OTT: cuộc đua mới

HOÀNG HÀ| 12/03/2014 00:36

Cuộc chạy đua của các ứng dụng gửi tin nhắn và gọi điện miễn phí internet (OTT) có thể thay đổi diện mạo ngành công nghiệp viễn thông và cách thức giao tiếp của người dùng?

OTT: cuộc đua mới

Cuộc chạy đua của các ứng dụng gửi tin nhắn và gọi điện miễn phí internet (OTT) có thể thay đổi diện mạo ngành công nghiệp viễn thông và cách thức giao tiếp của người dùng?

Đọc E-paper

Giá trị của các công ty cung cấp các ứng dụng gửi tin nhắn và gọi điện miễn phí internet (OTT) đang tăng vọt khi số lượng người sử dụng ngày một tăng. Facebook chi ra tới 19 tỷ USD mua lại WhatsApp 5 ngày sau khi công ty thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản Rakuten mua Viber với giá 900 triệu USD. SoftBank đang tìm cách mua một cổ phần của Line. Ngay cả BlackBerry, với 85 triệu người sử dụng dịch vụ nhắn tin BBM, cũng trở thành một thương vụ được nhiều nhà đầu tư nhòm ngó.

> Nhà mạng - OTT: Ép duyên có nên chuyện?

> Nhà mạng và OTT: bên công bên thủ

> Trong tháng 3 sẽ xây dựng chính sách quản lý dịch vụ OTT

Mua các dịch vụ như WhatsApp là cách nhanh nhất giúp các công ty công nghệ như Facebook có thêm hàng chục triệu khách hàng. Bên cạnh đó, dịch vụ miễn phí này lại là "mỏ vàng" tương lai cần được khai thác. Theo dự báo của BI Intelligence, dịch vụ OTT sẽ vươn lên con số 7 tỷ USD doanh thu toàn cầu trong năm 2016, chủ yếu nhờ thu phí tải ứng dụng, tích hợp quảng cáo, bán sticker, game...

Dịch vụ này đang tạo nên những thay đổi lớn trong ngành công nghiệp di động trong tương lai gần. Những người khổng lồ trong lĩnh vực internet như Facebook, Apple, Google đều đã nhảy vào mỏ vàng này và cạnh tranh nhau quyết liệt (các công ty này đều đã tung ra những công cụ nhắn tin miễn phí tương ứng là Facebook Messenger, iMessage và Hangouts).

Nhưng các dịch vụ OTT đang phải đối mặt với áp lực phải mở rộng và cạnh tranh. Mặc dù có số người sử dụng là 450 triệu trên toàn thế giới có một vị trí thống trị ở Mỹ nhưng WhatsApp vẫn đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh khó chịu ở châu Á. WeChat, thuộc sở hữu của Công ty Tencent, là dịch vụ nhắn tin hàng đầu của Trung Quốc với 272 triệu người sử dụng. Kể từ khi Facebook bị cấm ở Trung Quốc, WhatsApp có thể sẽ gặp nhiều trở ngại tại thị trường đông dân nhất thế giới này.

Trong khi đó, KakaoTalk hiện đang dẫn đầu ở thị trường Hàn Quốc, chiếm 93% thị phần dịch vụ OTT của thị trường 36 triệu người sử dụng smartphone. Dịch vụ Line của Công ty Naver, Hàn Quốc, có 370 triệu người sử dụng và đang mở rộng ở Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan. Doanh thu trong quý IV/2013 của Line đã tăng hơn 5 lần, lên 12,2 tỷ yên (120 triệu USD), từ mức 2,2 tỷ yên một năm trước đó.

Trước sự bành trướng của các dịch vụ OTT, Yahoo! Nhật Bản đã phải đóng cửa dịch vụ Yahoo! Messenger của mình trong vài tháng tới. Năm ngoái, Yahoo! đã từng từ bỏ thị trường Hàn Quốc nhưng bởi lý do tái cơ cấu. Facebook có sức mạnh tại các thị trường mới nổi và tạo ra rào cản đối với KakaoTalk và Line mở rộng tại các thị trường như Brazil và Indonesia.

Sự xuất hiện của Facebook khiến các dịch vụ OTT địa phương phải cung cấp một sản phẩm tốt hơn để cạnh tranh với WhatsApp. Theo Morgan Stanley, sau thương vụ của Facebook và WhatsApp, giá cổ phiếu của Naver giảm hơn 8%. Theo Bloomberg, nhà mạng hàng đầu Nhật Bản - SoftBank đang muốn mua cổ phần trong Line - ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí trên di động được định giá lên tới gần 15 tỷ USD.

Để cạnh tranh, WhatsApp tuyên bố sẽ bổ sung dịch vụ thoại miễn phí cho người dùng trong vài tháng tới. Trong khi Line, KakaoTalk, WeChat kiếm tiền bằng thu phí các trò chơi và các biểu tượng hoạt hình, thì WhatsApp mới chỉ thu 99 cent của người dùng mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
OTT: cuộc đua mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO