Nhìn ra biển và trách nhiệm của doanh nhân

BÙI KIẾN THÀNH| 22/01/2012 08:02

Việt Nam chưa có những tập đoàn kinh tế lớn. Tổng tài sản của các ngân hàng, tập đoàn lớn nhất chỉ khoảng một, hai chục tỷ USD, so với thế giới chỉ là "trẻ em". Nhưng không vì thế mà Nhà nước không tạo điều kiện cho những "em bé" này phát triển.

Nhìn ra biển và trách nhiệm của doanh nhân

Việt Nam chưa có những tập đoàn kinh tế lớn. Tổng tài sản của các ngân hàng, tập đoàn lớn nhất chỉ khoảng một, hai chục tỷ USD, so với thế giới chỉ là "trẻ em". Nhưng không vì thế mà Nhà nước không tạo điều kiện cho những "em bé" này phát triển.

Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nhân phải tư duy lại và chấp nhận luật chơi nghiêm khắc hơn. Ngoài việc chuẩn bị, sẵn sàng chớp thời cơ làm tới khi chính sách tiền tệ mở ra, doanh nhân cũng phải tìm kiếm cơ hội phát triển chứ đừng chờ Nhà nước tạo điều kiện.

Hướng ra ngoài, thế mạnh là biển

Quản lý nền kinh tế hiệu quả là mối quan tâm lớn của các chính phủ. Ngay sau khi lên làm Tổng thống Hàn Quốc, ông Park Chung-hee đã gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) trong nước với quan điểm:

“Hội nhập quốc tế thì phải có sức mạnh để tiến lên và việc kinh doanh là của DN, hãy tập trung vào thế mạnh để xây dựng thành các tập đoàn lớn. Nhà nước sẽ bảo lãnh các phương tiện để làm việc và cung cấp 100% vốn, miễn là DN phải đưa ra được dự án khả thi”.

Khi đó quy mô của Daewoo, Hyundai còn rất nhỏ, chỉ vài trăm nhân viên. Nhưng 10 năm sau, Daewoo đã có tới 50.000 nhân viên, Samsung trở thành số 1 thế giới về điện tử. Nhờ đường lối phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo, công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc đã rất thành công.

Việt Nam có thế mạnh về biển, hơn 3.000km bờ biển ở ngay trung tâm khu vực Bắc Á và Nam Á. Để khai thác, phát triển được hết thế mạnh đó, chúng ta phải nhìn ra thế của mình, đó là trung tâm thật sự của Nam Á và Bắc Á.

Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói, Việt Nam là quốc gia duyên hải phải phát triển thế mạnh duyên hải của mình. Không gian phát triển của Việt Nam là hướng ra đại dương chứ không phải chỉ có 50 - 70km từ Quảng Trị sang tới Lào. Thế mạnh của Việt Nam không phải ở trên đất liền, bởi đất liền chỉ có 330.000km2, mà là 1 triệu km2 thềm lục địa.

Hệ thống cảng đầu mối như Cảng Hà Nội, Hải Phòng hay cảng sông như Cảng Sài gòn đã hoàn thành vai trò phát triển kinh tế vùng. Vì vậy, tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, Bộ Chính trị đã định hướng phát triển kinh tế biển.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định quyết tâm trở thành quốc gia mạnh về biển... Năm 2006, Chính phủ đã thành lập Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), trong đó cảng trung chuyển hàng hải Vân Phong có quy mô lớn nhất khu vực. Như vậy, Vân Phong sẽ trở thành vùng đô thị kiểu New York hay Thượng Hải...

Quay vào trong, dưỡng doanh nghiệp

Những bất ổn vĩ mô trở thành vấn đề nghiêm trọng do các cú sốc từ bên ngoài cùng tính toán quá thiên vào mức độ tăng trưởng, khiến chúng ta đã có những ứng xử chính sách vĩ mô thiếu kiên định, kịp thời và hiệu lực.

Trong khi đó, Nhà nước chưa thật sự có chính sách mạnh để nâng đỡ DN phát triển, thậm chí còn phạm nhiều lỗi trong chính sách tài chính. Thời kỳ bao cấp ưu đãi vốn vay DN nhà nước là 4% lãi suất: Tính ra 20.000 tỷ đồng mà 4% thì thành ra 25 lần của 4% bằng 500.000 tỷ đồng tín dụng.

Thêm vào đó là 18.000 tỷ đồng bao cấp cho tín dụng đầu tư kỳ hạn 2 năm, tính ra là 450.000 tỷ đồng. Hồi 2009, chúng ta cho vay vốn lưu động mà không có định hướng, giám sát.

Những DN được vay lãi suất 6 - 7% mang cho vay lại với lãi suất mười mấy phần trăm, thậm chí một lượng không nhỏ vốn vay ưu đãi 6 - 7% thời đó bây giờ vẫn "nằm chết" ở bất động sản.

Đối với DN, doanh nhân Việt Nam, đây là quá trình khó khăn, bởi chính sách tiền tệ không phù hợp với nền kinh tế. Đặc biệt, hơn một năm nay, với lãi suất 20 - 30%, nhiều DN rơi vào thời kỳ “ngủ đông”.

Chúng ta đang áp dụng những biện pháp không phù hợp đối với cơ cấu tổ chức nền kinh tế của Việt Nam. Trên thực tế, 90% là tín dụng cho DN. Nếu đẩy lãi suất lên, DN "chết", bởi người tiêu dùng Việt Nam không vay tín dụng để mua áo sơ mi, nồi cơm điện...

Chính sách tiền tệ, lãi suất 20 - 30% như hiện nay đang là “vũ khí hủy diệt” hàng loạt DN. Tại sao ruộng khô, lúa khô như thế mà không bơm nước vào? Sinh lực của nền kinh tế là DN, nhưng DN lại đang bị "bó tay" bởi lãi suất cao.

Chúng ta sẽ bảo vệ kinh tế vĩ mô như thế nào khi DN thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh? Chúng ta sẽ bảo đảm an sinh xã hội ra sao khi sản xuất đình trệ, DN "đắp chiếu" chờ đợi thay đổi chính sách tài chính để khôi phục sản xuất?

Nhà nước phải xem lại tất cả các chính sách, tạo điều kiện cho DN vay với lãi suất dưới 10%. Điều này không lo tạo ra lạm phát, bởi Nhà nước vẫn khống chế tăng trưởng tín dụng 20%.

Trao trách nhiệm cho doanh nhân

Từ 1985 đến bây giờ, với chính sách đổi mới, mở cửa, doanh nhân đã vận dụng tất cả cơ hội để trở thành lực lượng kinh tế mạnh. Thời điểm đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã làm nên chuyện, dù số vốn 10.000 tỷ đồng, khoảng 500 triệu USD của Hoàng Anh Gia Lai chưa là gì so với thế giới.

Trong giới doanh nhân bây giờ không thiếu người giỏi như người lãnh đạo Hoàng Anh gia Lai, nhưng Nhà nước phải tạo điều kiện cho họ phát triển.

Tới đây, nền kinh tế sẽ được cơ cấu lại, khoảng cách bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế sẽ được rút ngắn. Nhưng chủ trương cổ phần hóa các DN nhà nước của Chính phủ là không phù hợp với bối cảnh nền kinh tế hiện nay.

Nhà nước bán cổ phần nhưng vẫn giữ lại tỷ lệ chi phối. Tại sao chúng ta không cho tư nhân hóa để phát triển kinh tế tốt hơn? Trên thực tế, không ai dại gì bỏ ra mấy chục tỷ đồng để mua 20 - 30% cổ phần của Ngân hàng Vietcombank, rồi để cho người khác quản lý mà không sửa chữa được vấn đề nội tại của Vietcombank.

Việc giữ lại tỷ lệ chi phối trước đây là do tư duy bao cấp, bởi những nhóm lợi ích. Bây giờ, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã thấy rõ những tập đoàn hoạt động không hiệu quả, thấy rõ trong Tập đoàn Petrovietnam có Công ty Taxi Dầu khí là không hợp lý.

Tất nhiên, chúng ta có thể thông cảm, bởi đó là do lịch sử để lại, nhưng bây giờ phải giải quyết dứt điểm. Tất cả những gì không thuộc lĩnh vực chính của DN phải cắt bỏ hết. Như vậy, vấn đề thoái vốn của các DN nhà nước cũng rõ ràng hơn.

Nền kinh tế được cơ cấu lại, Nhà nước có phận sự tạo ra những điều kiện thông thoáng để nhân dân kinh doanh. Chính phủ không tham gia kinh doanh, chỉ làm những lĩnh vực tư nhân không thể làm được. còn những lĩnh vực nhân dân có thể làm tốt, phải để nhân dân làm. Chỉ khi đó doanh nhân mới gánh trách nhiệm, bỏ công sức thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn ra biển và trách nhiệm của doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO