Vàng non thử lửa

HỒNG NGA| 10/08/2012 04:53

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có các quy định mà dường như chỉ có hai doanh nghiệp (DN) lớn là SJC và PNJ đủ điều kiện thực thi, những DN còn lại chỉ còn cửa chuyển sang kinh doanh... cầm đồ.

Vàng non thử lửa

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có các quy định mà dường như chỉ có hai doanh nghiệp (DN) lớn là SJC và PNJ đủ điều kiện thực thi, những DN còn lại chỉ còn cửa chuyển sang kinh doanh... cầm đồ.

Đọc E-paper

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM (SJA), cho biết, các DN nhỏ hiện nay đang hết sức khó khăn trong kinh doanh cũng như tìm nguồn vốn kinh doanh và xuất khẩu. Theo quy định của Thông tư 33, các DN kinh doanh vàng không được vay vốn ngân hàng để mua vàng, trừ khi có sự đồng ý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, các DN kinh doanh vàng muốn mở rộng kinh doanh cũng không thể được. “DN kinh doanh vàng mà không vay vốn để mua vàng thì vay tiền để làm gì? Và mỗi lần muốn vay như vậy, các DN phải bay ra Hà Nội để gặp Thống đốc xin được giải quyết. Nhưng đâu phải cứ muốn là gặp được Thống đốc đâu!”, ông Dưng phân bua.

Không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, các DN kinh vàng còn khó khăn trong việc tìm đường xuất khẩu. Theo nhiều DN, về mặt thủ công mỹ nghệ cũng như kỹ thuật, vàng trang sức của Việt Nam không thua gì vàng của các nước trong khu vực và thế giới.

Thế nhưng, DN vẫn không thể xuất hàng sang các nước vì thiếu thông tin về thị trường, về đối tác cũng như cách tiếp cận. Hiện nay, chỉ có các DN lớn như SJC, PNJ là xuất khẩu chính ngạch, còn đa số xuất nhỏ lẻ theo dạng tiểu ngạch.

Cũng theo ông Dưng, hầu hết các DN kinh doanh vàng nhỏ, lẻ không hiểu đối tác nước ngoài như thế nào, thanh toán quốc tế ra sao nên đành phải “tự bơi”. Chính vì vậy mà rủi ro rất lớn trong khâu thanh toán, xuất hàng. Để an toàn, các DN gia công, sản xuất vàng mỹ nghệ chỉ tiêu thụ trong nước mà như vậy, ngành vàng mỹ nghệ của Việt Nam rất khó để tiến xa.

Vay vốn thì khó khăn, xuất khẩu bị hạn chế, trong khi đó hoạt động mua bán trong nước cũng giảm sút. Lâu nay, doanh thu của các DN kinh doanh vàng tăng trưởng tốt một phần nhờ vào việc kinh doanh vàng miếng.

Thế nhưng, Nghị định 24 giới hạn số lượng DN được kinh doanh vàng miếng khiến DN vàng khó khăn trong việc tìm đầu ra. Một số chọn giải pháp đẩy kinh doanh ngoại tệ thay cho vàng, số khác chuyển hướng sang dịch vụ cầm đồ.

Chủ một DN kinh doanh vàng khá lớn tại Bình Thạnh cho biết, lượng khách mua vàng giảm sút khiến doanh thu và lợi nhuận của DN giảm mạnh. Hiện DN này đang đẩy mạnh sang lĩnh vực cầm đồ, vốn trước đây không được coi trọng.

Nghị định 24 có hiệu lực (từ 10/7) cũng là lúc gần 2.000 DN là hội viên của SJA khó khăn. Bởi vì, theo nghị định này, các DN phải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có 3 cửa hàng, chinh nhánh ở 3 tỉnh và 3 năm liên tiếp đóng thuế 500 triệu đồng/năm mới được phép kinh doanh vàng miếng.

Ông Dưng cho rằng, điều kiện kinh doanh vàng miếng hầu như hạn chế tất cả DN kinh doanh vàng miếng từ trước đến giờ. Ngoài hai thương hiệu lớn là SJC, PNJ thì chỉ có một số ngân hàng mới đủ điều kiện mua bán vàng miếng.

Các DN là hội viên SJA hầu hết là DN nhỏ, vốn điều lệ không tới 100 tỷ đồng, thuế một năm nộp nhiều lắm cũng chỉ 300-400 triệu đồng và chỉ kinh doanh tại TP.HCM là chính. Vì vậy, DN của SJA được phép kinh doanh vàng miếng là rất hiếm.

Trong điều kiện này, các DN chỉ còn cách chuyển sang kinh doanh vàng trang sức. Tuy nhiên, vàng trang sức thì không bán được nhiều nên không thể tránh khỏi tình trạng biến tướng.

“Không được bán vàng miếng thì DN chuyển sang bán vàng nhẫn hoặc kinh doanh dịch cầm đồ. Như vậy, họ có thể cầm vàng miếng SJC vì Nghị định không cấm. Cơ quan kiểm tra thì họ nói vàng này cầm chứ không bán. Hình thức tiệm vàng kiêm tiệm cầm đồ sẽ khiến cơ quan chức năng khó lòng xác định đâu là vàng cầm, đâu là vàng kinh doanh”, chủ một DN kinh doanh vàng có tiếng tại TP.HCM phân tích. Cũng theo ông này, tại TP.HCM, hiện đã có hơn 50% các DN đang chuyển hướng cửa hàng vàng kiêm kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Một trong những điều lo lắng của những DN kinh doanh vàng chân chính là Nghị định 24 không quy định chuẩn vàng cụ thể nên rất khó để quản lý chất lượng vàng nữ trang. Nghị định này chỉ nêu tiêu chuẩn vàng là 33,33% (tức là vàng 8k).

Vì không quy định các chuẩn vàng cụ thể nên các DN sản xuất và kinh doanh vàng tự công bố, tự chịu trách nhiệm đối với hàng hóa của mình và muốn công bố như thế nào tùy ý. Như vậy, chất lượng vàng vẫn bị thả nổi như từ trước đến nay và đây cũng là điều kiện để DN vàng không chân chính trục lợi.

Trên thực tế, để cạnh tranh nhau về giá, một số DN sẵn sàng gian lận tuổi vàng nữ trang. Chẳng hạn, vàng nữ trang đóng dấu 18k (hàm lượng vàng chiếm 75%) nhưng đã được nhiều DN giảm hàm lượng vàng của sản phẩm đó xuống còn 68%, 65% và thậm chí là 51%.

Ông Dưng cho rằng: “Nghị định 24 đã có những bước cải tiến so trước đây trong việc tổ chức, quản lý kinh doanh vàng, nhưng như vậy chưa đủ. Cần phải có những quy định rõ ràng về chuẩn vàng để lành mạnh thị trường”.

Hiện tại SJA đã kiến nghị với Sở Khoa học Công nghệ, đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ nên có một nghị định hướng dẫn để thực hiện Nghị được văn bản nào về việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vàng non thử lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO