lợi nhuận của ngành chưa đủ hấp dẫn, nhà đầu tư thích đầu cơ hơn là đầu tư lâu dài hay lĩnh vực công nghệ cao làm e ngại những người ngoại đạo? Chỉ khi có làn sóng đầu tư này thì TP.HCM mới thực hiện được việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế tri thức.

Trên thế giới, ngành CNPM đang mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Ở nhiều nước, lĩnh vực gia công phần mềm đã đóng góp đang kể vào nền kinh tế đất nước. Ngành CNPM Ấn Độ đã được xây dựng 30 năm nay nhưng thành tựu mang lại cũng nhờ vào gia công phần mềm.

Năm 2012, với 2,5 triệu nhân lực, chiếm 0,25% tổng dân số nhưng ngành gia công phần mềm và dịch vụ CNTT của nước này đã tạo ra hơn 100 tỷ USD, đóng góp 8% GDP cả nước.

Ông Ngô Hùng Phương cho rằng, Việt Nam rồi sẽ có những sản phẩm tốt trên thị trường thế giới, nhưng để có thể biến thành một ngành công nghiệp qui mô lớn như Ấn Độ thì phải học hỏi cách làm của họ và phải thực hiện một cách quyết liệt, đột phá.

Mặc dù hiện nay, về kỹ thuật, DN Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, nhưng việc tìm hiểu thị hiếu, tiếp thị và bán hàng lại là vấn đề khó. Trong kinh doanh, đây là những khâu cực kỳ quan trọng để thuyết phục khách hàng, nhưng tiếc là Việt Nam còn yếu.

Thêm vào đó, xu hướng của ngành gia công toàn cầu là dịch vụ bảo hành bảo dưỡng chiếm 70%, việc phát triển phần mềm chỉ 30%. Đặc trưng này đòi hỏi DN Việt Nam phải có nguồn nhân sự giỏi tiếng Anh, có năng lực ngành công nghiệp, khả năng tư vấn cho khách hàng và người của công ty gia công trên tinh thần phải hỗ trợ 24/7.

Những yêu cầu thực tế đòi hỏi các đòi hỏi các DN Việt Nam phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng nhân lực và giá trị dịch vụ để duy trì lợi thế cạnh tranh. "Nếu làm được như vậy, DN phần mềm Việt Nam không chỉ cạnh tranh được với các đối thủ mới mà còn có thể giành được thị phần lớn hơn", ông Hồng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu phần mềm: Dịch chuyển cùng SMAC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO