Khởi động trễ nhưng đang tăng tốc

12/07/2010 02:45

Ngay sau khi việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ ở Việt Nam trong chiến tranh khởi động đầu những năm 1990, quan hệ Việt - Mỹ nhanh chóng được khai thông.

Khởi động trễ nhưng đang tăng tốc

Ngay sau khi việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ ở Việt Nam trong chiến tranh khởi động đầu những năm 1990, quan hệ Việt - Mỹ nhanh chóng được khai thông. Một trong những cột mốc đó là tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton vào ngày 11/7/1995 (tức ngày 12/7/1995, giờ VN).

Bà Virginia Foote được trao Huân chương Hữu nghị của Chính phủ VN vào ngày 26-7-2007 - Ảnh tư liệu của Hội đồng thương mại Việt-Mỹ

Quá trình bình thường hóa thật ra chỉ hoàn tất khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) năm 2001, và Mỹ công nhận VN là đối tác thương mại đầy đủ bằng cách trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) năm 2006.

Sau 15 năm với vô số tiến bộ trên tất cả lĩnh vực, Đại sứ Mỹ đương nhiệm Michael Michalak đúc kết rằng cách thúc đẩy ngoại giao nhân dân có lẽ là cách tốt nhất để tiếp tục có những cải thiện quan hệ song phương. Thực tế cho thấy chính mối quan tâm để giao lưu, làm ăn, tiếp xúc của người dân hai nước với nhau đã và đang là động lực then chốt cho mối quan hệ giữa hai nước.

* Bà Virginia Foote - chủ tịch Hội đồng thương mại Việt-Mỹ

Chúng ta còn phải cải thiện nhiều điều

VN là một thị trường lớn. Có nhiều người VN ở Mỹ cũng như các nước khác muốn kinh doanh tại đây. Điều đó mang lại một mối liên hệ để thúc đẩy công việc. Đúng là chúng ta đã bắt đầu chậm trễ, nhưng khi đã khởi động thì cả hai bên đều tiến khá tốt.

Với quan hệ Việt - Mỹ, thành công phải đến từ mọi lĩnh vực. Các mối quan hệ phức tạp đều cần giải pháp phức tạp. Vì thế chúng ta phải thúc đẩy cả quan hệ giữa hai chính phủ và nhân dân hai nước, mặc dù đôi lúc quan hệ giữa người dân đi trước, hoặc có lúc quan hệ chính phủ đi trước. Nhưng tất cả mọi người đều nỗ lực: cựu chiến binh, người Việt ở Mỹ... Nếu quá tập trung vào một mảnh ghép của bài toán thì những mảnh ghép còn lại sẽ không được xếp đúng chỗ. Trong trường hợp này, toàn bộ bài toán đã được giải đáp qua nhiều năm, góp phần tạo nền tảng vững mạnh cho quan hệ hai nước.

Nói như vậy nhưng vẫn cần cải thiện nhiều điều. Quan hệ kinh tế giữa hai nước tốt nhưng chưa phải tuyệt vời. VN đang gia tăng mức sống của người dân, nhưng VN nằm trong một khu vực cạnh tranh khốc liệt nên không thể tự hài lòng.

Tôi cho rằng trong 15 năm tiếp theo của quan hệ Việt-Mỹ, chúng ta sẽ tiếp tục có tăng trưởng và thành công trên mọi mặt trận kinh tế, chính trị, an ninh vì chúng ta đang ra sức nỗ lực cải thiện cả ba lĩnh vực quan hệ đó.

Bà Susan Schwab - Ảnh: H.Giang

* Bà Susan Schwab - cựu đại diện thương mại Mỹ

Mối dây tình cảm sâu đậm

Tôi cho rằng quan hệ thương mại và đầu tư song phương phát triển nhanh chóng trong một thời gian ngắn như vậy có lý do quan trọng là những mối dây liên hệ tình cảm khá sâu đậm ở cả hai phía. Ở Mỹ có nhiều người Mỹ gốc Việt và thường là khi có cộng đồng di cư ở đâu thì họ sẽ thúc đẩy thương mại rất nhiều giữa nơi họ sống và nước gốc.

Ngoài ra, tôi nghĩ người Mỹ và người Việt có nhiều điểm tương đồng, nhất là tinh thần kinh doanh. Cả người Mỹ và người Việt đều thích kinh doanh. Điều đó thể hiện rõ rệt trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Nhớ lại thời điểm Mỹ xem xét trao PNTR, có một số lo ngại hoàn toàn có thể hiểu được từ khu vực dệt may và sản xuất thiết bị của Mỹ. Nhưng cuối cùng họ đã đồng ý vì Chính phủ Mỹ nói rằng sẽ kiểm soát hàng nhập khẩu từ VN trong hai năm xem có hành vi thương mại bất bình đẳng nào hay không. Sau hai năm, Mỹ không phát hiện hành vi nào như vậy nên không kéo dài cơ chế kiểm soát nữa.

VN đang có những chuyển biến về kinh tế và chính trị. Những thay đổi đó sẽ giúp hai nước xích lại gần nhau hơn.

Những vấn đề như quyền của người lao động, đặc biệt là quyền tự tổ chức và điều đình tập thể, có ảnh hưởng đến việc cấp chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho VN. Đó sẽ là bước đi tiếp theo mà Mỹ và VN cần giải quyết.

Nhưng nếu nhìn nhận theo một cách khác thì GSP không thể quan trọng bằng Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và VN đang là thành viên đàm phán. Nếu có thỏa thuận thương mại song phương thì sẽ không có gì bị loại trừ. Trong khi đó, xét theo GSP thì nhiều mặt hàng dệt may và chế tạo sẽ bị loại khỏi quy chế này. Do đó tôi cho rằng TPP sẽ là tiềm năng lớn cho quan hệ hai nước trong tương lai.

Ông Fred Burke - Ảnh: H.Giang

* Ông Frederick Burke - luật sư điều hành Công ty Baker & McKenzie, đại diện Chi nhánh Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại VN

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang chọn VN

* TS Dương Văn Quảng - giám đốc Học viện Ngoại giao VN:

Trên lĩnh vực nhân đạo đã có tiến triển hơn

Giữa hai nước, trong quan hệ nhân đạo, phía VN đã làm rất tốt trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho Mỹ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh. Với VN còn hai vấn đề hậu quả chiến tranh là khắc phục ảnh hưởng của dioxin/chất độc da cam và bom mìn còn sót lại. Vừa qua các học giả, chuyên gia của hai nước đã có những cuộc thảo luận rất cởi mở, thẳng thắn về quan hệ song phương, trong đó phia Mỹ cũng thừa nhận họ cần làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ VN trong hai vấn đề trên.

Tôi hi vọng không chỉ chính khách mà cả người dân Mỹ sẽ biết nhiều hơn về nạn nhân chất độc da cam VN. Ngoài ra, sau cuộc hội thảo, chúng tôi cũng có nhiều ý tưởng mới để tổ chức các cuộc hội thảo trong tương lai về từng lĩnh vực cụ thể, và trên cơ sở đó làm sâu sắc thêm quan hệ.

Tương tự các nhà đầu tư khác, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng tới VN vì muốn mở rộng mạng lưới hoạt động của mình. Nhiều người chọn VN để làm điểm đầu tư ở nước ngoài thứ hai sau khi đã tới Trung Quốc.

Hiện nay tôi đang tham gia Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của VN. Tôi thấy Đề án 30 đã chỉ cho mọi người thấy là họ có thể nhận ra sự khác biệt, có thể cùng tham gia để thay đổi và giải quyết rắc rối trong quá trình kinh doanh.

Tôi hi vọng những kế hoạch và quyết định sẽ được thực hiện nghiêm túc để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Điều đó không chỉ giúp các doanh nghiệp VN kinh doanh dễ dàng hơn mà còn giúp thuận lợi hóa quan hệ đầu tư, thương mại của VN với các nước khác, trong đó có Mỹ.

Trong tương lai, hai nước sẽ cần nỗ lực rất nhiều để giữ nhịp độ tăng trưởng ổn định trong quan hệ đầu tư, thương mại và chống lại áp lực bảo hộ, nhưng tôi chắc chắn ở cả Mỹ và VN đều có những người sẵn sàng nỗ lực để điều đó diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khởi động trễ nhưng đang tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO