Lý Quí Trung bán phở mua bánh!

16/12/2010 02:59

Theo ông Lý Quí Trung, BreadTalk sẽ góp phần làm cho thị trường bánh ngọt nở to hơn và thói quen dùng bánh chất lượng của người tiêu dùng cũng tăng lên.

Lý Quí Trung bán phở mua bánh!

Theo ông Lý Quí Trung, BreadTalk sẽ góp phần làm cho thị trường bánh ngọt nở to hơn và thói quen dùng bánh chất lượng của người tiêu dùng cũng tăng lên.

Với sự xuất hiện khá rầm rộ của nhiều thương hiệu bánh mì ngọt như Tous Les Jours, Panier Bakery, La Doree, KiDo, Pat à Chou..., thương hiệu được mua nhượng quyền từ Singapore BreadTalk, vừa khai trương cửa hàng thứ 2 tại TP.HCM, có dễ dàng tìm chỗ đứng tại thị trường Việt Nam? Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bình Minh Toàn Cầu là ông Lý Quí Trung, chủ chuỗi nhà hàng Phở 24, nói rằng, tính đồng nhất của mô hình nhượng quyền là thế mạnh của BreadTalk.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bình Minh Toàn Cầu là ông Lý Quí Trung, chủ chuỗi nhà hàng Phở 24, nói rằng, tính đồng nhất của mô hình nhượng quyền là thế mạnh của BreadTalk.

Bán nhượng quyền thương hiệu phở rồi mua nhượng quyền bánh mì ngọt từ Singapore. Đây là hướng kinh doanh mới của Phở 24?

Cần tách bạch rõ ràng giữa 2 việc kinh doanh này. BreadTalk là đầu tư của cá nhân tôi với những người bạn trong Công ty Bình Minh Toàn Cầu do tôi làm Chủ tịch. Vì thế, BreadTalk vào Việt Nam không liên quan đến tình hình kinh doanh của Phở 24 mà liên quan đến thị trường. Thị trường ẩm thực Việt đang cần những sản phẩm này, tôi đã tìm hiểu rất kỹ và chọn sản phẩm nào tôi thấy thích nhất và thật sự có cảm xúc.

Những điều khoản ràng buộc về mua bán nhượng quyền trong hợp đồng với Phở 24 và BreadTalk có khác nhau không? Cái hay của mô hình này là gì?

Những hợp đồng mua bán nhượng quyền thương mại thường có nguyên tắc chung đồng nhất về cách tổ chức cửa tiệm, đồng phục, nguyên liệu, máy móc, điều hành. Nhưng tại mỗi quốc gia, người mua nhượng quyền có thể cách điệu đôi nét trong chuẩn mực đó để phù hợp với văn hóa, hoàn cảnh địa phương. Cái hay trong nhượng quyền là người mua được hưởng ngay thành quả thương hiệu của người bán.

Giá trị hợp đồng mua nhượng quyền BreadTalk cao hơn nhiều so với giá trị hợp đồng bán nhượng quyền Phở 24 ra nước ngoài?

Tất nhiên là cao hơn nhiều. Tiền nào của đó. Nhưng tôi không thể tiết lộ giá trị hợp đồng này bởi đó là một nguyên tắc cam kết trong hợp đồng. BreadTalk có 300 cửa hàng trên thế giới với lịch sử 10 năm. Phở 24 có chưa tới 100 cửa hàng với 7 năm phát triển. Mua thương hiệu này, chúng tôi hưởng thành quả 10 năm của đối tác. BreadTalk thuộc tập đoàn kinh doanh chứng khoán và bán lẻ lớn ở Singapore, sở hữu nhiều thương hiệu F&B (ẩm thực) thành công. Họ có giải thưởng như thương hiệu được yêu thích nhất Singapore, thương hiệu tiêu biểu nhất Singapore.

Thành công ở Singapore chưa chắc sẽ thành công ở Việt Nam nhưng BreadTalk đã rất thành công tại Indonesia và Trung Quốc, 2 quốc gia có những bước phát triển và mức thu nhập bình quân đầu người tương đương Việt Nam. Điều này càng khiến chúng tôi tự tin khi quyết định chọn thương hiệu này.

Ông từng bán nhượng quyền Phở 24 ra nước ngoài và viết sách, dạy bộ môn này ở Úc. Vậy ông có học hỏi thêm được điều gì từ sự hợp tác này?

Tôi học được nhiều. Học cảm giác của người đi mua khác người đi bán ra sao. Người đi mua như người đi học nên cảm giác khác người đi dạy. Có kinh nghiệm của người đi bán nhưng tôi đã mang đôi giày của người đi mua và hiểu rằng, có những chi tiết cần tôn trọng trong nhượng quyền như hãy để đối tác cung cấp các nguyên vật liệu mang tính bí quyết của họ và vui vẻ chấp nhận ràng buộc đó để bền lâu. Bởi nhượng quyền là chuyển giao một công nghệ chứ không chuyển giao bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, lợi thế lớn của tôi là có thể đóng được 2 vai để thương thảo mức giá tốt nhất.

Tous Les Jours cũng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền, đã có gần 10 tiệm bánh nằm ở những vị trí tốt và được người tiêu dùng biết đến. Ông có nghĩ sẽ có sự cạnh tranh lớn giữa các nhà kinh doanh nhượng quyền?

BreadTalk tuy mang thương hiệu ngoại nhưng do người Việt Nam làm chủ hoàn toàn tại Việt Nam. Điều này rất quan trọng. Còn Tous Les Jours bán bánh mì Pháp mang phong cách Hàn Quốc và chủ là người Hàn Quốc. Việc có thêm BreadTalk sẽ khiến miếng bánh thị phần lớn hơn, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Do đó, sự phát triển của BreadTalk sẽ có lợi cho Tous Les Jours và ngược lại. Cũng như Hàn Quốc phải mời đội tuyển Taekwondo của các quốc gia khác đến thi đấu để môn võ này ở nước mình mạnh lên. Trong kinh doanh nói chung, nếu chỉ có một thương hiệu hoạt động, lâu dần người tiêu dùng sẽ quá quen thuộc và không còn mặn mà nữa, miếng bánh thị phần khó lớn được. Khi người tiêu dùng có nhiều thương hiệu để quan tâm thì thị phần tăng và cạnh tranh chắc chắn xảy ra nhưng là cạnh tranh lành mạnh.

Đầu tư một tiệm BreadTalk cần bao nhiêu và bao lâu sẽ hoàn vốn?

Chúng tôi đầu tư khoảng 6 tỉ đồng cho tiệm bánh tại số 2 Cao Thắng. Thời hoàng kim trong kinh doanh ẩm thực cách đây khoảng 3-5 năm, có thể chưa tới 1 năm đã hoàn vốn. Nay lấy lại vốn phải mất ít nhất 2 năm. Tiền đầu tư tập trung nhiều vào việc nhập dàn máy móc, thiết bị làm bánh từ Thụy Điển và một số nước khác, theo chuẩn của BreadTalk. Nướng cái bánh hay pha tách cà phê, không phải nguyên liệu làm nên hương vị thơm ngon, quan trọng là chiếc máy.

Kế hoạch mở rộng của BreadTalk tại Việt Nam như thế nào?

Ngoài tiệm bánh ở Trung tâm Thương mại Vincom (Q.1) và đường Cao Thắng (Q.3), đến cuối tháng này, chúng tôi sẽ mở tiệm bánh thứ 3 tại Siêu thị MaxiMark Cộng Hòa (Q.Tân Bình). Năm 2011 sẽ mở tiếp 5 cái tại TP.HCM. Đối với BreadTalk, không nhất thiết phải chọn vị trí ở những góc giao lộ, mặt bằng lớn.

Phở 24 cũng có lúc được mở liên tục và sau đó một số phải đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả. Ông có nghĩ đây là bài học cho BreadTalk?

Ông Lý Quí Trung và cửa hàng bánh BreadTalk mới mở tại TP.HCM.

Thời gian qua có một vài tiệm Phở 24 phải dời đến mặt bằng khác do chủ nhà tăng tiền thuê, lấy lại mặt bằng hoặc do tiệm nằm trên con đường bị lô cốt chắn ngang trong thời gian dài, đường đang 2 chiều lại quy hoạch chuyển sang 1 chiều. Những yếu tố khách quan này nhưng nếu điều tra, nghiên cứu kỹ vẫn có thể tránh được.

Tôi nghĩ Phở 24 mở nhanh được thì BreadTalk cũng như vậy nhưng tôi sẽ tránh tối đa những sự cố về mặt bằng. Chẳng hạn, tôi vẫn tuân thủ chiến lược chọn vị trí trung tâm, đông người qua lại. Song tôi sẽ là người trực tiếp xem kỹ và quyết định mặt bằng. Chẳng hạn, để chọn mặt bằng trên đường Cao Thắng, tôi phải biết đường này nằm trong quy hoạch không cho mở trường học nữa, có nghĩa là không cấm bán lẻ.

BreadTalk có ý định mua nhượng quyền Phở 24 tại Singapore không? Việc mở tiệm Phở 24 tại London có thành công không?

Chúng tôi chưa bàn tới việc Phở 24 nhượng quyền cho BreadTalk tại Singapore nhưng trong tương lai, biết đâu đấy. Phở 24 từng có mặt ở Singapore nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 khiến chủ tiệm đóng cửa. Tiệm phở ở London (Anh) cuối cùng đã bị ngưng lại vì đối tác không huy động được vốn trong thời điểm khủng hoảng vừa qua.

Tuy nhiên, việc nhượng quyền của Phở 24 ở nước ngoài phải nói là rất xán lạn. Hiện nay, chúng tôi có 19 cửa hàng tại Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Campuchia, Úc và Hồng Kông. Sắp tới sẽ thêm 1 tiệm ở Macao. Dự kiến trong 3 năm nữa, số tiệm Phở 24 ở nước ngoài sẽ cao hơn trong nước. Ở châu Âu, tôi vẫn có ý định mở tại London hoặc Paris. Paris thuận lợi hơn vì đa số Việt kiều Pháp sống ở đó lâu năm với thành phần chủ yếu là giới trí thức ngày trước. Họ có vị trí xã hội nhất định tại đó và tạo ấn tượng tốt với người dân bản địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lý Quí Trung bán phở mua bánh!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO