Hàng dệt may vào Châu Âu: Nhiều cơ hội tăng trưởng

HỒNG NGA| 14/03/2012 05:21

Khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam, nhưng năm qua hàng dệt may xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thị trường EU. Dù được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong năm nay nhưng doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn còn nhiều cơ hội nếu biết làm đúng cách.

Hàng dệt may vào Châu Âu: Nhiều cơ hội tăng trưởng

Khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam, nhưng năm qua hàng dệt may xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thị trường EU. Dù được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong năm nay nhưng doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn còn nhiều cơ hội nếu biết làm đúng cách.

May mặc Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu vào Châu Âu - Ảnh: Thi Na

Cạnh tranh gay gắt hơn

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vượt 15,6 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trên 38%, mức cao nhất trong 5 năm qua. Chỉ riêng thị trường châu Âu cũng đã đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 2,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của châu Âu.

Dù đang tăng trưởng tốt nhưng theo các chuyên gia, xuất khẩu vào thị trường này, DN Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Trở ngại đầu tiên là ở châu Âu, thị hiếu, phong cách tiêu dùng, ngôn ngữ kinh doanh của những nước này khác nhau nên để tạo ra một sản phẩm thích ứng với 27 nước trong khu vực này là một thách thức không nhỏ đối với DN Việt Nam.

Hơn nữa, thị trường châu Âu có rất nhiều quy định kỹ thuật khắt khe đối với hàng dệt may nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Trong khi đó, DN Việt Nam lại thiếu vốn đầu tư các trang thiết bị hiện đại để kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào nên đây cũng là một rào cản không nhỏ.

Ngoài ra, việc cập nhật thông tin của các DN Việt Nam còn nhiều hạn chế cũng làm tăng nguy cơ gặp phải rủi ro trong xuất khẩu.

Ngoài những yếu tố trên, hiện nay, tình hình kinh tế ở châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn và người tiêu dùng ở những nước này đang thắt chặt chi tiêu cũng là một thách thức đối với DN Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Pháp và EU” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) phối hợp với hệ thống siêu thị Big C, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, bà Alice Baey, Giám đốc Thu mua toàn cầu Tập đoàn Casino (Pháp), cho biết, hiện nay, kinh tế suy giảm đã ảnh hưởng đến tiêu dùng hàng hóa ở châu Âu.

“Thu nhập giảm, tìm việc làm khó khăn hơn trước, nên người tiêu dùng châu Âu chọn phương án hạn chế mua những mặt hàng không cần thiết. Ngoại trừ lương thực, thực phẩm, những mặt hàng như quần áo, giày dép... đã bị liệt vào danh sách mua sắm có tính toán”, bà Alice Baey nói.

Thậm chí, người tiêu dùng châu Âu xem hàng giảm giá là lựa chọn số 1 trong mua sắm. Chỉ riêng tại Pháp, hơn 50% hàng may mặc được tiêu thụ là nhờ có khuyến mãi.

Không chỉ vậy, bà Jo Bueters, cố vấn kỹ thuật và chiến lược ngành hàng phi thực phẩm của Tập đoàn Casino, còn cho rằng, DN dệt may Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của nguồn hàng sản xuất từ các nước khác.

Điển hình như ngành may Maroc được Trung Quốc chuyển giao công nghệ may mặc và hiện nay rất phát triển. Sản phẩm may mặc từ Maroc đến Pháp chỉ mất khoảng 2 tuần nên giá cả sẽ cạnh tranh hơn.

Hơn nữa, áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc, Bangladesh và một số nước châu Á khác hiện đang chiếm thế mạnh ở thị trường này cũng là một khó khăn cho DN Việt Nam.

Ngoài những yếu tố trên, theo ông Phạm Gia Hưng, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam phía Nam, DN dệt may Việt Nam còn nhiều điểm yếu kém. Phần lớn hàng dệt may xuất khẩu là sản phẩm gia công.

Chỉ một số ít công ty lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, May 10... là có khả năng làm FOB (chủ động nguồn nguyên liệu, phát triển sản phẩm dựa trên mẫu của khách hàng, và sản xuất), tuy nhiên, do ngành may Việt Nam còn yếu về khâu thiết kế nên làm FOB cũng chỉ được một phần.

Cơ hội vẫn còn nhiều

Dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam thì châu Âu được đánh giá là một trong những thị trường rộng lớn và tiềm năng.

Mục tiêu ngành dệt may đề ra trong năm nay là sẽ nỗ lực tăng mức xuất khẩu các sản phẩm dệt may sang châu Âu lên 2,7 tỷ USD. Trong các nước châu Âu thì thị trường Pháp đang tăng trưởng tốt với mức 13% trong hai năm qua.

Dù đã đạt mức tăng trưởng hai con số nhưng tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Pháp nói riêng và châu Âu nói chung còn rất nhiều cơ hội. Trong năm 2011, Việt Nam đứng vị trí thứ 7 trong các nước xuất khẩu vào châu Âu và thứ 14 vào Pháp.

Ông Guillaume Crouzet, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), cho rằng, Pháp là thị trường còn nhiều tiềm năng cho hàng dệt may Việt Nam.

Các DN Việt Nam cần tăng cường đầu tư nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng để có thể vượt qua những rào cản, đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Pháp.

“Trong quá trình toàn cầu hóa, các DN Pháp đến các nước châu Á để tìm nguồn sản xuất cũng như mua các mặt hàng dệt may. Trước đây, họ làm việc với các nước Bangladesh, Trung Quốc thì nay họ muốn làm việc với Việt Nam. Và đây là cơ hội cho các DN Việt Nam”, ông Guillaume Crouzet nói.

Dù tín hiệu tốt đã đến nhưng muốn tăng trưởng xuất khẩu lâu dài và có chỗ đứng ổn định tại châu Âu và Pháp, DN Việt Nam cần phải làm nhiều hơn thế. Theo bà Alice Baey, các mặt hàng dệt may Việt Nam đã đạt được những chuẩn mực nhất định.

Tuy nhiên, đó chưa đủ để thâm nhập lâu dài ở thị trường Pháp và châu Âu. Điều cần thiết là phải nghĩ tới hướng đi lâu dài. Muốn xuất khẩu tốt, DN Việt Nam phải năng động sáng tạo, luôn có những mẫu mã mới, theo dõi những thay đổi của các khách hàng châu Âu để có thể thích nghi.

Vấn đề cốt lõi mà DN Việt Nam hãy tận dụng là trình độ tay nghề, tập trung vào những sản phẩm thế mạnh, đầu tư cho khâu thiết kế, công nghệ.

Có như vậy, về lâu dài mới duy trì được khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, muốn thành công khi xuất khẩu vào châu Âu, ngoài yếu tố chất lượng hàng hóa, các DN cũng cần quan tâm đến vấn đề trách nhiệm xã hội của DN với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng dệt may vào Châu Âu: Nhiều cơ hội tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO