Không phải sữa nào cũng... ngọt!

LỮ Ý NHI; Ảnh: QUÝ HÒA| 28/04/2011 04:36

Sản xuất sữa là một ngành nhạy cảm vì liên quan đến sức khỏe cộng đồng và đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Vì vậy, dù nhiều cơ hội và tiềm năng nhưng không phải DN nào cũng gặp thuận lợi, ngay cả những DN có thực lực về tài chính.

Không phải sữa nào cũng... ngọt!

Tổng sản lượng sữa năm 2011 nếu đạt kế hoạch cũng chỉ đủ đáp ứng khoảng 30% lượng tiêu dùng nội địa, còn lại 70% phải nhập khẩu. Cùng với những tiềm năng lớn về nhu cầu thị trường, trong khi giá bán lẻ lại thuộc hàng cao trên thế giới, là yếu tố quyết định để thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào thị trường sữa tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều DN nhảy vào cuộc đã nhận không ít trái đắng, buộc phải đổi hướng để mau chóng thoát hiểm.

Xem E Paper số 140

Sản xuất sữa là một ngành nhạy cảm vì liên quan đến sức khỏe cộng đồng và đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Vì vậy, dù nhiều cơ hội và tiềm năng nhưng không phải DN nào cũng gặp thuận lợi, ngay cả những DN có thực lực về tài chính.

Trong những năm gần đây, đã có không ít DN sản xuất sữa, cả trong nước lẫn ngoài nước gia nhập thị trường nhưng một thời gian sau đã phải chuyển hướng kinh doanh hoặc rút lui. Đơn cử mới đây, một thương hiệu sữa của Ý đầu tư nhà máy tại TP.HCM đã phải dừng hoạt động.

Hay Nestlé, một thương hiệu có tên tuổi lớn của nước ngoài, đã đầu tư 45 tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất sữa tươi và sữa chua theo tiêu chuẩn quốc tế tại Ba Vì (Hà Tây); nhưng cuối cùng vẫn phải quyết định chuyển giao toàn bộ nhà máy rộng hơn 5.000m2 này cho Ancomilk và không đầu tư sản xuất sữa tươi tại thị trường Việt Nam mà chỉ phân phối Milo và bột dinh dưỡng...

Nguyên nhân là do sữa tươi chỉ có hạn dùng 7 ngày nên không kịp vận chuyển từ Ba Vì vào những thị trường lớn như TP.HCM.

Mặc dù được xem là thương hiệu “đại gia” của thị trường sữa, nhưng những năm qua, hãng sữa Mead Johnson cũng gặp không ít áp lực vì giá sữa liên tục tăng.

Chưa kể một vài tai tiếng liên quan đến chất lượng sữa của hãng, tuy chưa rõ trắng đen nhưng thời điểm xảy ra sự việc cũng ít nhiều ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.

Ông Enda Ryan, Tổng giám đốc Mead Johnson Việt Nam, chia sẻ: “Sữa là một mặt hàng nhạy cảm và kinh doanh sữa tại Việt Nam không hề dễ dàng vì thị trường vẫn còn không ít cạnh tranh không lành mạnh.

Vào tháng 8/2010, trong khi các hãng sữa tăng giá thì Mead Johnson vẫn giữ giá cho đến hết năm 2010 dù phải đầu tư cao. Điều đáng nói là giá sữa của Mead Johnson vẫn thuộc hàng thấp nhất khu vực, như sản phẩm cho nhũ nhi có giá thấp hơn 10% so với giá bán tại Thái Lan, Indonesia...

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), mức tiêu thụ các sản phẩm sữa bình quân của người Việt Nam hiện nay là 14 lít/người/năm, thấp hơn Thái Lan (23 lít/người/năm) và Trung Quốc (25 lít/người/năm).

Trong khi đó, đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tổng sản lượng sữa năm 2011 nếu đạt kế hoạch cũng chỉ đủ đáp ứng khoảng 30% lượng tiêu dùng nội địa, còn lại 70% phải nhập khẩu.

Thế nhưng Mead Johnson vẫn bị liệt vào danh sách các thương hiệu sữa có giá bán tăng cao do chi phí quảng cáo nhiều.

Thực tế, Mead Johnson đã giảm phí quảng cáo tại Việt Nam xuống còn 37% trong năm 2009 và theo kết quả của Công ty TNS, chi phí quảng cáo sữa của chúng tôi chỉ bằng một nửa so với công ty sữa lớn nhất của Việt Nam”.

Đại diện của Nestlé thừa nhận: “Do tuân thủ theo Nghị định 21 và quy định của Tổ chức Y tế Thế giới nên Nestlé không quảng cáo sữa bột cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Vì vậy, thị phần của sữa bột Nestlé chiếm con số rất nhỏ và bán không chạy, dù sữa Lactogen của Nestlé có giá bán rẻ hơn sữa nội”.

Tương tự, năm 2010, Hanoimilk đạt doanh thu hơn 340 tỷ đồng, tăng 19 % so với năm 2009, nhưng lại lỗ 15,55 tỷ đồng.

Riêng trong quý IV/2010, doanh thu bán hàng đạt 98,2 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn lỗ 15,8 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ được Hanoimilk cho biết là do giá các nguyên vật liệu, vật tư đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009.

Chi phí marketing và chi phí bán hàng năm 2010 cũng tăng lên 1,17 lần so với năm 2009 do công ty đầu tư mạnh vào thị trường phía Nam.

Bên cạnh đó, hệ lụy từ vụ chất melamine cuối năm 2008 khiến thương hiệu bị ảnh hưởng nên việc bán hàng gặp rất nhiều khó khăn, công ty phải đầu tư phát triển các sản phẩm mới và chi phí quảng bá khôi phục thương hiệu.

Với mức lợi nhuận cao nên các hãng sữa lớn liên tục quảng cáo rầm rộ, cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu mua sữa tươi trong nước, đẩy các DN nhỏ hơn vào thế khó.

Theo ông Lê Việt Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Hanco (Hancofood), hiện nay, các thương hiệu sữa ngoại có kinh phí quảng cáo quá lớn, các đợt quảng cáo thực hiện dài hơi và trên toàn cầu nên DN trong nước khó cạnh tranh.

Vì thế, hầu hết người tiêu dùng với tâm lý chuộng ngoại đều chọn những thương hiệu nước ngoài khi có ý định mua sữa.

Hancofood cũng đã đầu tư khá lớn chi phí cho dây chuyền sản xuất sữa bột cho trẻ em và sữa bột chức năng, chi phí quảng cáo và nhiều nhất là chi phí xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ISO:22.000:2005.

Tuy nhiên, phải mất mười mấy năm mới có được 3% thị phần, chủ yếu tập trung vào phân khúc cho người thu nhập trung bình.

Ông Hà khẳng định: “Dù mức tăng trưởng về doanh thu của Hancofood những năm gần đây không sụt giảm nhưng tăng trưởng ít và so với mức đầu tư cũng như nhu cầu của người tiêu dùng thì chưa tương xứng”.

Bà Văn Thị Minh Uyên, Phòng Đối ngoại Công ty Nutifood cũng thừa nhận, do không có nhiều kinh phí quảng cáo nên nhiều người tiêu dùng không biết nhiều đến sản phẩm nội địa của Nutifood, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn, nên họ ngại mua những sản phẩm không thấy quảng cáo và không ấn tượng mạnh về thương hiệu, đó là một khó khăn rất lớn cho các DN trong nước”.

Một khó khăn khác là kinh phí đầu tư chất lượng sản phẩm của hầu hết các công ty sản xuất sữa trong nước đều hạn chế.

Chẳng hạn, Abbott có tới hơn 5.000 nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu lâm sàng hằng ngày làm việc để có thể tìm ra những vi chất bổ sung mới cho sản phẩm sữa.

Trong khi đó, DN sữa trong nước lại đang thiếu nguồn nhân lực này một cách trầm trọng và nếu có cũng không có đủ kinh phí dài hơi cho khoản đầu tư này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không phải sữa nào cũng... ngọt!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO