Thực tế ảo trong ngành công nghiệp game

H.N/DNSGCT| 27/12/2016 03:31

Sự phát triển của công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR) hứa hẹn mở ra một chân trời mới cho ngành công nghiệp game.

Thực tế ảo trong ngành công nghiệp game

Sự phát triển của công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR) hứa hẹn mở ra một chân trời mới cho ngành công nghiệp game. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mà các nhà sản xuất cần vượt qua trong tương lai.

Xu hướng tiềm năng

Mang đến trải nghiệm khác biệt cả về mặt thị giác lẫn thính giác, tiềm năng và sức hấp dẫn của VR hứa hẹn đủ khả năng thu hút và lôi cuốn người chơi.

Giờ đây, chỉ với một chiếc kính VR, người dùng hoàn toàn có thể đắm chìm vào thế giới ảo của riêng mình, đồng thời nhập vai vào nhân vật trong game mà không còn phải phụ thuộc bàn phím, chuột hay máy chơi game.

Thay vì chỉ bắt một chú Pokemon thông qua màn hình điện thoại, người dùng có thể sử dụng kính VR để hóa thân thành một nhà huấn luyện thú ảo thực thụ, cùng đồng hành để vượt qua các thử thách và khó khăn trong trò chơi. “Tôi đã được trải qua những cảm xúc mà tôi nghĩ không có cách nào tái hiện lại. Đó là cảm giác sợ hãi thật sự, một cảm giác thật kỳ diệu”, Jeff Gardiner - trưởng nhóm thiết kế tựa game tầm cỡ Fallout 4 chia sẻ về trải nghiệm chơi game trong môi trường thực tế ảo.

“VR sẽ trở thành xu thế chính trong nhiều năm tới... VR không chỉ là công nghệ cao cho giải trí mà còn đi kèm tính cá nhân, giúp mỗi người có thể sáng tạo và thỏa sức khám phá với những cảm xúc rất riêng, điều đang dần bị đánh mất trong ngành công nghiệp game hiện nay”, Tom Lee - Giám đốc sáng tạo của Team Ninja, nhà sản xuất chính của serie game đình đám Dead or Alive khẳng định.

Vẫn còn đó những hạn chế

Tiềm năng là thế nhưng thực tế ảo cũng đang đứng trước nhiều thách thức không dễ vượt qua, nổi bật trong số đó chính là giá cả, ứng dụng và sự tiện dụng. Có thể thấy, thị trường VR ngày càng trở nên sôi động bởi sự tham gia của rất nhiều nhà sản xuất khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó được bán ra với mức giá khá cao, dao động trong khoảng từ 600 - 800 USD.

Trở ngại về giá cả khiến người tiêu dùng khó tiếp cận với công nghệ thực tế ảo. Thế nhưng, trong trường hợp đáp ứng được yêu cầu tài chính, liệu hệ thống “đồ sộ” đó có thực sự phát huy hết giá trị như số tiền mà người mua bỏ ra? Hiện tại, số lượng ứng dụng, đặc biệt là game VR vẫn còn hạn chế, trong khi những game được hỗ trợ có tính tương tác khá thấp, không đáp ứng được nhu cầu của người chơi.

Là nhà sản xuất tham gia vào thị trường thực tế ảo từ lâu, Hãng công nghệ Samsung đã tận dụng sự trợ giúp của nhiều ông lớn trong ngành như Facebook để cho ra đời kính thực tế ảo Gear VR. Bên cạnh đó, Hãng cũng cung cấp nhiều nội dung thực tế ảo với định hướng phong phú hơn (có hơn 3.000 ứng dụng VR trên trình duyệt web Gear VR và một kho ứng dụng "đồ sộ" trên Oculus Store).

Với sự góp mặt của nhiều ông lớn, tiêu biểu là mối quan hệ hợp tác giữa Samsung và Facebook, người dùng có quyền hy vọng về một tương lai phát triển của công nghệ thực tế ảo không chỉ trong ngành game mà còn trong nhiều ngành công nghiệp khác nữa.

>Công nghệ rẻ từ Trung Quốc: Đâu là điểm dừng?

>Trí tuệ nhân tạo - cuộc đua tỷ đô

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực tế ảo trong ngành công nghiệp game
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO