Khuynh hướng tất yếu: Toàn diện và cân bằng

P.TR. NGỌC HUY| 20/05/2009 08:04

Hối hả cải tổ, tái cấu trúc là tín hiệu đáng mừng, nhưng nếu không có phương pháp đúng, có thể từ “Good to dead” (từ tốt đến chết) thay vì từ “Good to great” (từ tốt đến vĩ đại) như tên cuốn sách từng làm say sưa dân kinh doanh ở nhiều quốc gia.

Khuynh hướng tất yếu: Toàn diện và cân bằng

Có người nói vui rằng đây là giai đoạn “tơ vò” của giới kinh doanh. Rối ren bề ngoài chỉ là biểu hiện của những bấp bênh, lúng túng trong triết lý, định hướng bên trong. Hối hả cải tổ, tái cấu trúc là tín hiệu đáng mừng, nhưng nếu không có phương pháp đúng, có thể từ “Good to dead” (từ tốt đến chết) thay vì từ “Good to great” (từ tốt đến vĩ đại) như tên cuốn sách từng làm say sưa dân kinh doanh ở nhiều quốc gia.

Hội thảo “Quản trị hiệu quả toàn diện” diễn ra tại TP.HCM trong tuần qua với sự tham gia của hơn 100 doanh nhân -

Với doanh nghiệp VN, nhìn chung, có hai tiêu chí cần hướng tới: Toàn diện và cân bằng để phát triển bền vững. Nghe qua có vẻ là mục tiêu quá lớn, nhưng hãy bắt nguồn từ những điều cơ bản và có thể làm. Hội thảo “Quản trị hiệu quả công việc toàn diện” do Viện Marketing và Quản trị Việt Nam (VMI) tổ chức gần đây đưa ra những gợi ý khá mới.

Mất cân đối - Nguồn gốc của bất ổn 

Giới quản trị có một đúc kết rằng: “Bất cứ điều gì không thể đo lường được thì không thể quản lý được”. Trong nhiều doanh nghiệp hiện nay, không có hệ thống, công cụ đo lường hoặc đo lường phiến diện, vì vậy, không thể quản lý hay quản lý phiến diện là điều tất yếu. Ông Nguyễn Trung Thẳng, Viện trưởng VMI, đã chỉ ra những khuynh hướng phổ biến trong rất nhiều công ty, như quá ưu tiên cho việc làm gia tăng lợi nhuận tài chính và giá trị cổ phiếu, doanh số bán hàng hay bị thống trị bởi những chỉ tiêu ngắn hạn...

Sự mất cân đối này bắt nguồn ngay từ cấp điều hành. Ông Thẳng dẫn nguồn từ một báo cáo của Mckinsey cho thấy hơn 50% doanh nghiệp châu Á được khảo sát không có quy trình thiết lập các mục tiêu và đánh giá hiệu quả hoạt động của CEO một cách chính thống. Đồng thời, đặc trưng trong nhiều doanh nghiệp châu Á là phản hồi kém hiệu quả và động viên, thưởng phạt không cân bằng.
Trước thực trạng này, giới doanh nghiệp bắt đầu hướng tới xu hướng quản trị hiệu quả toàn diện. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ không chỉ quan tâm đến tài chính, doanh số, mà toàn diện hơn, từ sức khỏe thị trường, sức khỏe bên trong tổ chức, sức khỏe của mạng lưới, sức khỏe tài chính đến công tác vận hành. Có nhiều mô hình để quản trị hiệu quả công việc và lựa chọn mô hình để ứng dụng tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp, nhưng ông Thẳng lưu ý rằng dù lựa chọn mô hình nào thì cũng cần toàn diện.

Balanced scolanced - phương pháp "thẻ điểm cân bằng"  

Tại hội thảo trên, các chuyên gia từ VMI cũng chia sẻ sâu về phương pháp quản trị công việc toàn diện bằng Balanced Scorecard (BSC - thường được dịch sang tiếng Việt là phương pháp “Thẻ điểm cân bằng”). Đây là một lý thuyết quản trị còn khá mới ngay cả ở Mỹ, được giáo sư Robert Kaplan của Đại học Harvard giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1993, hiện được 60% doanh nghiệp trong nhóm Fortune 1.000 và khoảng 2.000 doanh nghiệp trên toàn cầu đang áp dụng thành công. Còn tại VN, theo ông Vũ Thế Dự, Tổng giám đốc khu vực Đông Dương của Công ty nghiên cứu thị trường GFK, có khoảng vài chục doanh nghiệp, đa phần thuộc các công ty đa quốc gia, ứng dụng. Trong đó có GFK.

BSC là tên của phương pháp quản trị hiệu quả toàn diện, nhưng đây chỉ là phần cốt lõi nhất của hệ thống quản lý chiến lược trong doanh nghiệp. Hệ thống này bắt đầu bằng sứ mệnh, giá trị, tầm nhìn, chiến lược, họa đồ mô tả chiến lược, các chỉ số đo lường, chỉ tiêu, sáng kiến... Trong đó, chiến lược là khái niệm đang được giới doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.Theo ông Dự, một công ty thành công chỉ khi có chiến lược đúng và thực hiện chiến lược đúng. Nếu vạch chiến lược tốt nhưng thực hiện không tới, thì chiến lược cũng sẽ trở thành vô nghĩa. 70% CEO thất bại không phải vì không có chiến lược, mà do không thực thi được chiến lược...

BSC bắt đầu được nói đến trong giới kinh doanh VN và sắp tới, có thể được nói đến nhiều hơn. Và như vậy, có thể đây là mô hình mà nhiều doanh nghiệp sẽ hướng tới để áp dụng. Tuy nhiên, ông Vũ Thế Dự cũng khuyến cáo rằng đây không phải là một “kiểu vitamin”, áp dụng được thì tốt, không được thôi. BSC là dạng “thuốc liều cao”, nếu áp dụng sai, có thể gây nên nhiều hệ lụy. Do đó, muốn áp dụng ra sao, tới chừng mực nào để phù hợp với doanh nghiệp mình, các nhà quản lý phải nghiên cứu thật kỹ và phân tích sâu tình hình thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khuynh hướng tất yếu: Toàn diện và cân bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO