Hàng Dệt may Việt Nam: Nửa chân ở thị trường Mỹ

ĐỖ PHƯƠNG| 11/07/2013 06:38

Mặc dù là một trong 5 nước cung ứng hàng dệt may hàng đầu thế giới nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% - 5% thị phần nhập khẩu toàn cầu. Trong đó, tại thị trường Mỹ, nơi xuất khẩu lớn nhất, hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 8%.

Hàng Dệt may Việt Nam: Nửa chân ở thị trường Mỹ

Mặc dù là một trong 5 nước cung ứng hàng dệt may hàng đầu thế giới nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% - 5% thị phần nhập khẩu toàn cầu. Trong đó, tại thị trường Mỹ, nơi xuất khẩu lớn nhất, hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 8%.

Đọc E-paper

Bản đồ dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Không còn cửa

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Văn phòng phía Nam Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cách đây 2 năm, giai đoạn 2011- 2012, dệt may Việt Nam đã trở thành một trong vài ngành kinh tế lớn nhất với khoảng 4.000 doanh nghiệp (DN), đạt doanh thu 20 tỷ USD, chiếm 15% GDP và dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, và được xem là một trong năm nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới.

Trong đó, Hoa kỳ chiếm trên 50%, EU (26%), Nhật (12%), Hàn Quốc (6%) tổng kinh ngạch xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, mức tăng trưởng của mặt hàng dệt may vào thị trường Mỹ tăng đều đặn qua các năm.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2013 đạt 3,24 tỷ USD, tăng 16,05% so với cùng kỳ. Thế nhưng, lượng DN có thể thâm nhập trực tiếp vào thị trường Mỹ lại không nhiều, phần đông chủ yếu là gia công cho những DN Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan khi họ dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam với lợi thế chi phí nhân công rẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Trung Hoan, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Thương mại Tấn Minh, cho biết, nếu tính trên tổng số DN dệt may, Việt Nam với gần 6.000 DN và hộ cá thể trên cả nước, thì chưa có đến 8% DN xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ, bởi thực tế thị trường này vốn dĩ trước nay đã là “miếng bánh chia ba” của các DN Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan.

Đại diện của Vitas cũng cho rằng, giá trị thực mà các DN Việt Nam thu về khi thông qua các công ty trung gian là khá ít, chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng doanh thu.

Công ty TNHH Dệt may Thương mại Tấn Minh có hơn năm năm kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường Mỹ với các mặt hàng thời trang nữ như áo vest, đầm, váy, áo kiểu các loại... và hàng hóa của DN được xuất trực tiếp sang New York (Mỹ) theo hình thức bán FOB (nguyên phụ liệu trong nước, vải nhập khẩu).

3,24 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ 5 tháng đầu năm đạt 3,24 tỷ USD, tăng 16,05% so với cùng kỳ.
Là một trong năm nước cung ứng hàng dệt may hàng đầu thế giới nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% - 5% thị phần nhập khẩu toàn cầu. Tại thị trường Mỹ, nơi xuất khẩu lớn nhất, hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 8%.

“Dù 90% hàng hóa của Tấn Minh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng thực tế hệ thống nhà máy chỉ mới hoạt động khoảng 60% công suất. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chỉ mới có thể gọi là bước đầu chính thức thâm nhập thị trường Mỹ dù rằng đây là thị trường rất tiềm năng và hầu hết các DN trong ngành đều muốn vào. Nhưng đây là việc không dễ dàng vì đòi hỏi DN những điều kiện về chất lượng, uy tín và theo những quy định rất nghiêm ngặt”, ông Hoan nhấn mạnh.

Vì thế, DN Việt Nam buộc phải xuất hàng sang Mỹ theo hai hướng, một là gia công, hai là chào bán hàng cho các công ty trung gian. Tấn Minh cũng là một trong những đơn vị tiếp cận bằng hình thức gia công cho các DN này, đến giai đoạn 2007 - 2008, một số khách hàng Mỹ đã bắt đầu tìm đến và đặt hàng trực tiếp với đơn vị.

Trông đợi TPP

Dù không tập trung nhiều vào một thị trường như Tấn Minh, nhưng Công ty CP Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon) lại có cách đầu tư khá bài bản với việc thiết lập văn phòng tại California (Mỹ) để chào hàng, cũng như có nhiệm vụ tìm hiểu nhu cầu thời trang tại Mỹ và xúc tiến những chương trình chào mẫu trực tiếp tới khách hàng có hệ thống bán lẻ tại thị trường này.

Văn phòng là kết quả hợp tác giữa Garmex Saigon với Công ty TNHH May Sài Gòn Xanh (Blue Exchange), với pháp nhân là Công ty TNHH May Sài Gòn Xanh có vốn điều lệ 86 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến may mặc.

Chia sẻ về cách làm bài bản này, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Saigon cho biết, chỉ có cách làm này, Công ty mới có thể chào bán trực tiếp với mức giá cao hơn theo hình thức FOB chỉ định, theo đó, giá bán cũng sẽ tăng hơn so với trước. Thừa nhận vấn đề này, ông Hoan cũng cho rằng, nếu không qua trung gian ắt hẳn DN sẽ có được lợi nhuận cao hơn.

“Và để làm được điều này thì không chỉ DN mà cả Chính phủ cũng phải chung tay cùng chúng tôi”, ông Hoan nói. Theo ông Hoan, Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là chìa khóa cho các DN dệt may nói riêng và các DN xuất khẩu nói chung.

Vì khi TPP giữa Mỹ và các nước trong khu vực Asean được ký kết, sản phẩm dệt may của Việt Nam vào Mỹ sẽ còn 0-5% thuế nếu nguyên liệu có nguồn gốc từ những nước trong khối ASEAN hoặc trong nước.

Tuy nhiên, TPP yêu cầu DN xuất khẩu phải chứng minh được xuất xứ của sợi chứ không phải sản xuất, do đó, để phát triển ngành dệt may, điều này đồng nghĩa buộc Chính phủ Việt Nam phải có kế hoạch đầu tư vào ngành bông sợi và dệt nhuộm.

Thế nhưng, nói tới việc phát triển ngành dệt nhuộm thì hầu hết các địa phương đều không chấp nhận cho đầu tư, đó cũng chính là khó khăn của ngành, nên không phải DN dệt may nào cũng có thể làm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Dệt may Việt Nam: Nửa chân ở thị trường Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO