Thị trường mùa Tết: Tăng nguồn thực phẩm an toàn

MINH HÀO - THANH NGÂN| 01/01/2016 08:34

Điểm nổi bật nhất trong mùa Tết này là các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường phải đạt chứng nhận VietGAP...

Thị trường mùa Tết: Tăng nguồn thực phẩm an toàn

Mùa Tết năm nay sẽ không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá và người tiêu dùng (NTD) sẽ có cơ hội sử dụng thực phẩm an toàn khi chương trình bình ổn giá và thực phẩm VietGAP được cơ quan chức năng và doanh nghiệp (DN) đồng loạt triển khai.

Đọc E-paper

Theo Sở Công Thương TP.HCM, năm nay, nguồn hàng Tết được các DN chuẩn bị tăng hơn 10% so với chỉ tiêu Thành phố giao và tăng khảng 40% so với Tết Ất Mùi.

Tổng giá trị nguồn hàng cung ứng Tết lên đến 16.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Thành phố đã triển khai trên 9.200 điểm bán hàng theo chương trình bình ổn giá.

Trong đó, hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu là 3.691 điểm, từ nay đến Tết sẽ triển khai thêm 250 điểm và 400 chuyến bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa. Hỗ trợ DN chuẩn bị nguồn hàng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đã dành khoảng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ vay ưu đãi cho các DN.

Cũng theo Sở Công Thương, hàng Tết có 3 nguồn chính: từ DN tham gia chương trình bình ổn giá, chiếm 30 - 40%, các chợ đầu mối có số lượng tương đương, còn lại là các nguồn khác.

Trong đó, mặt hàng rau củ quả tại các chợ đầu mối bình quân đạt 8.000 tấn/đêm, cung ứng 60 - 70% nhu cầu thị trường. Vào các ngày cao điểm Tết, lượng rau củ quả sẽ tăng 15.000 tấn/đêm.

Rượu bia, nước giải khát dự kiến tiêu thụ khoảng 40 - 45 triệu lít trong tháng Tết, tăng 30% so với tháng thường. Hoa tươi cho Tết cũng sẽ tăng lên 1.500 tấn/ngày vào dịp cận Tết.

Điểm nổi bật nhất trong mùa Tết này là các DN tham gia bình ổn thị trường phải đạt chứng nhận VietGAP. Hiện các DN bình ổn đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, trong đó có nhiều nhóm hàng có khả năng chi phối đến 35 - 52% nhu cầu thị trường.

Cụ thể, thịt gia cầm chiếm 51,7%, đường: 47,4%, trứng gia cầm: 44,6%, thực phẩm chế biến: 38,3%...

Bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết: "Các DN muốn tham gia bình ổn thị trường Tết năm nay phải đạt chứng nhận VietGAP. Năm trước, 8 DN ở các tỉnh tham gia bình ổn hàng Tết tại TP.HCM đều có hàng đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Vì vậy, năm nay, tất cả các DN tham gia phải đáp ứng tiêu chuẩn này". Để NTD phân biệt hàng VietGAP và hàng thường, Sở Công Thương đã yêu cầu các siêu thị xây dựng các khu vực riêng biệt cho hàng VietGAP.

Theo bà Đào, việc cung ứng sản phẩm an toàn, chất lượng đến người dân là mục tiêu đặt ra từ đây đến Tết. "Bên cạnh việc triển khai thực phẩm VietGAP, năm nay, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các hệ thống phân phối, kho hàng chợ đầu mối...

Nếu các DN kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử phạt và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng", bà Lê Ngọc Đào nói. 

246 điểm bán thực phẩm an toàn

Theo Sở Công Thương TP.HCM, đến nay, có 5 đơn vị đăng ký phân phối sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, HACCP trên địa bàn Thành phố với 246 điểm bán.

Trong đó, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đăng ký phân phối rau an toàn và thịt heo VietGAP.

Công ty Vissan cung ứng thịt heo VietGAP và thịt bò đạt chuẩn Escas (quy trình giết mổ nhân đạo và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm).

Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) cung ứng thịt heo, thịt gà tam hoàng và thực phẩm chế biến.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào phân phối rau củ quả VietGAP, GlobalGAP...

Saigon Co.op phân phối 4.000 mặt hàng lương thực đạt chuẩn ISO, HACCP, GMP và 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà, trứng gà và thịt heo đạt chuẩn VietGAP tại 176 điểm bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và Co.opFood.

Cùng với việc triển tra, kiểm soát các hệ thống phân phối, Sở Công Thương TP.HCM đã chỉ đạo ban quản lý 240 chợ truyền thống vận động tiểu thương, NTD không tham gia mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết.

Không chỉ mang đến nguồn thực phẩm an toàn cho NTD, các DN và cơ quan chức năng còn khẳng định sẽ giữ giá ổn định.

Tại cuộc họp với Sở Công Thương chiều ngày 18/12, các DN cam kết giữ giá ổn định hai tháng trước, trong và sau Tết. Không chỉ vậy, nhiều mặt hàng thậm chí còn giảm giá bán trong dịp này.

Trong đó, giá thịt gia súc được DN cho biết sẽ giảm 5 - 10%, thịt gia cầm giảm 10%, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm từ 5 - 7%, rau củ qua, hải sản... giảm từ 15 - 20%.

Theo ông Phạm Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty Ba Huân, bên cạnh việc liên kết với bà con nông dân xây dựng một số trang trại chăn nuôi gà thịt, trang trại chăn nuôi gia cầm của Ba Huân đã tăng tổng đàn lên 1 triệu con, trong đó có 700.000 con gà đẻ trứng nên nguồn cung trứng và thịt gia cầm Tết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu và giá cả sẽ ổn định.

Ngoài nguồn hàng đăng ký chương trình bình ổn giá, Ba Huân đã dự trữ một lượng hàng lớn phòng khi thị trường biến động sẽ tung ra bán.

Cũng như Ba Huân, ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, Công ty cam kết không tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán.

Dự kiến, trong 3 ngày cận Tết (27, 28, 29 tháng Chạp), Vissan sẽ giảm giá thịt heo tại siêu thị và cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại TP.HCM nhằm chia sẻ với người lao động.

Ngoài phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thịt gia súc tươi sống, an toàn của Vissan sẽ được đưa ra 174 sạp chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố.

>Thị trường mùa Tết: Doanh nghiệp tung hàng

>Thị trường mùa Tết: Hệ thống phân phối sẵn sàng

> Thực phẩm VietGAP: Chưa thể "về đích"

>Thịt heo sạch VietGAP: Xuống chợ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường mùa Tết: Tăng nguồn thực phẩm an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO