Hàng về quê đâu dễ vui hơn

HẢO - LOAN| 25/08/2010 00:45

Khó vào kênh siêu thị, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận lặn lội về nông thôn để tìm kênh bán lẻ. Khu vực nông thôn lâu nay vẫn được coi là thị trường rộng lớn, nhưng đáng tiếc là các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ được thị trường này.

Hàng về quê đâu dễ vui hơn

Khó vào kênh siêu thị, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận lặn lội về nông thôn để tìm kênh bán lẻ. Khu vực nông thôn lâu nay vẫn được coi là thị trường rộng lớn, nhưng đáng tiếc là các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ được thị trường này.

Bài 1: Siêu thị: Ngoài khó vào, trong khó nói

Công ty nghiên cứu thị trường AC.Nielsen cho thấy, có đến 70% dân số Việt Nam sinh sống ở nông thôn, song mạng lưới cửa hàng bán lẻ tương ứng phục vụ họ chỉ chiếm 47% và mức tiêu dùng chỉ chiếm 27% doanh số bán lẻ trên cả nước.

Với doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng sau gần một năm phát động phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, khu vực nông thôn đang được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa hàng hóa về nông thôn là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đang loay hoay.

Hiện chỉ có chừng 10 - 15 công ty sản xuất hàng tiêu dùng trong nước có hàng hóa khá phố biến tại thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhưng chủ yếu là các nhãn hàng nước ngoài Unilever, Dutch Lady, P&G, Pepsi, Nestle... hoặc của các nhãn hiệu lớn trong nước như Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Vina Acecook, Kinh Đô, Mỹ Hảo, dược Hậu Giang...

Mặc dù tiềm năng nhưng thị trường nông thôn vẫn có doanh số thấp nên khiến các DN trong nước không mặn mà đưa hàng về đây. Ngay cả những công ty lớn vừa liệt kê, doanh số thu được từ khu vực nông thôn cũng chỉ chiếm 20 - 25% tổng doanh thu.

Ngoài ra, theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), còn một loạt khó khăn khác như: thị trường phân tán, sức mua thấp, xây dựng mạng lưới phân phối tốn kém, chi phí vận chuyển cao...

Ông Châu Nhựt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ, cho biết: “Chúng tôi rất tâm huyết với cuộc hưởng ứng Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Tổng doanh thu từ 46 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn do Trung tâm BSA thực hiện từ tháng 3/2009 - 6/2010 là 31 tỷ đồng, thu hút gần 650.000 lượt người tham quan, mua sắm.

Tuy nhiên, hiện tại với đội ngũ gồm 15 xe bán hàng lưu động chúng tôi chỉ mới có thể mở rộng hoạt động cung cấp thực phẩm gà, vịt và các mặt hàng thức ăn chế biến sẵn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các huyện vùng ven: Củ Chi, Bình Chánh chứ chưa dám mở rộng quy mô hơn nữa”.

Năm nay, Công ty May Sài Gòn 2 cũng tham gia vào cuộc hưởng ứng “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và chương trình bình ổn giá với mặt hàng đồng phục học sinh. Theo ông Ngô Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 2 cho biết:

“Đây là năm đầu tiên công ty tham gia vào chương trình này, thật ra ngoài nguyên vật liệu may đồng phục học sinh là chúng tôi mua trong nước còn lại tất cả đều phải nhập từ nước ngoài, nên giá cả khó mà cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập. Vì vậy, đây là chương trình đi theo đoàn, chứ nếu để tự thân vận động chắc khó mà có thể tham gia được”.

Tổng diện tích bán lẻ các siêu thị trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa ở TP.HCM khoảng 100.000m2, trong khi con số này của vùng nông thôn lên đến 300.000 - 500.000m2. Vấn đề của các nhà sản xuất là làm sao đưa được hàng vào thị trường này, hệ thống phân phối có sẵn nhưng quản lý như thế nào...

Nutifood là một trong những doanh nghiệp thu được hiệu quả tốt từ những chuyến bán hàng với doanh số bán hàng tăng 100% sau khi mở rộng thị trường về nông thôn. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng thành công và gắn bó với thị trường nông thôn.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn mới được thực hiện nhưng nhiều DN vẫn chỉ coi đây là “hội chợ quê” để bán hàng, thậm chí hàng lỗi mốt, kém chất lượng...

Không có mấy DN tính đến phương án dài hơi là lên kế hoạch marketing phù hợp hay xây dựng hệ thống phân phối chân rết ở thị trường nông thôn. Mặc dù vậy, thực hiện kế hoạch này không hề đơn giản vì chi phí xây dựng hệ thống phân phối rất khó khăn, tốn kém và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.

Chính vì vậy, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam trăn trở: “Nếu chúng ta không triển khai mạnh mẽ theo chiều sâu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chỉ dừng lại ở mức phong trào. Vì vậy, Nhà nước và các ban ngành liên quan cần tiếp sức cho các DN trong nước để họ tiếp tục đưa hàng nhiều hơn về nông thôn”.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Mùa Hạ cũng cho biết: “Đưa hàng Việt về nông thôn là một chương trình hay, tuy nhiên, sức người và nguồn vốn đều có hạn, để trụ lại và đồng hành cùng người dân ở nông thôn chúng ta cần phải có một chiến lược và sự hỗ trợ lâu dài hơn từ phía Chính phủ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng về quê đâu dễ vui hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO