Khai thác sân bay Nội Bài: Cuộc đua "song mã"!

PHẠM SÔNG THU| 14/03/2015 00:10

Cuộc chạy đua "song mã” giữa Vietnam Airlines và VietJet Air để sở hữu quyền khai thác nhà ga T1 sân bay Nội Bài là dấu hiệu tích cực cho sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình vận hành cũng như khai thác cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư.

Khai thác sân bay Nội Bài: Cuộc đua

Cuộc chạy đua "song mã” giữa Vietnam Airlines và VietJet Air để sở hữu quyền khai thác nhà ga T1 sân bay Nội Bài là dấu hiệu tích cực cho sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình vận hành cũng như khai thác cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư.

Đọc E-paper

Xu hướng chuyển giao quyền khai thác cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp (DN) là việc bình thường ở các nước phát triển. Trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp thì việc nhượng quyền này sẽ thu hút thêm nguồn vốn để đầu tư các công trình, hoặc thực hiện đối tác công-tư với dự án đầu tư khác.

Ngành giao thông - vận tải đảm nhận sứ mệnh tiên phong cho việc nhượng quyền khai thác hoặc bán tài sản nhà nước qua hàng loạt thương vụ đang được các DN quan tâm, từ cảng hàng không, đường cao tốc, đến hệ thống cảng biển trên cả nước.

Ngoài việc Vietjet Air ngỏ ý muốn được nhượng quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài, Vietnam Airlines cũng gửi văn bản khẩn, đề nghị được chỉ định để mua lại nhà ga này.

Trước đấy, thương vụ đáng chú ý nhất là việc Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển nhiều khả năng sẽ trở thành cổ đông chi phối tại cảng lớn thứ nhì miền Bắc - cảng Quảng Ninh. Cuối năm 2014, những thủ tục cuối cùng về việc chuyển giao cảng Nha Trang từ tay Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về cho địa phương là tỉnh Khánh Hòa cũng đã hoàn tất.

Cũng vào thời điểm cuối năm ngoái, một "đại gia" khác là ông Trần Tuấn Lộc, ông chủ DN xây dựng mới nổi có trụ sở tại TP.HCM đã có lời "ướm hỏi" Bộ Giao thông Vận tải để trở thành cổ đông chiến lược của cảng Nghệ Tĩnh (Nghệ An). Trong khi đó, cảng Quy Nhơn (Bình Định) cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của một DN bất động sản có trụ sở tại Hà Nội.

Trước đó nữa, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có văn bản đề nghị được chuyển cảng Năm Căn về cho địa phương quản lý bởi có DN tư nhân trong tỉnh mong muốn được đầu tư vào dự án cảng quốc tế đang dở dang do Vinashin bỏ lại.

Một mũi tên trúng nhiều đích khi các thương vụ nhượng quyền trên giao dịch thành công. Các DN nhà nước như Vinalines có thêm nguồn lực tái cơ cấu trong bối cảnh DN này muốn vay tiền là điều vô cùng khó khăn. Nhà nước có thêm nguồn vốn để đầu tư các công trình, hoặc thực hiện đối tác công-tư với dự án đầu tư khác trong điều kiện thiếu ngân sách.

Nhưng quan trọng hơn, để tư nhân làm sẽ tốt hơn nhiều, cũng là động lực để thúc đẩy DN nhà nước đổi mới quản trị, hoạt động hiệu quả hơn để người dân được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn.

Tuy nhiên, vấn đề dư luận và nhà đầu tư quan tâm là làm thế nào để các thương vụ này giao dịch theo cơ chế thị trường. Các nhà đầu tư hội đủ điều kiện đều có cơ hội tham gia, tránh tình trạng lợi ích nhóm hoặc cơ chế xin - cho không tuân thủ theo qui luật của kinh tế thị trường làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đồng thời gây thất thoát ngân sách nhà nước khi định giá không đúng với giá trị thực.

Theo các chuyên gia, việc nhượng quyền khai thác hoặc bán tài sản nhà nước phải được thực hiện theo cơ chế đấu thầu công khai minh bạch như việc cổ phần hóa một DN nhà nước. Định giá phải được thực hiện minh bạch với nhiều phương thức khác nhau và có sự tham gia của hội đồng tư vấn độc lập để xác định mức giá trị tham chiếu cho khối công sản.

Một vấn đề mà dư luận quan tâm là làm thế nào để xây dựng cơ chế vừa đảm bảo lợi ích của quốc gia nhưng vẫn đủ hấp lực để khuyến khích các DN tư nhân tham gia?

Làm thế nào để dung hòa được lợi ích của DN, người dân thụ hưởng dịch vụ và an ninh quốc gia? Bởi mục tiêu cuối cùng của nhà đầu tư là cố gắng tối đa hóa lợi nhuận, tối thiểu hóa các chi phí duy tu bảo trì, bảo dưỡng.

Một khi Nhà nước rút bớt vốn và để cho tư nhân có nhiều quyền hơn chắc chắn sẽ thổi vào các công trình nhà ga hàng không, cảng biển, đường cao tốc... một luồng gió mới về quản trị để người dân được thụ hưởng những dịch vụ tốt hơn và Nhà nước có thêm nguồn thu để tái đầu tư cho xã hội.

Qua cuộc chạy đua "song mã” giữa Vietnam Airlines và VietJet Air để sở hữu quyền khai thác nhà ga T1 sân bay Nội Bài, nếu không có cơ chế minh bạch, dư luận có quyền hoài nghi liệu có xảy ra tình trạng lợi ích nhóm để chuyển từ độc quyền nhà nước sang một hình thức độc quyền tư nhân kiểu mới nhằm loại khỏi "cuộc chơi" của các nhà đầu tư "thấp cổ bé họng" ngay từ vòng đầu có ý định tham gia đầu tư?

>Nhóm lợi ích và lợi ích nhóm
>Tác động của nhóm lợi ích trong xây dựng chính sách?
>Vietnam Airline và cuộc chiến giữ người tài
>Vietjet Air tránh gọi mình là "hàng không giá rẻ"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khai thác sân bay Nội Bài: Cuộc đua "song mã"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO