Thực phẩm VietGAP: Khi Nhà nước và doanh nghiệp chung tay

HỒNG NGA| 17/12/2015 08:34

Thực phẩm an toàn là nhu cầu của người tiêu dùng và vì thế, mô hình phân phối thực phẩm VietGAP do Sở Công Thương triển khai đã được doanh nghiệp và người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Thực phẩm VietGAP: Khi Nhà nước và doanh nghiệp chung tay

Thực phẩm an toàn là nhu cầu của người tiêu dùng (NTD) và vì thế, mô hình phân phối thực phẩm VietGAP do Sở Công Thương triển khai đã được doanh nghiệp (DN) và người dân nhiệt tình hưởng ứng. Thế nhưng, để thực phẩm VietGap phủ rộng đến tất cả các kênh phân phối thì cần có thời gian.

Đọc E-paper

Để giải quyết bài toán "thực phẩm bẩn", mới đây, Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai mô hình phân phối thực phẩm VietGAP. Với 246 điểm bán của 5 DN sản xuất và phân phối, TP.HCM trở thành địa phương đầu tiên bước đầu thành công với thực phẩm VietGAP.

Chuỗi thực phẩm an toàn

Hệ thống các điểm bán hàng thực phẩm được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT), thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP do Sở Công Thương TP.HCM triển khai vừa được công bố.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, 5 đơn vị (Saigon Co.op, Satra, Vissan, Sagrifood, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào) với 246 điểm bán đã đăng ký phân phối thực phẩm (rau củ qua, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm) VietGAP, GlobalGAP, HACCP.

Các sản phẩm này sẽ được quản lý theo đúng quy trình chỉ dẫn địa lý đến nơi giết mổ và điểm bán cuối cùng nhằm giúp người dân an tâm mua sắm.

Trong đó, Satra phân phối rau an toàn và thịt heo VietGAP tại các siêu thị Satramart, Satrafood. Vissan cung ứng thịt heo đạt chuẩn VietGAP và thịt bò đạt chuẩn Escas (quy trình giết mổ nhân đạo và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opFood, Satrafood và 31 cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan.

Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) cung ứng thịt heo VietGAP, thịt gà tam hoàng và thực phẩm chế biến được chứng nhận chuỗi TPAT tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op và 5 cửa hàng trực thuộc.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Anh Đào phân phối rau củ quả đạt chuẩn VietGAP tại hai 2 cửa hàng tiện lợi ở quận 1 và Phú Nhuận.

Riêng Saigon Co.op thì phân phối 4.000 mặt hàng lương thực TPAT đạt chuẩn ISO, HACCP, GMP và 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà, trứng gà và thịt heo đạt chuẩn VietGAP tại 176 điểm bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và Co.opFood.

Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, thịt heo VietGAP là chiến lược tiếp cận thị trường của Vissan vì an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm là sứ mệnh và trách nhiệm của Vissan.

VietGAP là một công đoạn trong quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Điều này thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, mang đến TPAT cho NTD.

Hiện heo VietGAP chiếm 40% (khoảng 500 con) trong tổng lượng thịt heo Vissan cung ứng ra thị trường hằng ngày. Trong thời gian tới, Vissan sẽ tăng lượng heo VietGAP lên 100%.

"Từ trước tới nay Vissan vẫn thu mua, giết mổ và bán thịt heo có kiểm soát chặt chẽ về chất lượng (gồm cả thịt heo VietGAP), tuy nhiên do số lượng còn ít, nguồn cung chưa ổn định nên chưa công bố. Nay, trước yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa nên chúng tôi tách bạch hai nguồn hàng: thịt heo có kiểm soát và thịt heo VietGAP để NTD lựa chọn, kiểm tra", ông Văn Đức Mười nói.

Trước khi Sở Công Thương công bố mô hình phân phối thực phẩm VietGAP, vào đầu tháng 10, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ cũng đã đưa thịt heo VietGAP - sản phẩm của Dự án cạnh tranh nông nghiệp và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) TP.HCM triển khai ra bán tại chợ Hòa Bình.

Theo ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT, việc mở quầy thịt heo VietGAP tại chợ đã khép kín chuỗi sản xuất heo an toàn trên địa bàn Thành phố đồng thời giúp NTD có nơi để lựa chọn thịt heo an toàn trong bối cảnh thịt heo bẩn và heo chứa chất tạo nạc xuất hiện ngày một nhiều.

Bà Nguyễn Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết, với dây chuyền giết mổ hơn 3.000 con heo/ngày, An Hạ hoàn toàn đủ sức bao tiêu heo VietGAP để thúc đẩy phong trào chăn nuôi heo sạch.

Hiện tại, ngoài cung ứng cho các nhà hàng, bếp ăn của các xí nghiệp, trường học, bệnh viện..., thịt heo VietGAP của An Hạ đã được bán tại 7 chợ (Hòa Bình, Bà Chiểu, Tân Định, Bàn Cờ...) tại TP.HCM.

Với những chương trình đang triển khai, TP.HCM đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công bước đầu mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc "từ trang trại đến bàn ăn".

Tăng nguồn cung

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, 246 điểm bán thực phẩm VietGAP là bước khởi đầu để Thành phố đưa TPAT đến với người dân. Sau đợt "ra quân" đồng loạt của 5 DN nêu trên, thực phẩm VietGAP sẽ tiếp tục được triển khai tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản Hóc Môn.

Để phổ biến thực phẩm VietGAP, từ năm 2013, Sở Công Thương TP.HCM đã ký kết với Saigon Co.op thử nghiệm tổ chức khu vực riêng biệt tại các siêu thị Co.opmart để phân phối sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn VietGAP, giúp NTD dễ dàng phân biệt, lựa chọn, an tâm mua sắm và tiêu dùng.

Cùng với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT cũng đã triển khai dự án thịt heo VietGAP nhằm tạo chuỗi liên kết từ thức ăn đến chăn nuôi, giết mổ và phân phối, qua đó, giúp người chăn nuôi giảm chi phí trung gian, chi phí đầu tư và NTD được sử dụng thịt heo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Dự án được Ngân hàng Thế giới cho vay với 79 triệu USD, thực hiện tại 12 tỉnh - thành trong đó có TP.HCM với mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm trong sản phẩm động vật, và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn.

Sở đã phối hợp dự án Lifsap cấp giấy chứng nhận cho hơn 740 cơ sở và hộ chăn nuôi heo đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng đàn heo hơn 45.000 con.

Bình quân mỗi ngày, số heo thịt chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho thị trường khoảng 300 con. Dự án đã tạo được vùng an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi heo tại 9 xã thuộc Củ Chi và Hóc Môn với hơn 800 hộ.

Đến thời điểm này, TP.HCM đã có 646 hộ nuôi heo đạt chứng nhận VietGAP với tổng đàn heo 41.000 con và dự kiến sẽ có thêm 95 hộ chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP vào cuối năm nay.

Ngoài hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho người chăn nuôi, dự án còn đầu tư nâng cấp đường sá, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, quầy sạp, tủ cho 1.257 sạp của 25 chợ trên địa bàn TP.HCM.

Cùng với đó, Thành phố đã cấp chứng nhận trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích hơn 346ha cho 711 tổ chức, cá nhân.

Đầu tư phát triển thực phẩm VietGAP không chỉ có các cơ quan chức năng mà còn có sự tham gia tích cực của DN. Đơn cử là Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Phát triển nông nghiệp VinEco (thuộc Vingroup).

Sau 6 tháng triển khai, rau hữu cơ và rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP của VinEco đã được bán tại hai hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+.

Mỗi ngày, VinEco cung ứng cho thị trường hơn 30 tấn rau các loại (rau muống hạt, mướp đắng, rau dền đỏ, rau dền xanh, rau lang ngọn, rau bí, xà lách, dưa chuột...) đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Theo đại diện của Vingoup, vào cuối năm nay sẽ có gần 4.000 tấn rau đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP được VinEco đưa ra thị trường.

Trong khi đó, Metro mỗi ngày thu mua 35 tấn rau củ quả tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Là một trong 6 đối tác phối hợp với Sở NN&PTNT, Metro đã xây dựng chuỗi cung ứng thủy hải sản chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường bằng việc đầu tư xây dựng trạm trung chuyển cá tại Cần Thơ.

Sau hơn 3 năm triển khai, trạm trung chuyển này đã mua hơn 7.000 tấn thủy sản cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tương tự, để có nguồn rau an toàn cho NTD, Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của Co.opmart) đã hỗ trợ phát triển rau an toàn như ứng vốn cho các HTX rau sạch ở Thành phố và tỉnh Lâm Đồng có thêm điều kiện sản xuất, tổ chức các chương trình khuyến mãi dành cho rau củ quả VietGAP.

Trước đó, trong năm 2013, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống tại KCN Sóng Thần, đầu tư dây chuyền sơ chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời nâng cấp hai trung tâm phân phối thực phẩm thiết yếu tại Bình Dương và Cần Thơ với mục tiêu tăng cường thực phẩm tiêu chuẩn VietGAP.

>Thịt heo sạch VietGAP: Xuống chợ

>Trồng ớt tiêu chuẩn VietGap lãi 300 triệu đồng/ha

> Thủy sản đuối với VietGAP

>Cá tra “chuẩn VietGAP” vẫn khó kiếm đầu ra

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực phẩm VietGAP: Khi Nhà nước và doanh nghiệp chung tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO