Luật Quảng cáo phải phản ánh đúng nhu cầu xã hội

BÍCH HỒNG| 30/03/2011 06:34

Vừa qua, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Những vướng mắc trong thủ tục pháp lý đối với doanh nghiệp quảng cáo do Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) và Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp tổ chức. Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp đều tập trung “mổ xẻ” các vấn đề gây bức xúc trong bối cảnh chưa có Luật Quảng cáo.

Luật Quảng cáo phải phản ánh đúng nhu cầu xã hội

Vừa qua, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Những vướng mắc trong thủ tục pháp lý đối với doanh nghiệp quảng cáo do Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) và Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp tổ chức. Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp đều tập trung “mổ xẻ” các vấn đề gây bức xúc trong bối cảnh chưa có Luật Quảng cáo.

Xem E-Papersố 136

Sau 10 năm hoạt động theo Pháp lệnh Quảng cáo và các chính sách riêng của từng địa phương, thực tế quảng cáo đã xảy ra nhiều bất cập: quy định chồng chéo, xuất hiện quan hệ xin - cho, nhiều điều cấm không còn phù hợp với tình hình thực tế (hoặc không rõ ràng) tạo điều kiện phát sinh nhũng nhiễu trong quản lý và cấp phép quảng cáo.

Bức xúc của các doanh nghiệp liên quan đến hầu hết các loại hình quảng cáo: quảng cáo trên báo in, trên truyền hình, internet, quảng cáo trên lịch in và đặc biệt là quảng cáo ngoài trời, dù chỉ chiếm 15% thị phần của ngành.

Ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch VAA, nói: “Quy hoạch yếu là vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý ở các tỉnh, thành hiện nay”. Ông Kha Kim Hùng, Giám đốc Công ty Quảng cáo Khải Hoàn (Đà Nẵng) cho rằng: “Quảng cáo ngoài trời có tác động nhiều đến cảnh quan kiến trúc và văn hóa nơi công cộng nên rất cần sự quản lý chặt chẽ.

Bên cạnh đó cũng rất cần các chính sách ưu đãi giúp doanh nghiệp quảng cáo trong nước hoạt động chuyên nghiệp và có thể cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp nước ngoài. Mà muốn vậy, các địa phương phải công khai qui hoạch quảng cáo chi tiết, tính toán sự phát triển lâu dài trong bối cảnh đô thị thay đổi từng ngày, nhất là trong lĩnh vực xây dựng”.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Cần nhất là việc tổ chức đấu thầu quảng cáo tại các khu vực công cộng quan trọng của thành phố. Ví dụ, tại bờ sông Hàn (Đà Nẵng) qui hoạch quảng cáo hiện nay không còn phù hợp, các pano san sát tạo sự bức bối cho không gian”.

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời cần tầm nhìn xa phù hợp phát triển đô thị và công khai chi tiết

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, ở Thanh Hóa, Hải Phòng, TP.HCM đều tồn tại thực trạng chưa có quy hoạch quảng cáo, nếu có thì chắp vá, không nhất quán. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo không được tham gia góp ý về qui hoạch, dẫn đến tình trạng bộ mặt nhiều khu trung tâm lô nhô, mất mỹ quan, gây nguy hiểm cho giao thông đường bộ.

Trong 5 năm qua, Nhà nước đã có Pháp lệnh Quảng cáo, nhưng trên thực tế, một số địa phương vẫn tiếp tục đưa ra nhiều qui định riêng và chỉ chú ý việc quản lý mà không quan tâm đến mỹ quan đô thị.

Thực trạng này đã khiến ngành quảng cáo ở Việt Nam không được kích thích để phát triển một cách chuyên nghiệp như nhiều nước trên thế giới.

Những ý kiến đưa ra tại hội thảo đã tập trung phản ánh một thực tế là hàng loạt qui định trái chiều vẫn được áp dụng, chẳng hạn như Đà Nẵng cấm sử dụng màu đỏ làm chủ đạo trên băng rôn và tờ bướm, TP.HCM chưa cấp phép quảng cáo trên 3.000 chiếc xe buýt, trong khi Long An, Bình Dương thì đã cho phép...

Chưa hết, với một bảng quảng cáo có hợp đồng từ 3 -5 năm, nhưng cơ quan quản lý đòi hỏi doanh nghiệp phải xin cấp phép mỗi năm một lần cho chính quảng cáo ấy. Điều này đã gây không ít tốn kém cho doanh nghiệp.

Bà Thu Phương, Giám đốc Công ty Dịch vụ quảng cáo Kim Minh (TP.HCM), góp ý: “Luật Quảng cáo sắp ra đời phải phản ánh đúng nhu cầu xã hội, và các địa phương nên chấm dứt việc thêm thắt các qui định riêng để các doanh nghiệp quảng cáo có thể vươn ra hoạt động trên cả nước, không bị cản trở bởi các khoản cấm trái luật, gây ảnh hưởng đến sự sáng tạo vốn là đặc trưng của ngành”.

Bà Thu Phương phản ảnh, tại TP.HCM, khi một doanh nghiệp vi phạm qui định quảng cáo ở một vị trí nhất định và đang trong thời gian khắc phục thì các dự án quảng cáo khác của họ không được cấp phép, gây ảnh hưởng nặng đến kinh doanh của doanh nghiệp. Bà đề nghị vấn đề này cần được tháo gỡ theo hướng “sai đâu phạt đó” để doanh nghiệp không bị thiệt thòi.

Ông Lê Thanh Ba, Giám đốc Công ty Quảng cáo Hatuba (Thanh Hóa), lưu ý: “Luật Quảng cáo phải qui định rõ về các hoạt động quảng cáo theo hình thức tài trợ (tuyên truyền cho các chương trình an sinh xã hội), nhưng thực chất cũng là quảng cáo, để tạo sự minh bạch, chống trốn thuế”.

Việc cấp phép quảng cáo pano ngoài trời chịu nhiều thủ tục chặt chẽ hơn các loại hình quảng cáo khác

Ông Nguyễn Quý Cáp, Phó Chủ tịch VAA, nêu vấn đề: “Hoạt động quảng cáo trên báo chí hiện nay không phải xin cấp phép, và cơ quan quản lý nên mạnh dạn dỡ bỏ chuyện cấp phép đối với quảng cáo bằng pano ngoài trời và để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước qui định của pháp luật. Cụ thể là không cần xin phép đối với pano quảng cáo có diện tích dưới 20m2”.

Xét cho cùng, bỏ bớt khâu cấp phép cũng là một trong những cách hữu hiệu để chống nạn chung chi, hối lộ, góp phần giảm bớt kinh phí quảng cáo làm đội giá sản phẩm.

Điều mà doanh nghiệp quan tâm nữa là VAA đã đủ lớn mạnh và phải tiếp tục nâng cao vai trò của mình trong việc rà soát, nắm bắt các vấn đề nổi cộm từ thực tế để tham mưu cho những nhà làm luật.

Nói cách khác, vai trò của Hiệp hội là phải đảm bảo rằng Luật Quảng cáo khi được Quốc hội thông qua phải có tầm nhìn xa, rõ ràng và tạo thuận lợi cho cả công tác quản lý lẫn việc kinh doanh quảng cáo.

Vì chỉ có như vậy thì mới thúc đẩy ngành quảng cáo Việt Nam phát triển, từng bước nâng cao thị phần ngay tại “sân nhà” mà hiện tại đang là “lãnh địa” của doanh nghiệp nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luật Quảng cáo phải phản ánh đúng nhu cầu xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO