Xuất khẩu cà phê: "Thất thường" trong thời "bình thường mới"

Nguyễn Quang Bình| 12/04/2022 06:00

Không như những lo lắng, căng thẳng giữa các đợt phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021, khi mà nhà vườn thiếu nhân công thu hái, giới kinh doanh chạy ngược chạy xuôi tìm đầu ra, kết quả kinh doanh của ngành cà phê trong quý I/2022 là một bất ngờ thú vị.

Một cụ ông đồng bào dân tộc nâng niu từng hạt cà phê

Một cụ ông đồng bào dân tộc nâng niu từng hạt cà phê

Không chỉ là bất ngờ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong ba tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê đạt 541.000 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, tăng 19,4% về lượng và 50,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA) đánh giá: "So với cùng kỳ vài năm trước thì quý I/2022 có kết quả sản xuất, kinh doanh cà phê tốt nhất". Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong quý I/2022 uớc được 53,2 triệu bao (bao 60kg) tương đương 3,19 triệu tấn, thì thị phần cà phê Việt Nam chiếm khoảng 1/6.

Đại dịch Covid-19, đặc biệt với biến chủng Delta lây nhiễm khắp thế giới, nhiều nước sản xuất cà phê phải áp dụng biện pháp phong tỏa chặt, giao nhận hàng hóa ngưng trệ, nhà máy và các cảng biển hoạt động thất thường, có nơi phải ngừng hoạt động dài ngày, đã khiến tồn kho tại các nước tiêu thụ giảm nhanh, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm ngoái.

Tại hai nơi tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới là châu Âu và Mỹ, tồn kho cà phê tại các kho đều giảm. Theo Hiệp hội Cà phê châu Âu (ECF), đến cuối tháng 2/2022, trong kho các nước châu Âu chỉ còn 11,86 triệu bao, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đủ tiêu thụ trong vòng hai tháng rưỡi. Tại Mỹ, Hiệp hội Cà phê nhân Bắc Mỹ (GCA) thông báo đến hết tháng 2/2022, cà phê trong kho chỉ còn  5,77 triệu bao, chỉ đủ hàng cho chế biến và tiêu thụ trong khoảng 10 tuần.

Mặt khác, cũng cần thấy rằng, khá nhiều doanh nghiệp (DN) cà phê trong nước đã phản ứng tích cực với chỉ thị bãi bỏ lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ. Họ đã sử dụng uy tín sẵn có để ký những hợp đồng xuất khẩu cà phê với số lượng lớn. Báo cáo hai tháng đầu năm 2022 của VICOFA cho thấy, chỉ ba công ty là Intimex (TP.HCM), Vĩnh Hiệp (Gia Lai), Giao dịch hàng hóa Tây Nguyên (TP.HCM) đều xuất khẩu từ 15.000-23.000 tấn cà phê/tháng, chiếm đến 1/3 tổng lượng xuất khẩu của cả nước, dù lúc ấy có thời gian nghỉ Tết khá dài, giao thương lắng xuống. Nhưng qua các con số ấn tượng ấy, không nên cho đó là bất ngờ mà cần thấy đấy là nỗ lực vượt bậc của các DN cà phê để thích ứng nhanh với thời kỳ "bình thường mới".

Nụ cười khiêm tốn bên cây cà phê

Nụ cười khiêm tốn bên cây cà phê

Nhìn trước "thất thường" trong bối cảnh "bình thường mới"

Vào quý II/2022, ngay ngày giao dịch đầu tiên, giá cà phê kỳ hạn tháng 7 giảm 22 USD/tấn, còn 2.130 USD/tấn. Giá cả hàng hóa thương phẩm trong đó có cà phê xem ra vẫn chưa hết "bất thường", dù đại dịch Covid-19 đã có phần bị khống chế.

Đứng trước tình trạng lạm phát cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tăng lãi suất điều hành. Đặc biệt, thị trường cà phê thường dùng đồng USD để giao dịch nên quyết định tăng lãi suất để khống chế lạm phát thì giá cà phê càng biến động thất thường ở cả hai chiều lên và xuống. Lãi suất tăng kéo theo chi phí làm hàng tăng, kéo theo lực bán nhiều hơn mua. Năm nay, ở Brazil và Indonesia sản lượng cà phê Robusta cao hơn của Việt Nam khoảng 1,9 triệu tấn, do đó quyền điều phối giá thị trường của Việt Nam bị chia sẻ.

Thấy trước những thất thường để tránh được rủi ro trong sản xuất và kinh doanh thì không có lý do gì để ngành cà phê không lập nên kỳ tích mới.

Chiến tranh giữa Nga với Ukraine đang làm đứt mạch thị trường Đông Âu nói chung, Nga và một số nước lân cận với Ukraine nói riêng. Chỉ riêng thị trường Nga, năm 2021 nhập khẩu 75.000 tấn cà phê từ Việt Nam, năm nay chưa biết cà phê xuất đi Nga sẽ được bao nhiêu tấn.

Theo ông Nguyễn Nam  Hải, khủng hoảng logistics kéo dài do thành phố cảng Thượng Hải bị phong tỏa chặt vì chính sách Zero Covid của Trung Quốc, tình trạng thiếu chỗ trên tàu và thiếu container có thể trở lại, cước tàu vốn đã cao, khả năng sẽ còn cao hơn.

Về mặt sản xuất, giá đầu vào như phân bón, xăng dầu, chi phí nhân công tăng sẽ khiến nhà vườn cà phê càng khó khăn nếu thiếu chủ động về thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nguồn phân bón như kali, SA hầu hết đều nhập khẩu từ Nga, Ukraine, Belarus, nay họ tạm ngừng xuất khẩu và sản lượng cà phê niên vụ 2022-2023 có thể giảm nếu như mưa nắng thất thường.

Nhưng như chia sẻ của Chủ tịch VICOFA, thấy trước những thất thường để tránh được rủi ro trong sản xuất và kinh doanh thì không có lý do gì để ngành cà phê không lập nên kỳ tích mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu cà phê: "Thất thường" trong thời "bình thường mới"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO