Ngành bán lẻ thế giới 2015 sẽ "thay da đổi thịt"

28/02/2015 09:19

Ngành bán lẻ 2015 sẽ chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ để thu hút khách hàng, thúc đẩy doanh số mạnh mẽ hơn như: tăng cường trải nghiệm, ứng dụng công nghệ, mua sắm trực tuyến...

Ngành bán lẻ thế giới 2015 sẽ

Năm 2015, dự kiến những nhà bán lẻ sẽ vẫn tiếp tục cố gắng thử tất cả các biện pháp có thể để thu hẹp khoảng cách giữa các kênh bán hàng trực tiếp và bán hàng qua mạng.

Năm 2014, chúng ta đã được chứng kiến ngày một nhiều hơn các nhà kinh doanh, các nhà bán lẻ tham gia vào mô hình tiếp thị và bán lẻ Omni Channel Retailing (OCR).

Trong mô hình này, khách hàng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, xem thông tin từ nhiều thiết bị khác nhau và các nhà bán lẻ phải luôn luôn sẵn sàng để cung cấp các trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, ở tất cả các kênh, đặc biệt là trên các thiết bị cầm tay. Ngoài ra, các nền tảng như mạng xã hội và di động sẽ đóng một vai trò ngày một lớn hơn trong việc mang lại trải nghiệm mua hàng cho người tiêu dùng.

Trong năm 2015, nhiều nhà bán lẻ sẽ tận dụng mạng xã hội để bán sản phẩm thay vì chỉ trưng bày sản phẩm. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với điện thoại cầm tay. Các công ty sẽ tăng cường tích hợp các tính năng mua bán, thanh toán trực tuyến ngay trên những chiếc di động nhỏ gọn. Dưới đây là những dự đoán về xu hướng phát triển của lĩnh vực mua sắm được đưa ra bởi Vend, một công ty trong lĩnh vực bán lẻ với chi nhánh tại hơn 20 quốc gia.

1. Boomers (thuật ngữ ám chỉ những người sinh ra kể từ thời điểm bùng nổ dân số ở châu Âu) và millennials (những người trẻ sinh từ năm 2000) sẽ là lực lượng tác động mạnh lên thị trường bán lẻ. Hầu hết những người thuộc thế hệ boomer sẽ ở trong giai đoạn 60-70 tuổi vào năm 2015. Đây là lực lượng không trẻ nhưng lại có nguồn tài chính rất ổn định và có thể mua sắm rất nhiều.

Do vậy, để thu hút và thúc đẩy những người này mua sắm nhiều hơn, các nhà bán lẻ sẽ cần phải cải tiến lại cách bố trí các quầy hàng, quầy thanh toán hoặc tung ra những sản phẩm hỗ trợ người già, giúp cho họ thực hiện việc mua sắm dễ dàng hơn.

Ở chiều ngược lại, những người thuộc thế hệ Y tuy còn rất trẻ nhưng cũng chiếm số đông và sẽ là yếu tố chính xác định xu hướng thị trường trong tương lai. Những nhà bán lẻ muốn thu hút sự chú ý của nhóm khách hàng này sẽ phải đặc biệt tập trung phát triển và quảng bá sản phẩm trên thiết bị di động do phần lớn người trẻ hiện nay đều sở hữu ít nhất một thiết bị này.

Sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin, đặc tính chung của những người này khi mua sắm là thường thiếu kiên nhẫn. Phần lớn người trẻ đã quen với các thao tác nhấp chuột hoặc thao tác cảm ứng di động.

Do vậy, tốc độ sẽ là yếu tố cơ bản để tiếp cận lực lượng khách hàng này. Các nhà bán lẻ cần phải đưa ra các sản phẩm tích hợp nhiều chức năng từ mua bán đến thanh toán trên những thiết bị cầm tay nhỏ gọn mà vẫn phải đảm bảo ứng dụng chạy nhanh và mượt mà.

2. Mạng xã hội sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong mua sắm. Trong vài năm vừa qua, nhiều thương hiệu đã nhận biết được sức mạnh của mạng xã hội và tận dụng những thế mạnh của công nghệ này để giới thiệu sản phẩm, trao đổi với các khách hàng.

Tuy nhiên, trong vài tháng tới, mua sắm trên mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Instagram sẽ đạt một bước tiến mới. Người tiêu dùng giờ đây không chỉ lựa chọn sản phẩm mà có thể trực tiếp thanh toán món đồ mình mua thông qua nút "Mua" được tích hợp vào các mạng này.

3. Các nhà bán lẻ cần có trách nhiệm đối với xã hội hơn. Một cuộc điều tra được thực hiện bởi tổ chức ConeComm cho thấy 87% số người tiêu dùng trên toàn thế giới đã xem yếu tố trách nhiệm với xã hội là một trong những yếu tố ảnh hưởng chính tới quyết định mua sắm của họ.

Lý giải điều này, Adrinne Weissman, chủ một tiệm bán máy ảnh cho biết, người tiêu dùng sẽ cảm thấy họ đóng góp cho xã hội nhiều hơn nếu mua hàng từ những cửa hiệu có các hoạt động vì cộng đồng. Bằng cách này, họ nghĩ rằng tiền do họ bỏ ra sẽ không chỉ chảy vào túi của một người.

4. Cung cấp nhiều trải nghiệm hơn để thu hút khách hàng. Ngày nay, các chương trình giữ gìn khách hàng bằng điểm thưởng đã không còn hấp dẫn như lúc trước. Do vậy, các nhà bán lẻ sẽ cần phải đưa ra các hình thức thu hút mới và sáng tạo hơn nữa.

Một trong những biện pháp được chú ý trong thời gian gần đây là tặng điểm hoặc quà mỗi khi các khách hàng tham gia vào các chương trình thiết thực cho cá nhân họ hay chương trình vì cộng đồng. Ví dụ, Walgreens, một công ty thuốc tại Mỹ đã thưởng điểm cho những khách hàng tham gia vào chương trình đi bộ hay giảm cân của công ty.


5. Ứng dụng công nghệ sẽ vẫn tiếp tục bùng nổ. Các nhà bàn lẻ sẽ cần thích nghi với các công nghệ mới. Điện toán đám mây phát triển đã giúp cho các công cụ thanh toán trực tuyến hay qua thẻ ngày một nhanh và đáng tin cậy hơn.

Ngoài ra, các thiết bị cầm tay thế hệ mới như đồng hồ cảm ứng, kính mắt công nghệ cao sẽ ngày một phổ biến và những nhà bán lẻ cần chú ý tới sự phát triển của khoa học kỹ thuật để có thể chuẩn bị và đáp ứng nhu cầu mới.

Công nghệ in 3D mới cũng là một công nghệ hết sức đáng chú ý. Trong tương lai, các khách hàng mua quần áo hay đồ trang sức có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với cơ thể của họ chính xác đến từng mm.

6. Trong năm 2015, Big Data (dữ liệu lớn) sẽ là công cụ đắc lực để hỗ trợ các nhà bán lẻ phân tích nhu cầu, mong muốn và thói quen của khách mua sắm. Các con số thống kê sẽ giúp các nhà bán lẻ xây dựng được các biểu đồ và có cái nhìn tổng quan, một cách chính xác về những gì đang diễn ra trên thị trường và từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh khôn ngoan.

7. Các công ty cần tìm ra cách tốt hơn để quản lý dữ liệu và giảm rủi ro cũng như bảo vệ khách hàng. Trong những năm vừa qua, thế giới đã chứng kiến nhiều vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng. Theo thống kê, ước tính trong năm 2013, 13,1 triệu người đã trở thành nạn nhân của các vụ mua bán giả.Năm 2014, tính trung bình thiệt hại của các vụ rò rỉ lớn lên tới 3,5 triệu USD.

Do vậy, trong năm 2015, các tổ chức kinh doanh cần phải tổ chức hướng dẫn và đào tạo nhân viên về tầm quan trọng của dữ liệu khách hàng. Ngoài ra, một số phương pháp bảo mật như mật khẩu PIN hay mã số thiết bị cũng được dùng để đảm bảo dữ liệu khách hàng. Với các mã số thiết bị như Apple được dùng kèm với thẻ tín dụng, các thông tin mua bán có thể được đảm bảo.

8. Các nhà bán lẻ sẽ có xu hướng kiểm soát gắt gao hơn toàn bộ quy trình sản xuất hàng hóa. Trong cuốn sách "Những quy luật mới của bán lẻ", hai tác giả Robin Lewis và Michael Dart đã chỉ ra rằng một nhà bán lẻ muốn thành công sẽ cần phải kiểm soát được hàng hóa của họ một cách càng đầy đủ càng tốt, kể từ khi mặt hàng được sản xuất lẫn tiếp thị và phân phối.

Bằng cách này, chi phí có thể cao hơn nhưng bù lại, chất lượng được đảm bảo và ngoài ra, nhiều nhà bán lẻ đã nghĩ ra các hình thức giao hàng nhanh chóng và tiện lợi hơn.

9. Số lượng các cửa hàng mang các nét đặc trưng của từng địa phương sẽ tăng lên. Trong năm 2015, những nhà bán lẻ biết cách tùy chỉnh các gian hàng của họ ứng với đặc trưng của từng địa điểm sẽ có cơ hội gặt hái nhiều thành công hơn. Năm 2014, các thương hiệu lớn như Starbucks, Target hay Chipotle đã nhận ra được điều này và có các thay đổi đáng kể để phù hợp với mỗi nơi họ đặt chi nhánh. Xu hướng này sẽ tăng lên trong năm 2015.

>Bán lẻ: Thời của người tiêu dùng thông minh
>Bí mật của chuỗi bán lẻ Timberland Boot
>Đầu tư vào bán buôn, bán lẻ, dịch vụ sẽ phát triển hơn
>Chinh phục khách hàng trong ngành bán lẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành bán lẻ thế giới 2015 sẽ "thay da đổi thịt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO