Trái cây tươi: Thức ăn nhẹ hàng đầu

20/02/2015 01:22

Theo bản báo cáo toàn cầu mới nhất do Nielsen thực hiện, Đông Nam Á đang đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghiệp thức ăn nhẹ trên toàn thế giới với mức tăng trưởng về lượng hàng được tiêu thụ lên đến 3,6% so với mức tăng 2% của toàn cầu.

Trái cây tươi: Thức ăn nhẹ hàng đầu

Theo bản báo cáo toàn cầu mới nhất do Nielsen thực hiện, Đông Nam Á đang đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghiệp thức ăn nhẹ trên toàn thế giới với mức tăng trưởng về lượng hàng được tiêu thụ lên đến 3,6% so với mức tăng 2% của toàn cầu.

Trong khi châu Âu và Bắc Mỹ tạo nên phần lớn doanh số trên toàn thế giới (khoảng 167 tỷ USD và 124 tỷ USD) thì các nước đang phát triển ở Đông Nam Á cũng góp phần đáng kể vào sự phát triển lĩnh vực này.

Mức độ tiêu thụ thức ăn nhẹ được dự báo sẽ tăng lên khi khu vực Đông Nam Á chào đón khoảng 300 triệu người tiêu dùng mới trong thập kỷ tới. Sự gia tăng thu nhập và dân số tầng lớp trung lưu đang phát triển cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới.

Theo bà Connie Cheng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu người tiêu dùng của Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương, Đông Nam Á là bệ phóng cho tương lai của ngành công nghiệp thực phẩm ăn nhẹ vì hai lý do: sự tăng lượng tiêu thụ bình quân đầu người và dân số của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.

Để có thể nắm chắc cơ hội, vấn đề quan trọng là các nhà sản xuất thực phẩm ăn nhẹ phải có chiến lược và hiểu được sự thay đổi về khẩu vị cũng như các mối quan ngại về vấn đề sức khỏe của tầng lớp trung lưu.

Có nhiều lý do để người ta có thể ăn vặt. Người tiêu dùng các nước Đông Nam Á (gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam) xếp hạng "thưởng thức" là lý do hàng đầu khi dùng thức ăn nhẹ (ăn vặt).

Ngược lại, 74% người tiêu dùng Philippines xem việc ăn nhẹ là một cách để cung cấp dinh dưỡng và khoảng 8 trong 10 người tiêu dùng Thái Lan (79%) ăn nhẹ để thỏa mãn cơn thèm ăn. Ngoài ra, nhiều người cũng xem khoảng thời gian ăn vặt là thời gian chia sẻ với gia đình, bạn bè và để qua cơn đói giữa các bữa ăn chính.

Đây chính là cơ hội để các nhà sản xuất điều chỉnh bao bì và kích thước sản phẩm của mình hoặc là dành cho các bữa ăn nhẹ, hoặc là các kích cỡ khác nhau dành cho gia đình. Các loại thức ăn nhẹ được người tiêu dùng Đông Nam Á dùng nhiều là trái cây tươi, sôcôla, bánh mì, bánh mì ngọt, sữa chua và chuối chiên...

Nhìn chung, người tiêu dùng trong khu vực là những người ăn vặt tương đối "khỏe mạnh" khi trái cây tươi đứng đầu danh sách những món ăn nhẹ phổ biến. Có 30% người Việt, 26% người Indonesia và 23% người Thái lựa chọn trái cây tươi là thức ăn nhẹ so với tỷ lệ chỉ 18% người tiêu dùng trên thế giới.

Trong khi đó, 31% người Philippines, 20% người Singapore và 17% người Malaysia thích bánh mì, bánh mì ngọt hơn, sau đó mới đến trái cây. "Người tiêu dùng Đông Nam Á đang tìm kiếm các sản phẩm ăn nhẹ lành mạnh mang lại các lợi ích cho sức khỏe cũng như dinh dưỡng, nhưng họ cũng tìm kiếm các sản phẩm khác cho các dịp đặc biệt.

Các nhà sản xuất thực phẩm ăn nhẹ cần phải hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng cũng như các yếu tố kích thích sự ăn vặt nhằm cải thiện các sản phẩm kết hợp giữa sự cân bằng giữa sức khỏe và sự tận hưởng thức ăn.

Việc khoanh vùng danh mục các sản phẩm với các thông tin về sở thích hương vị cũng như các mối lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng Đông Nam Á sẽ là yếu tố chủ đạo cho một chiến lược phát triển thành công", bà Connie Cheng khuyên.

Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng trong khu vực quan tâm đến các nguyên liệu bị thiếu nhiều hơn là các nguyên liệu được bổ sung vào. Mối quan ngại về sức khỏe được xem là vấn đề quan trọng tại Indonesia với tỷ lệ người trả lời lên đến 56%. Tại Malaysia, tỷ lệ này là 49% và Thái Lan là 45%.

Trong khi đó, ba trong năm người tiêu dùng Việt Nam (60%) ưu tiên các sản phẩm có thành phần tự nhiên. Ít muối và không phẩm màu là các yếu tố hàng đầu đối với người Singapore (34%), người Philippines thì tìm kiếm các sản phẩm mang lại lợi ích và xem sản phẩm mang lại chất xơ là yếu tố quan trọng nhất khi chọn thực phẩm ăn nhẹ (63%).

Người tiêu dùng Philippines và Việt Nam có ý thức với môi trường nhất. Cụ thể, đến phân nửa người Philippines cho rằng việc các món ăn nhẹ có chứa thành phần hữu cơ là rất quan trọng và 40% người thích các sản phẩm có chứa các loại thảo mộc địa phương.

Gần phân nửa người tiêu dùng Việt Nam (45%) cho rằng nguồn cung cấp sản phẩm bền vững là vấn đề quan trọng. Về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng Đông Nam Á đặc biệt quan tâm đến yếu tố tươi, giòn, có vị ngon.

Cụ thể, người Philippines đưa mức độ tươi ngon lên hàng đầu (75%), sau đó là người Việt (62%), Malaysia (54%), Indonesia (52%), Singapore (48%) và Thái Lan (40%). Hương vị cũng là yếu tố quan trọng đối với hầu hết người tiêu dùng trong khu vực.

Hiện người tiêu dùng Đông Nam Á có khuynh hướng lên kế hoạch cho việc ăn vặt của mình. Họ mua thức ăn nhẹ ở lối đi các cửa hàng, lên kế hoạch mua trước khi đến cửa hàng, và có một vài sản phẩm họ mua nhiều lần.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là nhiều người tiêu dùng trong khu vực lại là những người mua hàng rất tự phát, bao gồm cả việc mua các sản phẩm mới để dùng thử, mua nhiều loại sản phẩm khác nhau và thậm chí không lên kế hoạch mua đồ ăn vặt.

Những người mua sản phẩm ăn vặt tự phát thường ăn ngay khi vừa mua và có khuynh hướng mua các sản phẩm này khi họ đến quầy trả tiền. Trong khi đó, những người ăn vặt có chủ đích biết họ muốn gì và rất cẩn thận khi lựa chọn sản phẩm.

Đối với phân khúc khách hàng này, nhà sản xuất cần ghi rõ các tính năng của sản phẩm cũng như nguồn cung ứng bền vững và công bằng thương mại. Ngược lại, các sản phẩm được đặt ở khu vực bắt mắt, dễ nhìn thấy, đặc biệt là trước các cửa hàng, là yếu tố chính để thu hút người ăn vặt không có chủ đích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái cây tươi: Thức ăn nhẹ hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO