Gỡ nút thắt để thịt gà, heo vào EU

Ý Nhi| 30/09/2020 01:33

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, các dự án được đầu tư theo hướng thiết lập vùng an toàn dịch bệnh, sản phẩm chất lượng cao sẽ tạo tiền đề cho các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là thịt lợn, thịt gà xuất khẩu sang thị trường EU.

Gỡ nút thắt để thịt gà, heo vào EU

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Những năm gần đây, ngành chăn nuôi phát triển nhanh, sản lượng thịt tăng lên gấp 10 lần, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và đã có sản phẩm xuất khẩu. Xét về kinh tế thì chưa lớn nhưng điều quan trọng là đã khẳng định được giá trị thương hiệu của nông nghiệp Việt Nam, không chỉ có nông sản, thuỷ sản, lâm sản mà còn có cả súc sản.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, khó khăn với chăn nuôi Việt Nam không nhỏ. Đó là chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ chiếm tỷ lệ cao, năng suất thấp, giá thành cao, vấn đề an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường còn tồn tại. Trong khi đó, để thịt heo, gà Việt Nam vào được EU thì phải đạt tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm, cơ sở giết mổ, truy suất nguồn gốc từ chăn nuôi, giết mổ... Đây cũng chính là nút thắt của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Đặc biệt, ngành chăn nuôi đang chịu áp lực cạnh tranh từ phía thị trường EU. Hiện, các quốc gia EU có lợi thế rất lớn về sản xuất chăn nuôi, với diện tích chăn nuôi rộng, năng lực và trình độ sản xuất cao, sở hữu các giống vật nuôi tốt, công nghệ chuồng trại, giết mổ, chế biến và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều hơn hẳn so với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thị trường nhập khẩu đều siết chặt hơn các quy định nhập khẩu.

Dù vậy, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng có những điểm mạnh riêng và nếu tận dụng cơ hội, đầu tư nghiêm túc và liên kết sức mạnh sẽ gỡ được nút thắt khó khăn. Đây cũng chính là một trong những lý do Cục Chăn nuôi nghiên cứu, soạn thảo và đệ trình chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040, trong đó, việc liên kết các đơn vị chăn nuôi, bao gồm từ các nông hộ nhỏ lẻ cho tới doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thành chuỗi cung ứng chăn nuôi là rất quan trọng.

Để từng bước tháo gỡ nút thắt, nhiều địa phương, doanh nghiệp cũng đã đầu tư nhiều mô hình chế biến theo công nghệ cao. Mới đây tại tỉnh Đắk Lắk dự án "Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk" do Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Hùng Nhơn Group đầu tư cũng vừa khởi công. Dự án này được xem là điển hình có thể giải quyết đúng những nút thắt của ngành chăn nuôi Việt Nam, đó là giải được bài toán cung cấp nguồn giống lợn, gà năng suất cao, xây dựng nhà máy giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, dự án DHN Dắk Lắk đã giải quyết đúng những nút thắt của ngành chăn nuôi Việt Nam, đó là giải được bài toán cung cấp ổn định nguồn giống lợn, gà năng suất cao; xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo ra chuỗi liên kết để phát triển bền vững từ con giống - thức ăn - giết mổ, chế biến - phân bón hữu cơ theo mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Le-Khoi-cong-Du-an-To-hop-Khu-1811-9993-

Dự án HDN Dăk Lăk khởi công

Ông Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết: "Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 66 triệu USD, tương đương 1.500 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2025. Tổ hợp có quy mô sử dụng đất khoảng 200ha, trong đó gồm Khu trang trại, chăn nuôi heo giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan, có diện tích khoảng 80ha; Khu trang trại chăn nuôi gà giống khoảng 30ha; Nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân bón khoảng 15ha; Khu điều hành và hỗ trợ dịch vụ khoảng 20ha. 

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo ra nguồn cung cấp heo giống chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, với công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà, cung cấp cho thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị. Đây cũng là mô hình canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh khoảng 30ha; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khoảng 25ha, thân thiện với môi trường”. Đặc biệt, theo xu thế ứng dụng công nghệ 4.0, toàn bộ quy trình chăn nuôi tại dự án được ứng dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống trang trại của dự án được vận hành và giám sát theo công nghệ 4.0, được cung cấp bởi tập đoàn Skiold (Đan Mạch).

 Dự án cũng tạo cơ hội việc làm cho khoảng 300 lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi giá trị cao, canh tác hữu cơ theo công nghệ hiện đại”, ông Hùng khẳng định.Trong chiến lược dài hạn, DHN Dắk Lắk  cũng hướng tới xây dựng một chuỗi giá trị cùng vùng an toàn dịch bệnh tại Đắk Lắk và các vùng phụ cận.

Tương tự,Tổ hợp chế biến thịt của Công ty TNHH MEATDeli Sài Gòn cũng đã hoàn tất đi vào hoạt động vào đầu tháng 10, Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli có tổng vốn đầu tư đăng ký 1.800 tỉ đồng, trên quy mô hơn 20 ha tại Khu công nghiệp Tân Đức (Đức Hòa, Long An) và  mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gia cầm với vốn đầu tư 613 tỷ đồng để sở hữu 51% Công ty 3F Vịt- doanh nghiệp nội địa có nền tảng sản xuất thịt gia cầm hàng đầu. Dự án có tổng diện tích hơn 20 ha, công suất thiết kế 1,4 triệu con heo/năm. 

15-10-46-metdeli-1-191222-4869-160187688

Đại diện Tập đoàn Masan tại Long An thông tin, đây là dây chuyền chế biến thịt tại MEATDeli Sài Gòn được Marel -Hà Lan cung cấp. Tính đến nay, MEATDeli đã phục vụ cho hàng triệu người tiêu dùng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, có mặt tại hơn 1.700 điểm bán, bao gồm hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+, siêu thị CoopMart, Big C, các cửa hàng MEATDeli và các đại lý… 

Theo đánh giá của MML, thịt gia cầm đóng vai trò quan trọng thứ hai trong bữa ăn của gia đình Việt. Những hạn chế của thị trường này cũng tương tự như đối với thị trường thịt heo: năng suất thấp, vấn đề về chất lượng, thiếu sản phẩm mới và đột phá. Trong bối cảnh đó, 3F VIỆT, một doanh nghiệp nội địa thành lập vào năm 2014, nổi lên với vai trò đi đầu về các sản phẩm từ gia cầm như thịt gà mát đóng gói và các sản phẩm chế biến từ thịt gà. Nền tảng của 3F VIỆT là chuỗi giá trị trải đều từ con giống, trại ấp, trại thịt đến cơ sở chế biến và đóng gói quy mô lớn. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm và nhà máy chế biến của 3F VIỆT đạt các tiêu chuẩn của các hệ thống quản lý chất lượng như HACCAP, ISO 22000, và đặc biệt là FSSC22000 của Tổ chức FSSC 22000 có trụ sở tại Hà Lan. Với mô hình hoạt động hiệu quả, 3F VIỆT hướng đến mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ và hòa vốn EBITDA trong năm tài chính 2020.

Cũng như thế, Tập đoàn Mavin cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với các đối tác cung cấp thiết bị chuồng trại hàng đầu trên thế giới như Big Dutchman, Fancom, Roxell… là những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu về thiết bị chuồng trại chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật tốt để hỗ trợ các hộ nông dân tiếp cận với mô hình chuồng trại hiện đại, chăn nuôi công nghệ cao, tự động hóa.

Ông Gabor Fluit – Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á cho biết, hiện nhu cầu của người chăn nuôi Việt Nam ngoài thức ăn tốt còn cần nguồn giống chất lượng, đặc biệt là sau khi bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi, nhu cầu tái đàn, con giống tốt rất cao, vì vậy việc đầu tư một khu chăn nuôi, sản xuất con giống chất lượng cao là rất quan trọng. Ông Gabor Fluit  cũng nói thêm: ‘"Dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, khiến lợn chết rất nhanh đối với cả heo thịt và heo nái. Hiện Hà Lan, Việt Nam cũng tham gia hiệp định thương mại tự do, nếu ngành chăn nuôi không đáp ứng được chất lượng thì khả năng cạnh tranh rất khó. Việc đầu tư năng suất cao sẽ tạo ra khả năng cạnh tranh cao cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam" . 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỡ nút thắt để thịt gà, heo vào EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO