Trái cây, rau củ Việt Nam: Hái trái non

DUY KHUÊ - ĐỖ PHƯƠNG| 18/09/2014 00:00

Xây dựng lại các thương hiệu trái cây nổi tiếng, trong đó bao gồm quy hoạch vùng sản xuất, thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn VietGap, Global Gap... đang từng bước mang lại chỗ đứng cho trái cây, rau củ Việt Nam ở thị trường trong và ngoài nước.

Trái cây, rau củ Việt Nam: Hái trái non

Xây dựng lại các thương hiệu trái cây nổi tiếng, trong đó bao gồm quy hoạch vùng sản xuất, thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn VietGap, Global Gap... đang từng bước mang lại chỗ đứng cho trái cây, rau củ Việt Nam ở thị trường trong và ngoài nước. Nhiều công ty Việt Nam đã đưa được trái cây vào thị trường châu Âu, Mỹ với sản lượng ngày càng cao và mức giá cao hơn thị trường khác có khi gấp 5 lần, với kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam nói chung vẫn rất yếu thế, nhiều sản phẩm vẫn không có tên tuổi và bán với giá rẻ ở thị trường nước ngoài.

Đọc E-paper

Laba Đà Lạt: Nỗi buồn "đơn thân"

Với thương hiệu "Laba Đà Lạt", chuối của Công ty TNHH Laba Đà Lạt được xem là quá may mắn so với nhiều loại củ, quả vẫn âm thầm xuất ngoại. Nhưng dù "hữu danh" thì trái chuối Laba Đà Lạt vẫn trầy trật tìm đường ra thị trường...

Năm 2011, chuối thương hiệu Laba Đà Lạt của Công ty TNHH Laba Đà Lạt lần đầu tiên được xuất sang thị trường Úc. Thông tin này đã làm nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành xuất khẩu nông sản ngỡ ngàng, bởi đây được xem như một "kỷ lục" của trái cây Việt Nam, cụ thể là trái chuối.

Đặc biệt, nếu biết rằng đặc sản của vùng đất Lâm Đồng này mới chỉ được "phục tráng" trong vòng ba năm, sau quãng thời gian dài bị nông dân phá bỏ do không có giá trị kinh tế cao.

Thời gian đầu, khi chuối Laba Đà Lạt được chào hàng qua các diễn đàn nông sản quốc tế, rất nhiều khách hàng đã yêu cầu gửi hàng mẫu. Sau khi dùng thử, đa phần khách hành đều muốn đến xem trang trại chuối tại Việt Nam và sau đó đặt hàng.

Theo ông Lê Sĩ Công, Giám đốc Công ty TNHH Laba Đà Lạt, hầu hết khách hàng đánh giá rất cao, nên việc cạnh tranh về giá cũng không còn là thách thức dù chuối Philippines bán tại cảng theo giá FOB là 5.000 - 6.000 đồng/kg, trong khi chuối Laba có giá tới hơn 10.000 ngàn đồng/kg. Những tưởng khởi đầu suôn sẽ tạo đà cho chuối Laba Đà Lạt mạnh bước ra thị trường thế giới, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

150 triệu đồng

Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257.000 ha, trong đó, diện tích trồng thanh long là 24.800 ha, xoài 45.900 ha, chôm chôm 18.300 ha, sầu riêng 15.000 ha, vú sữa 5.000 ha, bưởi 27.900 ha, nhãn 29.800 ha, chuối 28.900 ha, dứa 21.000 ha, cam 26.250 ha, mãng cầu 8.300 ha và quýt 5.850 ha.

Phấn đấu đến năm 2020, 100% trái cây chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó, trên 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP, đồng thời tăng chủng loại, sản lượng và giá trị trái cây xuất khẩu của vùng trồng tập trung ở Nam Bộ lên hơn 70%. Đến năm 2020, phấn đấu giá trị cây ăn quả chủ lực tập trung đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Công, chiến lược của Công ty là 100% xuất khẩu. Thế nhưng, sau gần 6 năm phục tráng và phát triển chuối Laba Đà Lạt, ông nhận ra, để một sản phẩm nông sản Việt Nam được chính danh ở thị trường quốc tế không hề đơn giản.

"DN chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Cụ thể, khó khăn về vùng nguyên liệu manh mún, nhỏ lẻ, không ổn định làm chi phí vận chuyển tăng cao, tổn hại đến gần 50% sản lượng thu hoạch mỗi ngày. Chuối Laba chỉ trồng được ở xứ lạnh như Lâm Đồng. Tuy nhiên, chỉ có những vùng như Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh mới cho chất lượng trái tốt nhất. 90% diện tích đất Lâm Đồng ưu tiên cho cây cà phê, chè, nên để khuyến khích nông dân đầu tư vào chuối là một quyết định mạo hiểm, ít người dám làm", ông Công chia sẻ.

Một khó khăn khác là "hợp đồng giao ước", cụ thể Laba Đà Lạt vẫn chưa có chế tài đối với các trường hợp nông dân nhận giống từ Công ty nhưng lại bán chuối cho thương lái Trung Quốc với giá cao.

"Từ năm 2012 đến năm 2013, chúng tôi giao giống cho nông dân và mua lại với giá 6.000 đồng/kg, thương lái Trung Quốc qua mua 8.000 đồng/kg, nông dân bán hết cho Trung Quốc mà Laba vẫn không có một chế tài nào để áp dụng với nông dân. Vì thế, về lâu dài Laba Đà Lạt vẫn muốn hợp tác với các DN có quỹ đất lớn, một mặt để chất lượng trái chuối được đồng bộ hơn, tiết giảm chi phí vận chuyển, hư hỏng, mặt khác để có sự an toàn về số lượng sau thu hoạch", ông Công nói.

Công ty Laba Đà Lạt tiên phong trong việc trồng, khôi phục cây chuối Laba và góp phần khẳng định giá trị của chuối Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để có được thành quả này, DN buộc phải nỗ lực, từ khâu phát triển giống, phát triển vùng trồng, thu gom, bảo quản, chế biến đến tìm thị trường... Nhưng càng làm, Laba Đà Lạt càng nhận ra "không thể đơn thân mãi được".

Năm 2013, Công ty xuất khoảng 10 container ra thị trường Nhật, Đức và Nga. Tháng 8/2013, Laba Đà Lạt mới chính thức đặt chân tới thị trường Nhật với container đầu tiên trong hợp đồng khoảng 30 container, tương đương 600 tấn. Dù rằng, thu hoạch chuối một ngày đôi khi lên đến vài chục tấn, nhưng không phải lúc nào cũng đủ hàng xuất đi.

Theo ông Công, nhiều khi phải bỏ đơn hàng do không đủ một container khoảng 20 tấn, vì chuối thu về bị dập, hỏng do khâu vận chuyển. Hiện nay 80% sản lượng xuất khẩu của DN là từ vùng nguyên liệu bao tiêu của nông dân với khoảng 40ha, 20% còn lại là từ vùng nguyên liệu có diện tích 6ha của DN.

"Do đó, dù đã tạo được thương hiệu nhưng DN vẫn cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, nhất là việc định hướng vùng nguyên liệu. Trong đó, việc sản xuất hợp tác phải có ràng buộc rõ ràng DN mới tiến hành chuyển giao kỹ thuật.

Vì chuối nông dân trồng rất nhiều, nhưng không phải ai cũng trồng đúng kỹ thuật, đạt chất lượng xuất khẩu. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến trái cây được mùa nhưng vẫn bán rẻ ở thị trường nội địa chứ không thể xuất khẩu được là vậy", ông Công giải thích.

Giá rẻ cho nông sản sạch?

Thời gian gần đây, hệ thống các hàng rau - củ - quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay Organic xuất hiện tại các thành phố ngày càng nhiều. Dù chỉ mới manh nha nhưng việc khẳng định tên tuổi cho nông sản Việt Nam bằng hệ thống cửa hàng nông sản sạch đang được nhiều DN chăm chút.

Bài toán nông sản sạch, giá mềm đang được xem là thách thức lớn, bởi chi phí đầu tư, công sức DN bỏ ra là không hề nhỏ. Nhiều DN trong ngành đã bỏ cuộc, đóng cửa sau thời gian đầu tư trang trại theo mô hình nông sản xanh, sạch do không có đầu ra vì giá thành cao.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, ở nước ngoài rau quả rất rẻ, vì như ở Mỹ, Úc... chỉ đi một kênh từ nông trại đến thẳng tay người tiêu dùng, qua một DN bao tiêu đầu ra. Trong khi ở Việt Nam, chế tài ràng buộc chưa có và sản phẩm từ người nông dân đến người tiêu dùng phải qua quá nhiều trung gian, dẫn đến mức giá chênh lệch cao.

Vấn đề này đang dần được cải thiện khi kênh bán hàng rau quả được trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGap hay Organic... ra đời, khi nhà đầu tư trực tiếp phân phối sản phẩm bao tiêu cho người nông dân. Tuy nhiên, có bao nhiêu DN làm được vấn đề này?

Hiện, thị trường TP.HCM xuất hiện một số cửa hàng chuyên về rau, củ quả sạch như: Cửa hàng Organik (Q.2, TP.HCM) của Công ty TNHH Liên doanh Organik, hệ thống cửa hàng Đà lạt Gap của Công ty TNHH Đà Lạt GAP, cửa hàng Organica (Q.3, Q.7) hay Hoa Sữa Foods (Q.1)... đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm sạch.

Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng đều tập trung ở khu vực dân cư có thu nhập cao, với giá bán ra đắt gần gấp 3 - 5 lần giá rau củ thường. Cụ thể như, các loại rau mầm, rau thơm có giá lên đến 130.000 đồng/kg, khoai lang, cà rốt, cà chua... dao động ở mức 40.000 - 70.000 đồng/kg.

Song, không phải tất cả đều là hàng hóa trong nước mà có đến khoảng 2/3 là nhập khẩu. Theo bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP, việc tạo hệ thống rau củ quả sạch là cần thiết, nhưng DN phải làm sao để người tiêu dùng có rau sạch, gạo sạch với giá rẻ. "Đây mới là bài toán các DN nên giải, chứ làm rau sạch giá cao thì ai cũng làm được hết", bà Tú Anh nói.

Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2014 có thể đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu mạnh trong năm nay bao gồm thanh long, xoài, nhãn, vải, vú sữa, chôm chôm, bưởi... Việt Nam hiện đang xuất mạnh các loại trái cây này vào thị trường New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan...

Nói thêm về vấn đề thương hiệu nông sản Việt, bà Vân cho rằng, đây là bài toán quốc gia. Ở những nước phát triển, họ có quy hoạch rõ ràng, đã là ngành trọng điểm của quốc gia, nhà nước phải đứng ra hỗ trợ để xây dựng thương hiệu. Nhưng khi xây dựng ngành phải nói đến xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng... để DN có thể làm ăn được.

Trong khi hàng hóa của Việt Nam còn quá nhỏ lẻ, manh mún, nên rất khó khăn cho DN. Khi nhắc đến thương hiệu rau củ quả Việt Nam là phải nhắc đến sự kết hợp đồng bộ của "bốn nhà” gồm: Nhà nước - nhà khoa học - nhà nhà nông - nhà DN. Thiếu một trong 4 yếu tố đó, xem như không thành công.

Thương hiệu trái cây: Chăm bón từ rễ

Dù nổi danh là đặc sản trái cây vùng miền như xoài cát Hòa Lộc, quýt hồng Lai Vung, cam sành Tam Bình, hay nhãn lồng Hưng Yên..., song những loại trái này vẫn là những cái tên vô danh ở thị trường nước ngoài với giá bán rẻ mạt.

Theo chia sẻ của bà Trang Như, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xúc tiến Thương mại Sài Gòn, mỗi tháng công ty của bà xuất khẩu bình quân 150 tấn trái cây tươi. Thế nhưng Công ty lại chưa hề xuất khẩu được các loại trái cây vốn nổi tiếng ngon ở quê hương Đồng Tháp của bà.

Thăm trang trại xoài cát Hòa Lộc, một điểm sáng của tỉnh Đồng Tháp về nông nghiệp, bà Như tận mắt chứng kiến xoài sau thu hoạch được đóng sọt bán cho thương lái Trung Quốc, và chủ nhiệm HTX rất tự hào khi bán được giá cao. Tuy nhiên, khi hỏi "để giá bán cao hơn nữa thì phải làm sao", thì hầu như mọi người không ai trả lời được.

Tại một HTX nhãn ở Châu Thành, nhãn bán lẻ với giá 45.000 đồng/kg, bán sỉ hai tấn sẽ giảm 2.000 đồng/kg. "Và khi tôi hỏi bán sỉ 20 tấn thì giá ra sao, câu trả lời cũng là giảm 2.000 đồng/kg. Đây là điều tôi cảm thấy tiếc cho nông dân Việt Nam, vì họ chưa có bất cứ một khái niệm nào trong việc làm sao để bán sản phẩm có giá cao hơn.

Đây là vấn đề Nhà nước nên xem xét, đặc biệt là quan tâm khâu bảo quản trái cây sau thu hoạch, yếu tố quyết định 20% - 30% giá trị thành phẩm, trước khi nghĩ đến vị thế trái cây Việt Nam nơi xứ người ", bà Như nói.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, cố vấn HĐQT Tổ chức Lãnh đạo Marketing cấp cao Khu vực châu Á - Thái Bình Dương: "Tôi đi nhiều nước và nhận thấy hầu như không ai hỏi về trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, có người hỏi về cà phê Việt Nam vì họ biết Việt Nam xuất khẩu rất nhiều cà phê, nhưng họ cũng hỏi tại sao chưa thấy một thương hiệu cà phê Việt Nam?

Như vậy, thực tế là chúng ta không có thương hiệu, kể cả thương hiệu DN và thương hiệu quốc gia cho trái cây cũng như cà phê. Thương hiệu phải xây dựng tốt ở hai góc độ DN và quốc gia thì mới cùng lúc đi ra nước ngoài được", bà Vân phân tích. Bà Vân cho rằng, không có sự hỗ trợ từ quốc gia sẽ rất khó cho các DN tự thân xây dựng thương hiệu.

Vì trong những đánh giá về thương hiệu của các tổ chức trên thế giới có đánh giá thương hiệu quốc gia. Có thương hiệu quốc gia thì thương hiệu DN mới có thể phát triển mạnh.

Thừa nhận vấn đề này, đại diện của Công ty Linh Anh chia sẻ, nông sản Việt Nam xuất đi các nước rất khó: "Chúng tôi làm trong ngành rau củ sấy khô đã 6 năm rồi, nhưng không thể nào đáp ứng được các tiêu chí nhập khẩu!".

Từ kinh nghiệm kinh doanh chuối Laba Đà Lạt, ông Lê Sĩ Công hoàn toàn đồng tình khi cho rằng, DN muốn xây dựng thương hiệu mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể như vùng nguyên liệu, thì sẽ không có kết quả.

> Xuất khẩu trái cây: Những trăn trở

> Kiểm dịch trái cây Trung Quốc: Cưỡi ngựa xem hoa

> Thị trường giải khát: "Cửa mở" cho nước trái cây

> Xuất khẩu trái cây: Hy vọng ở vụ nghịch

> Xuất khẩu trái cây khô: Tiền tươi quanh năm

> Xuất khẩu trái cây, tôm cá khả quan

"Không có nguyên liệu tốt thì lấy đâu hàng tốt để làm thương hiệu? Đối tác tìm đến xem hàng hóa thì lấy gì cho họ xem? Trong khi trái cây muốn xuất khẩu thì phải đạt yêu cầu rất khắt khe về chất lượng.

Hiện Laba Đà Lạt vẫn là thương hiệu của tỉnh đăng ký, chúng tôi cũng rất muốn đăng ký thương hiệu quốc tế nhưng lực yếu, vùng nguyên liệu chưa nhiều. Chỉ sợ đến khi mình đủ lực thì biết đâu đã có DN nước ngoài đăng ký thương hiệu của mình rồi", ông Công lo lắng.

Ngay cả việc có hỗ trợ thì vẫn phải tính toán xem hỗ trợ hình thức nào là hợp lý nhất. Chẳng hạn, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh từng được chứng nhận Global GAP vào tháng 9/2008, với sự tài trợ 40 ngàn USD từ dự án "Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng hoá tại Việt Nam" do Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức, Công ty Metro Cash & Cary Việt Nam cùng tổ chức.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, không một đơn vị nào bỏ ra khoản chi phí để tái cấp chứng nhận Global GAP này. Nguyên nhân là do chi phí cao trong khi doanh nghiệp chưa thấy hiệu quả từ việc đầu tư này. Từ đó thương hiệu của loại trái cây có múi đặc sản này sa sút. Thêm vào đó là tình trạng sâu bệnh trên cây bưởi ngày càng phổ biến, giá bán sụt giảm đã khiến cho các nhà vườn giảm đầu tư.

Mãi đến gần đây, HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa mới được củng cố lại. Ban chủ nhiệm HTX cũng đang xúc tiến những thủ tục cần thiết tiến tới đề nghị tái cấp giấy chứng nhận Global GAP. Đây sẽ là giấy thông hành để đưa trái bưởi Năm Roi Bình Minh xuất khẩu sang châu Âu.

Theo HTX thì chỉ riêng thị trường nôi địa, mục tiêu đề ra là sẽ cung ứng 100 tấn bưởi/ tháng. Tuy nhiên, do khả năng tài chính còn hạn chế nên hiện chỉ mới đáp ứng 30%, nên cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ ngành chức năng cũng như chính quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái cây, rau củ Việt Nam: Hái trái non
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO