Doanh nghiệp bán lẻ “ăn ngủ không yên” vì ế ẩm

Minh Hào| 30/09/2020 07:58

Cửa hàng đóng cửa vì vắng khách, hàng ngàn doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ đang chờ giải thể vì kinh doanh thua lỗ. Ngành bán lẻ đang “ăn ngủ không yên”.

Doanh nghiệp bán lẻ “ăn ngủ không yên” vì ế ẩm

Đìu hiu cửa hàng bán lẻ

Dù đã chuẩn bị vào “mùa mua sắm” cuối năm nhưng hàng loạt mặt bằng tại những khu phố vốn sầm uất và cao cấp của TP.HCM như Lý Tự Trọng, Đồng Khởi… vẫn đang treo biển cho thuê. Nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa giữa đô thị nhộn nhịp nhất Việt Nam cũng đóng cửa hoặc thu hẹp vì vắng khách.

Cửa hàng vắng, siêu thị cũng không khá hơn. Trước kia, khu vực cho thuê gian hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại như Pandora, Pico, Big C… mang đến nguồn thu không nhỏ cho doanh nghiệp nhưng nay đang vắng người thuê. 

Khách giảm nên doanh số của các nhà bán lẻ cũng tụt giảm ghê gớm. Báo cáo tài chính của Masan cho thấy, doanh thu quý II/2020 của chuỗi siêu thị VinMart đã giảm 15%. Ngay như thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Co.opmart cũng giảm đến 50% doanh thu trong thời điểm dịch và hiện tiếp tục giảm.  

Ghi nhận của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, từ đầu 2020 đến nay có tới 8.102 doanh nghiệp bán buôn - bán lẻ trên cả nước đang chờ giải thể vì kinh doanh thua lỗ.

Những nguyên nhân dẫn tới doanh số bán lẻ sụt giảm, đó là sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo Vietnam Report, có đến 44,4% doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn vì thiếu hụt vốn kinh doanh khi doanh số sụt giảm nhưng vẫn phải chi trả các khoản như lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, lãi vay, thuê mặt bằng…

Không chỉ vậy, kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp bị đảo lộn. Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE Việt Nam, có tới 38% nhà bán lẻ cho biết phải tạm ngưng mở rộng trong năm 2020, 11% tập trung củng cố cửa hàng hoặc phải dời ngày khai trương sang năm 2021.

Sự sụt dốc của ngành bán lẻ cũng kéo theo sự lao dốc của doanh nghiệp kinh doanh mặt bằng. Để giữ khách hàng, từ đầu năm đến nay, giới kinh doanh mặt bằng bán lẻ nhiều lần giảm giá cho thuê. Theo Savills Việt Nam, các chủ mặt bằng đã giảm giá thuê từ 30-40%, các trung tâm thương mại cũng điều chỉnh giảm từ 20-30%. Thậm chí, nhiều nơi, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ giảm đến 50% so với trước đây. 

ban-le-5610-1601427849.jpg

Doanh nghiệp bán lẻ vẫn ăn ngủ không yên khi người tiêu dùng "thắt chặt hầu bao" vì thu nhập giảm

Nỗ lực duy trì

Theo Vietnam Report, có đến 90,9% doanh nghiệp bán lẻ chấp nhận giảm lãi để giảm thêm giá bán, tăng thêm ưu đãi cho sản phẩm, giao hàng miễn phí tại nhà… nhằm tăng doanh thu. 72,7% doanh nghiệp bán lẻ thực hiện cắt giảm chi phí thông qua đàm phán giảm giá thuê mặt bằng, hạn chế tuyển dụng mới, cắt giảm chi phí quảng cáo… để bù vào khoản doanh thu bị mất.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn tăng cường số hóa các hoạt động vận hành, đầu tư xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến mới song song phát triển các hình thức thanh toán đa dạng, linh hoạt. 

Hiện tại, hầu hết các thương hiệu bán lẻ như Co.opmart, Lotte Mart, Big C… đều tăng cường bán hàng qua mạng, bán hàng qua điện thoại. Trong đó, Co.opmart, VinMart… còn đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt thông qua ví điện tử, thẻ ngân hàng.  

Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Co.opmart) cho biết, đơn vị đặt mục tiêu trong vòng 4 - 5 năm tới, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers... đạt 30% trong thanh toán mua hàng.

Cũng theo đại diện của Saigon Co.op, nỗ lực lấy lại doanh thu, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op triển khai nhiều hình thức kinh doanh cùng lúc. Trong đó, mô hình các cửa hàng nhỏ, tiện lợi len lỏi đến các khu dân cư được nhân rộng để phục vụ tận tay cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu người dân.  

Với gần 80% người tiêu dùng cho biết bị ảnh hưởng về tài chính do công việc ít hơn buộc phải thận trọng hơn trong chi tiêu trong thời gian tới sẽ khiến doanh nghiệp bán lẻ sẽ tiếp tục “mất ăn mất ngủ”.

Để giải được thế khó này cho bán lẻ, các chuyên gia đề xuất 4 giải pháp trọng tâm cần Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên giải quyết. Trong đó, phải bổ sung, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bán lẻ thông qua các gói tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế. Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động bán hàng online đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, kết nối với nhà cung cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp bán lẻ “ăn ngủ không yên” vì ế ẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO