Thu hút nhà đầu tư ngoại: "Cơn khát" danh mục tốt

NGỌC ANH - NGUYÊN BẢO - TUYẾT ÂN| 19/08/2017 06:29

Đã đến lúc, Việt Nam cần chú trọng hơn vào tăng trưởng giá trị chứ không đơn thuần về số lượng đầu tư, nhằm đảm bảo nguồn vốn gia nhập dài hạn, tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

Thu hút nhà đầu tư ngoại:

Nửa đầu năm 2017, Việt Nam ghi nhận sự chuyển biến tích cực của dòng vốn ngoại, qua cả hai kênh FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) và FII (đầu tư gián tiếp nước ngoài). Có thể thấy rõ nhiều khoản đầu tư hiệu quả, nhà đầu tư tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tạo sự sôi động thị trường, đồng thời có lãi lớn sau khi thoái vốn.

Ở kênh FDI, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm nay, có gần 550 dự án đăng ký điều chỉnh, với tổng vốn tăng thêm là 5,14 tỷ USD, tăng gần 36% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Việt Nam còn đón nhận hơn 2.500 lượt góp vốn, mua cổ phần từ nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cùng kỳ.

Tại kênh FII, với sự sôi động chung của hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) toàn khối ASEAN, Việt Nam trở thành điểm sáng, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan là những quốc gia tích cực triển khai M&A ở Việt Nam nhất. Ở hoạt động M & A, theo quan sát của ông Phạm Văn Thinh - Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam thì tuy giá trị giao dịch 6 tháng đầu năm nay chưa có dấu hiệu đột phá, nhưng thị trường M&A Việt Nam vẫn rất sôi động, với số lượng thương vụ tập trung ở quy mô nhỏ và vừa.

Theo đó, các thương vụ M&A tiêu biểu trong nửa đầu năm 2017 có thể kể đến như SCG (Thái Lan) mua 100% vốn ở Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Việt Nam, KKR (Mỹ) đầu tư vào Masan, Earth Chemical (Nhật) thâu tóm toàn bộ công ty A Mỹ Gia, Công ty Sekisui Chemical (Nhật) trở thành đối tác chiến lược của Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam (Tiền Phong Nam), Singhan Bank mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ...

Biểu đồ hoạt động M&A 2006-2017

Biểu đồ hoạt động M&A 2006-2017

Thực tế cho thấy một số ngành như hóa chất, FMCG, vật liệu xây dựng... luôn có sức hút với nhà đầu tư châu Á. Chẳng hạn, trong cái "bắt tay" giữa Sekisui Chemical và Tiền Phong Nam, phía nhà đầu tư Nhật Bản nhìn nhận, hiện nay nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nhựa tại thị trường Nhật Bản hàng năm vào khoảng trên 10 tỷ USD, do vậy, Nhật Bản là thị trường nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam.

Vài năm trở lại đây, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang thị trường này chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam. Theo Sekisui Chemical, với xu hướng thay thế các sản phẩm có truyền thống sử dụng nguyên liệu từ thủy tinh, gỗ, giấy như ống nước, chai, lọ, tủ... bằng các sản phẩm nhựa, doanh nghiệp Việt Nam nên có chiến lược đầu tư công nghệ hiện đại, nghiên cứu sản phẩm và khảo sát các thị trường tiềm năng.

Vì lẽ đó, sự hợp tác giữa hai bên sẽ góp phần gia tăng sức mạnh nội lực, tiềm năng phát triển vượt trội cho cả hai bên trong tương lai, cũng như tăng cường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Trong lúc đó, trên thị trường chứng khoán, thống kê từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia chỉ ra, tính đến tháng 7/2017, giá trị mua ròng của khối ngoại về trái phiếu lẫn cổ phiếu là khoảng 1,2 tỷ USD. Đây là giá trị mua ròng cao nhất của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán kể từ năm 2011 đến nay. 

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, quy mô thị trường đã đạt mức 52% GDP vào tháng 6/2017, chỉ số VNIndex tăng gần 20% và vượt mức 756 điểm cùng thanh khoản hai sàn đạt mức 3.000 tỷ đồng mỗi phiên... là những yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán. Theo thống kê chung, tổng giá trị thị trường trong nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ ước đạt 25,4 tỷ USD, tăng 25% so với cuối năm 2016.

Điểm đặc biệt là "nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đang muốn mua lại cổ phần của các quỹ tư nhân tại Việt Nam. Họ tin tưởng rằng, các doanh nghiệp đã được quỹ ngoại đầu tư từ lâu thì sẽ có hệ thống quản trị tốt và chiến lược kinh doanh bài bản", ông DiGiacomo - Giám đốc Quỹ BDA Partners nhận định. Những doanh nghiệp này khởi nguồn là công ty gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã phát triển mạnh mẽ, quản trị bài bản sau khi có sự tham gia điều hành của các quỹ ngoại.

Ông Andy Hồ - CEO của VinaCapital từng nêu trường hợp điển hình ở Dược Hậu Giang. Tháng 7 năm ngoái, Công ty TNHH Dược phẩm Taisho (Nhật Bản) đã quyết định mua lại 24,5% cổ phần tại Dược Hậu Giang từ các quỹ ngoại đã đầu tư từ lâu gồm VinaCapital, Dragon Capital, Fullerton, Nikko New Age Asia Equity và Mekong Portfolio Investment Limited trong thương vụ trị giá gần 100 triệu USD.

Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận các trường hợp như Mekong Capital sau nhiều năm đầu tư đã bán bớt cổ phiếu MWG qua nhiều đợt, cho các nhà đầu tư ngoại để thu về lợi nhuận khủng, gấp 10 - 11 lần so với con số ban đầu. Hay China Forture Land (Trung Quốc) nhận chuyển nhượng Đại Phước Lotus từ VinaCapital. Mới đây hơn, 4 nhà đầu tư gồm Deutsche Bank AG London, Ntasian Emerging Leaders Master Fund, Consilium Frontier Equity Fund, L.P và Ntasian Emerging Leaders đã nhận chuyển nhượng hơn 5,8 triệu cổ phiếu FPT từ The Caravel Fund, Amersham Industries và Norges Bank (thuộc Dragon Capital)...

Thực tế, FPT, VNM, PNJ, MWG... vẫn là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng và tìm cách gia tăng nắm giữ. Đến thời điểm này, soi danh mục của các quỹ đầu tư, từ các quỹ ETFs đến các quỹ đầu tư cổ phần lâu năm như VOF của VinaCapital, VEIL của Dragon Capital thì các cổ phiếu được chọn lựa vào rổ hoặc đứng đầu danh mục chủ yếu đều thuộc nhóm bluechip như VNM, VIC, MWG, PNJ, HPG, FPT, SAB...

Rõ ràng các quỹ đầu tư vẫn khát hàng tốt, còn tiềm năng tăng trưởng và sẵn sàng trả giá xác đáng cho người đi trước để được quyền sở hữu. Điều này lý giải vì sao nửa đầu năm nay, khối ngoại tuy bán ròng về khối lượng trên sàn HOSE nhưng xét về giá trị giao dịch thì lại ghi nhận mua ròng.

Ở chiều bán, Mekong Capital, VinaCapital, Dragon Capital có xu hướng bán bớt cổ phần tại một số doanh nghiệp nắm giữ đã lâu, để cơ cấu lại danh mục. Đây là hoạt động bình thường khi quỹ đầu tư đạt được mục tiêu lợi nhuận cũng như thay đổi chiến lược cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, như Quỹ Vietnam Azalea (VAF) của Mekong Capital vừa thoái vốn khỏi Lộc Trời liền ngay khi Tập đoàn này lên sàn bởi thời hạn hoạt động của quỹ sắp hết.

Nhưng song song đó, Mekong Capital vẫn tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới vào doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa niêm yết, có tiềm năng tăng trưởng, có thể kế đến những khoản đầu tư gần đây như việc bỏ vốn vào ABA Cooltrans (đơn vị dẫn đầu về cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tại thị trường trong nước) hay đầu tư vào Nhất Tín Logistics...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hút nhà đầu tư ngoại: "Cơn khát" danh mục tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO