Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô: Ngoài mừng, trong lo

HOÀNG VINH| 28/11/2013 03:27

Đã nhiều lần, các DN kêu gọi giảm thuế để giảm giá xe, kích cầu tiêu dùng, thế nhưng khi cơ quan chức năng đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì 8 DN trong VAMA lại phản đối!

Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô: Ngoài mừng, trong lo

Nhiều năm nay, thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao là một trong những nguyên nhân khiến thị trường ô tô Việt Nam sụt giảm. Đã nhiều lần, các doanh nghiệp (DN) kêu gọi giảm thuế để giảm giá xe, kích cầu tiêu dùng, thế nhưng khi cơ quan chức năng đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì 8 DN trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại phản đối!

Đọc E-paper

Các DN sản xuất ô tô kiến nghị không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt

Chuyện ngược đời?

So với năm 2012, thị trường ô tô hiện nay đã khá lên. Tuy nhiên, để tăng số lượng xe bán ra, các DN phải dùng nhiều biện pháp kích cầu như giảm giá, tăng dịch vụ sau bán hàng... Hiện tại, thị trường có vẻ ổn nhưng các nhà sản xuất ô tô đang chuẩn bị đối phó trước những áp lực mới, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN.

> Dự thảo điều chỉnh thuế ô tô nhập khẩu
> Công nghiệp ô tô: “Ngộp thở” vì thuế!
> Sẽ giảm 50-70% thuế, phí cho ô tô?
> Bảo hiểm "ăn theo" ô tô

Để hỗ trợ các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cạnh tranh với xe nhập khẩu, xây dựng ngành công nghiệp ô tô ổn định, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong dự thảo này, ngoài những ưu đãi về vay vốn dài hạn lãi suất thấp, đầu tư hạ tầng, giảm thuế thu nhập DN..., Bộ cũng đề xuất giảm mạnh nhiều khoản thuế, trong đó "giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các loại xe dưới 10 chỗ, có dung tích xy lanh đến 2.000cm3 để kích cầu tiêu dùng".

Tưởng với những đề xuất như vậy, các DN ngành ô tô sẽ phấn khởi, nhưng ngược lại, khi Dự thảo được trình lên thì 6 DN sản xuất ô tô có vốn đầu tư từ Nhật Bản (Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Suzuki Việt Nam, Hino Việt Nam, Ngôi Sao Việt Nam (Vinastar), Isuzu Việt Nam) và 2 DN trong nước là Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) đã gửi công văn lên Thủ tướng kiến nghị không giảm dòng thuế này.

Mới nghe qua có vẻ kiến nghị của những DN này thật ngược đời. Bởi, từ nhiều năm nay, giá xe của Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới phần lớn do thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 40-60% tùy theo dung tích xi-lanh). Giá xe cao trong khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu nên sức mua năm 2012 giảm một nửa so với năm 2011. Năm nay, thị trường đã bắt đầu phục hồi nhưng nhiều DN vẫn kêu gọi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để kích cầu tiêu dùng, nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng đồng ý. Thế nhưng, khi được "bật đèn xanh" thì nhiều DN ô tô lại phản ứng. Vì sao có chuyện này?

Các DN cho rằng, quy hoạch phát triển ô tô được xây dựng là nhằm giữ chân và thu hút các DN đầu tư vào phát triển, sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Mặc dù đã có những ưu đãi nhất định nhưng các nhà sản xuất ô tô vẫn sẽ khó cạnh tranh lại xe nhập khẩu nếu như xe nhập khẩu cũng được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo lý lẽ của những DN đề nghị không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì đề xuất "Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (có thời hạn và lộ trình) cho các loại xe dưới 10 chỗ, có dung tích xy lanh đến 2.000cm3 để kích cầu tiêu dùng" tại Điều 6.2.1 của Dự thảo rất chung chung, không rõ ràng và có thể hiểu là giảm cho cả xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Theo lộ trình hội nhập AFTA, đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ giảm về mức 0% thì khi đó, giá xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ rẻ hơn xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Điều này là chắc chắn vì xe lắp ráp trong nước ngoài nhập linh kiện từ ASEAN có thuế suất 0% thì vẫn phải nhập không ít linh kiện từ khu vực ngoài ASEAN và phải chịu thuế suất 5%.Chỉ mới có thuế nhập khẩu giảm, giá xe nhập đã giảm như thế, nếu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng áp dụng giống như các DN sản xuất trong nước thì chắc rằng, DN trong nước khó lòng mà cạnh tranh lại.

Không còn ngành công nghiệp ô tô?

Hiện, các DN có ý định đầu tư vào sản xuất ô tô, tăng nội địa hóa chỉ muốn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe trong nước sản xuất, không muốn giảm cho cả xe nguyên chiếc nhập khẩu, vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc nhập khẩu xe nguyên chiếc và gây khó khăn cho việc duy trì sự tồn tại của ngành công nghiệp ô tô đến năm 2018. "Cuối cùng, tất cả các nhà sản xuất trong nước có thể sẽ phải cân nhắc dừng sản xuất và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc", các DN này cảnh báo.

Các DN cho rằng, quy hoạch phát triển ô tô được xây dựng là nhằm giữ chân và thu hút các DN đầu tư vào phát triển, sản xuất ô tô tại Việt Nam. Mặc dù đã có những ưu đãi nhất định nhưng các nhà sản xuất ô tô vẫn sẽ khó cạnh tranh lại xe nhập khẩu nếu như xe nhập khẩu cũng được hưởng những chính sách trên.

Tính toán của các chuyên gia cho thấy, sau năm 2020 sẽ là giai đoạn bùng nổ ô tô với sản lượng năm 2020 sẽ đạt khoảng 400 ngàn chiếc/năm, tới 2030 khoảng 2 triệu xe/năm. Trong đó, ô tô con 9 chỗ trở xuống chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu. Nếu sản xuất trong nước không đáp ứng được thì phải "nhường sân" cho xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Sách Trắng 2014 do do Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) thực hiện, cho thấy, ngành lắp ráp ô tô có khả năng chỉ đạt được mức tăng trưởng 3% mỗi năm. Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào năm 2015 sẽ khiến các nhà lắp ráp xe trong nước nhập khẩu xe từ các quốc gia thành viên ASEAN cũng như của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để kinh doanh. Với những áp lực đó, cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ không còn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô: Ngoài mừng, trong lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO