NHS sáp nhập BHS: Một cộng một bằng bao nhiêu?

NGỌC THỦY| 18/06/2014 06:10

Đường Ninh Hòa (NHS) về chung một nhà với Đường Biên Hòa (BHS). Liệu bước đi này của NHS có giúp Công ty phát triển tốt hơn?

NHS sáp nhập BHS: Một cộng một bằng bao nhiêu?

Đường Ninh Hòa (NHS) về chung một nhà với Đường Biên Hòa (BHS). Liệu bước đi này của NHS có giúp Công ty phát triển tốt hơn?

Đọc E-paper

Yếu nhập, mạnh cũng nhập

Ngày 12/6, Công ty CP Đường Ninh Hòa (NHS) đã đại hội cổ đông thường niên năm 2014. Một trong những nội dung quan trọng và dã được thông qua là NHS sẽ sáp nhập vào Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS). Cụ thể, BHS sẽ sở hữu 100% NHS theo phương thức phát hành thêm cổ phiếu BHS để hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phiếu NHS theo tỷ lệ 1:1. Sau khi hoán đổi cổ phiếu, BHS sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất 100% vốn điều lệ của NHS.

>Đường sẽ "ngọt" nhờ M&A
>Mía đường: Chọn lựa chính sách
>Ngọt, đắng cùng... đường
>"Nữ hoàng đường"

Thông tin này đã gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư vì sáp nhập giữa các doanh nghiệp đường chưa từng xảy ra. Đặc biệt, so về hoạt động, NHS không kém cạnh bao nhiêu so với BHS. Ở thời điểm cuối quý I/2014, nếu như BHS có vốn điều lệ gần 630 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 2.500 tỷ đồng thì vốn điều lệ của NHS đạt 607,5 tỷ đồng và tổng tài sản đạt trên 2.100 tỷ đồng.

Xét hiệu quả kinh doanh, NHS là doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả hơn. Trong khi BHS chỉ đạt LNST năm 2013 là 37 tỷ đồng trên mức doanh thu 2.928 tỷ đồng thì NHS lãi ròng đến 91 tỷ đồng dù doanh thu chỉ đạt 1.045 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ ngành nghề và nhìn trong lâu dài, nhà đầu tư phần nào hiểu được bước đi này của NHS. Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), các doanh nghiệp mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn về cả đầu vào lẫn đầu ra. Chi phí mía nguyên liệu đang chiếm tới 80 - 90% chi phí sản xuất đường của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, thu nhập của người trồng mía tính ra chỉ đạt khoảng 3,2 triệu đồng/ha/tháng, rất thấp so với việc trồng các loại cây khác. Điều này khiến người dân không thiết tha với cây mía, dẫn tới khan hiếm mía nguyên liệu và cạnh tranh trong thu mua mía nguyên liệu đã xảy ra.

Trong khi đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất đường lại chỉ chiếm 10-20%, cộng thêm năng suất sản xuất chỉ đạt khoảng 64 tấn/ha, thấp hơn 8,8% so với năng suất sản xuất trung bình của thế giới.

Tất cả đã khiến cho giá thành đường bán ra của Việt Nam luôn cao, từ 11-13 triệu đồng/tấn trong khi giá đường thế giới chỉ khoảng 7-10 triệu đồng/tấn. Điều này khiến đường trong nước bị thua ngay trên sân nhà, nhất là khi phải cạnh tranh với một lượng lớn đường nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan.

Thống kê từ Hiệp Hội Mía đường Việt Nam cho thấy, đang tồn tại tình trạng cung vượt cầu trong ngành mía đường. Cụ thể, nguồn cung đường ở Việt Nam hiện ở mức 1,84 triệu tấn trong khi đường tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 1,4 triệu tấn. Nếu cộng cả lượng đường xuất khấu ước khoảng 200.000 tấn thì vẫn còn dư ra khoảng 260.000 tấn.

Dù chỉ mới đi vào sản xuất được một phần ba niên vụ đường 2013 - 2014, nhưng các nhà máy đường hiện đang rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn vì lượng đường tồn kho tăng từng ngày, trong khi đường nhập lậu từ Thái Lan qua Campuchia, Lào rồi đổ vào Việt Nam kéo dài nhiều năm nay mà các ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Với tổng nguồn cung từ các nguồn sản xuất và nhập khẩu theo cam kết WTO sẽ đạt 2,046 triệu tấn đường trong niên vụ này sẽ là một áp lực lớn cho các nhà máy sản xuất đường cũng như người trồng mía.

Nhiều chuyên gia khẳng định, ngành mía đường đang bên "bờ vực phá sản" nếu không có các chính sách bảo hộ và tái đầu tư bài bản.

Đó là chưa kể, 90-95% đường xuất khẩu của Việt Nam là sang Trung Quốc. Nếu kênh xuất khẩu này bị tắc, lượng đường tồn kho trong nước sẽ càng tăng. Đặc biệt, sang năm 2015, khi Hiệp định AFTA có hiệu lực sẽ mở cửa cho đường ASEAN tràn vào Việt Nam không hạn chế về số lượng.

Rõ ràng, mặc dù đang kinh doanh ổn định và tăng trưởng nhưng NHS với quy mô vốn trung bình trong ngành, với đặc thù sản xuất chủ yếu đường kính trắng (RS), với hạn chế hoạt động trong khu vực năng suất mía thấp, với thị phần chưa mở rộng ra khắp cả nước, với việc phân phối đường dựa nhiều vào trung gian, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai.

1 + 1 = nhiều hơn 2

Lãnh đạo NHS cho biết, Công ty phấn đấu nâng công suất sản xuất lên 6.000 tấn mía/ngày và hướng tới 10.000 tấn mía/ngày vào năm 2020. Công ty cũng đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu lên trên 10.800 ha.

Ngoài ra, NHS cũng có tham vọng đầu tư hệ thống phát điện sử dụng bã mía làm nguyên liệu cung cấp cho lưới điện quốc gia với công suất 50.000 Mwh từ năm 2015, đầu tư sản xuất phân bón vi sinh...

Thực tế thì NHS đã có những đầu tư sâu hơn vào các công ty cùng ngành như đầu tư nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Đường Phan Rang lên 51,68%; tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Bò giống Miền Trung lên 62,92%; tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Mía đường nhiệt điện Gia Lai lên 22,98%; tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Đường Biên Hòa 0,37%; góp vốn để thành lập Công ty CP Nghiên cứu và ứng dụng mía đường Thành Thành Công với tỷ lệ sở hữu 14%; tham gia góp vốn thành lập Công ty TNHH Nhiệt điện Ninh Hòa với tỷ lệ sở hữu 100% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, sáp nhập vào BHS được hứa hẹn sẽ giúp NHS giải quyết triệt để hơn các hạn chế của mình.

BHS hiện đứng thứ hai về quy mô vốn và sản xuất trong tổng số 41 doanh nghiệp đường đang hoạt động. BHS sẽ hậu thuẫn cho NHS trong các vấn đề đầu tư. BHS lại là doanh nghiệp duy nhất sở hữu nhà máy đường luyện công nghệ Nhật Bản, cho phép BHS có thể sản xuất đường chất lượng cao mà không phụ thuộc vào vùng nguyên liệu.

Với lợi thế này, BHS có thể giúp NHS từ chủ yếu sản xuất đường RS sang sản xuất thêm các sản phẩm đường cao cấp, phù hợp thị hiếu tiêu dùng như đường tinh luyện (RE), đường Vitamin, đường phèn, đường vàng khoáng chất, đường nâu tự nhiên, rượu... BHS còn có hệ thống phân phối rộng khắp nên sẽ giúp NHS dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị phần.

Ở chiều ngược lại, thay vì phải đầu tư nhà máy mới với chi phí lớn, sáp nhập NHS vào BHS sẽ giúp BHS có thể tận dụng sản phẩm của NHS (đường RS) để làm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất đường tinh luyện với chất lượng cao hơn. Đặc biệt, sau sáp nhập, BHS sẽ có vùng nguyên liệu tăng gấp đôi, lên 23.500 ha, lớn nhất cả nước.

Đây được xem là lợi thế rất lớn bởi vùng nguyên liệu là yếu tố sống còn với các công ty mía đường. Sau sáp nhập, công suất nhà máy của BHS dự kiến sẽ tăng đáng kể, với 12.500 tấn mía/ngày. (BHS có công suất 6.500 tấn mía/ngày, NHS có công suất 6.000 tấn mía/ngày).

Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường, với công suất từ 10.000 tấn mía/ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được 1/3 chi phí so với nhà máy có công suất thấp hơn. Nghĩa là cái lợi có thể thấy ngay của sáp nhập là 2 công ty có thể giảm đáng kể chi phí sản xuất đường.

Việc kết hợp BHS và NHS dự kiến còn giúp cho hai công ty tiết giảm nhiều chi phí khác như chi phí vận chuyển, nghiên cứu và phát triển sản phẩm... Dưới góc độ quản trị tài chính, các chuyên gia cho rằng, quy mô công ty lớn hơn sẽ tạo điều kiện cho BHS thu hút nhân tài, nhân sự cao cấp trong ngành đường, đồng thời giúp BHS thuận lợi hơn trong thuyết phục ngân hàng cho vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
NHS sáp nhập BHS: Một cộng một bằng bao nhiêu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO