Nhiều doanh nghiệp vẫn ăn nên làm ra bất chấp đang bị Covid-19... hành

Dương Nguyễn| 05/11/2020 00:02

Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết ngành nghề, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn báo lãi khủng sau 9 tháng đầu năm 2020.

Tăng hàng chục lần

Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý 3/2020 ấn tượng nhất phải kể đến Công ty Cao su Thống Nhất (TNC). Trong quý này, dù chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng lãi ròng nhưng mức tăng là gần 100 lần.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, TNC đạt 97 tỷ đồng doanh thu và gần 52 tỷ đồng lãi ròng, hoàn thành hơn 90% chỉ tiêu lợi nhuận. Theo TNC, lợi nhuận tăng do sản lượng tiêu thụ mủ cao su và doanh thu hoạt động tài chính tăng.

Kết quả của CTCP Y tế Danameco (DNM) cũng ấn tượng không kém. Trong quý 3/2020, DNM thu về gần 5 tỷ đồng lợi nhuận ròng, gấp 81 lần cùng kỳ. Nhờ hưởng lợi từ nhu cầu khẩu trang y tế và trang phục chống dịch gia tăng, doanh nghiệp này báo lãi ròng đạt 31 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, gấp 10 lần cùng kỳ.

[Caption]Lợi nhuận ròng quý 3/2020 của Công ty Cao su Thống Nhất (TNC) bằng gần 100 lần cùng kỳ.

Lợi nhuận ròng quý 3/2020 của Công ty Cao su Thống Nhất (TNC) bằng gần 100 lần cùng kỳ.

Ngoài DNM, một doanh nghiệp khác cũng hưởng lợi lớn từ dịch bệnh là Tập đoàn Dabaco (DBC). Do dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong suốt năm 2019 đã đẩy giá heo hơi tăng 120%, tính đến tháng 10/2020. Với hoạt động chính là chăn nuôi heo và bán thức ăn chăn nuôi, trong 9 tháng đầu năm 2020, Dabaco thu về gần 7.200 tỷ đồng doanh thu và gần 1.200 tỷ đồng lãi ròng, gấp 24 lần cùng kỳ.

Trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Công ty Thống Nhất (BAX) vừa báo lãi ròng quý 3/2020 gấp gần 16 lần cùng kỳ. Đây cũng là kết quả tốt nhất từ khi BAX lên sàn năm 2017. Cụ thể, BAX đạt 121 tỷ đồng lãi ròng quý 3/2020 và 135 tỷ đồng lãi ròng sau 9 tháng (gần gấp đôi cùng kỳ). Kết quả bất ngờ này đến từ việc bán đất nền và nhà ở thuộc dự án Khu Trung tâm dịch vụ Khu Công nghiệp Bàu Xéo, Đồng Nai.

Những ông lớn lãi nghìn tỷ

Trong 9 tháng đầu năm 2019, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thế nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp lớn đạt lợi nhuận sau thuế cả nghìn tỷ. Tính chung có khoảng 40 doanh nghiệp kiếm được lợi nhuận từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này đạt gấn 155.000 tỷ đồng sau 9 tháng.

Tính riêng quý 3/2020, doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất là Dabaco, với 387 tỷ đồng, bằng 20 cùng kỳ. Đây là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận quý 3/2020 tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoài. Hơn chục doanh nghiệp dù có lãi nghìn tỷ nhưng không tăng trưởng hoặc giảm.

Dabaco hưởng lợi lớn nhờ dịch tả heo châu Phi lan rộng.

Dabaco hưởng lợi lớn nhờ dịch tả heo châu Phi lan rộng.

Xếp sau Dabaco là Tập đoàn Novaland (NVL). Ông lớn này kiếm hơn 2.100 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý 3/2020, gấp 7 lần cùng kỳ. Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI) kiếm được 856 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ. Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) thu về hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Tập đoàn Vingroup (VIC) thu về hơn 1.400 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3/2020, gấp đôi cùng kỳ.

Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm, Dabaco tiếp tục là doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất. Doanh nghiệp này kiếm được gần 1.200 tỷ đồng sau 9 tháng, bằng gấp 24 lần cùng kỳ.

Tăng trưởng cao không kém là Công ty FPT Telecom (FOX). Đơn vị này có mức lợi nhuận 9 tháng gấp 11 cùng kỳ khi đạt gần 1.200 tỷ đồng. Còn Novaland dù không tăng mạnh, nhưng lãi ròng 9 tháng cũng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt gần 3.300 tỷ đồng. VCG cũng lãi hơn 1.400 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Cổ phiếu tăng mạnh

Hầu hết các cổ phiếu của doanh nghiệp có lợi nhuận cao đều tăng giá tốt trong thời gian 9 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, cổ phiếu của những doanh nghiệp quy mô nhỏ lại tăng nhiều và nhanh hơn cổ phiếu của doanh nghiệp lớn.

Chẳng hạn, dù lợi nhuận khá ấn tượng, nhưng giá cổ phiếu VCG vẫn loay hoay trong suốt 8 tháng đầu năm và chỉ bứt phá trong hai tháng gần đây. Trong giai đoạn tháng 8-10/2020, VCG tăng mạnh từ mức 25.000 đồng/cổ phiếu lên cao nhất là 44.000 đồng cổ phiếu. Còn trước đó, cổ phiếu này mãi lình xình quanh vùng giá 25.000 đồng.

Đối với cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, cổ phiếu có nhiều sóng tăng nhưng giá trị tăng không nhiều. Trong quý 2/2020, giá cổ phiếu này loay hoay quanh vùng 80.000-85.000 đồng/cổ phiếu. Đến quý 3/2020, thị giá VIC mới bật tăng nhẹ lên mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu, dù con số lợi nhuận không phải nhỏ.

Novaland và Vingroup là hai ông lớn trong ngành bất động sản có lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Novaland và Vingroup là hai ông lớn trong ngành bất động sản có lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Riêng với DBC, do thông tin về dịch tả heo châu Phi lan rộng, nhà đầu tư sớm chú ý cổ phiếu này. DBC tăng mạnh từ mức giá hơn 14.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 4/2020 và kéo dài sóng tăng đến đầu tháng 6/2020 khi đạt đỉnh hơn 54.000 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay, cổ phiếu này duy trì đà giảm, dù cả thị trường trong xu hướng tăng, hiện đang nằm mức 40.000 đồng/cổ phiếu.

Tính đến đầu tháng 11/2020, cổ phiếu TNC của Cao su Thống Nhất tăng gấp đôi tính từ đầu năm. TNC tăng mạnh nhất trong giai đoạn tháng 3-6/2020, từ mức hơn 10.000 đồng/cổ phiếu lên 25.000 đồng/cổ phiếu. Hiện thị giá của TNC đang ở mức trên 28.000 đồng/cổ phiếu.

Có mức tăng ấn tượng hơn là cổ phiếu DNM. Từ mức giá 8.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, DNM đã tăng một mạch lên 65.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 8/2020. Hiện thị giá DNM đã giảm về mức 40.000 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn cao hơn khá xa so với thời điểm đầu năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều doanh nghiệp vẫn ăn nên làm ra bất chấp đang bị Covid-19... hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO